Nhiều khu biệt thự bạc tỷ, nhà liền kề bị bỏ hoang ở Hà Nội thành nơi sinh sống của hàng trăm công nhân xây dựng ngoại tỉnh.
Công nhân sống trong biệt thự xây thô, bỏ hoang ở Khu đô thị Nam An Khánh. Ảnh: Di Linh
Vài năm trở lại đây, Hà Nội xuất hiện nhiều khu biệt thự bạc tỷ, nhà liền kề xây thô rồi... bỏ hoang. Trong bối cảnh "đất chật, người đông", những ngôi nhà hoang này đang là nơi che mưa nắng cho rất nhiều công nhân, người lao động nghèo tại các công trình xây dựng khác.
Những căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang này được thuê lại cho vài chục người sinh sống với chi phí thấp, giúp nhiều người lao động nghèo không phải sống tạm bợ trong lán trại ở công trường xây dựng.
Ngày phu hồ, tối ngủ... biệt thự
Từ đại lộ Thăng Long rẽ vào công viên Thiên Đường Bảo Sơn, đi thêm khoảng 2km sẽ đến dãy nhà biệt thự trong khu đô thị Nam An Khánh. Nơi đây có hàng chục căn biệt thư xây xong phần thô rồi... để đó.
Trong khuôn viên căn biệt thư xây thô đầy cỏ dại, rác bẩn, một người đàn ông gầy gò, nhỏ thó đang cặm cụi rửa bát. Nước được lấy từ chiếc bể xây lộ thiên bằng chiếc mũ bảo hộ lao động.
"Nay chị nấu cơm xin về mấy hôm nhà có việc. Tôi phải nghỉ làm nấu cơm rửa bát cho anh em", chú T. (Thanh Hóa) chia sẻ.
Chú T. cho biết, căn biệt thự này được chủ thầu xây dựng thuê cho anh em công nhân công trường sinh sống, "mỗi người tháng tốn vài trăm".
Chú T. cặm cụi rửa bát vì chị nấu cơm cho anh em công nhân xin về quê. Ảnh: Di Linh
"Cả khu này có 4-5 căn biệt thự cho thuê. Chủ yếu là anh em công nhân xây dựng các tỉnh về làm ở những công trình gần đây. Mỗi căn cũng ở được vài chục người. Mùa hè mát hơn ở lán tại công trường. Điện nước thì kéo ở nhà dân gần đây", chú T. cho biết.
"Ngày phu hồ, tối ngủ... biệt thự thích lắm em! Trước tụi anh không đi thuê nhà trọ riêng thì cũng phải ngủ công trường. Ở đây rộng rãi, thoáng hơn nhiều!", anh Vũ (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cười đùa.
Những căn biệt thụ bỏ hoang ở KĐT Nam An Khánh đang là mái nhà giá rẻ của nhiều người lao động. Ảnh: Di Linh
Chỉ cần tốn ít tiền
Được các "gia chủ" đồng ý cho thăm quan biệt thự, chúng tôi len lỏi qua chiếc cầu thang phủ đầy cát lên tầng 2. Tại đây, ập vào mắt chúng tôi là những tấm ván kê gạch trên sàn nhà, những manh chiếu rách, vải bạt che cửa sổ chắn gió... và mấy chiếc quạt trị giá vài chục ngàn.
Dường như biết chúng tôi nghĩ gì, anh Vũ nói: "Quen rồi em, ngày làm mệt tối về chỉ cần có chỗ ngả lưng là được và nhất là tốn ít tiền".
Nơi ngủ tồi tàn của các công nhân trong biệt thự cao cấp. Ảnh: Di Linh
Thấy có phóng viên đến thăm, chị L.T.L (Điện Biên, ở căn biệt thự bên cạnh) nói với sang qua chiếc của sổ che bạt đang phất phơ vì gió: "Mời chú sang đây chơi".
Bên chị L. cũng chẳng khác là bao nhưng sạch sẽ hơn vì ở đây có cả nam và nữ. "Chị em khổ mỗi chuyện vệ sinh, tắm giặt thôi. Nhà tắm có riêng nhưng phải xách nước, che bạt. Còn cánh đàn ông đi làm về toàn tắm tập thể ở bể nước xây dưới tầng 1", chị L. nói.
"Không có cửa, che bạt thế này không sợ trộm à chị?", tôi buột miệng hỏi.
"Ôi giời! quần áo rách ai lấy. Có cái cục gạch (điện thoại - PV) với mấy đồng thì đi đâu mang theo đấy rồi", chị L. cười.
Một căn nhà liền kề bỏ hoang ở KĐT mới Cầu Diễn. Đây là nơi cư ngụ của hàng chục công nhân xây dựng. Ảnh: Di Linh
Không ở biệt thự cũng ở nhà liền kề
Rời khu đô thị Nam An Khánh, chúng tôi về khu đô thị mới Cầu Diễn gần đường Hoàng Công Chất. Tại đây cũng có hàng chục căn hộ liền kề xây thô, bỏ hoang và đang là nơi trú ngụ cho cả trăm công nhân.
Được biết, các căn hộ tại đây có giá từ 5-7 tỷ đồng. Tuy nhiên, rất ít người đến sống tại đây. "Mỗi tháng tôi trả 10 triệu để thuê căn nhà này cho anh em công nhân sống. Ở đây đông cũng có tới 60 người", anh P. (Thanh Hóa), chủ thầu xây dựng cho biết.
Giường tầng trong căn nhà liền kề. Ảnh: Di Linh
Một điều dễ nhất để phân biệt các căn nhà liền kề có công nhân sinh sống là quần áo phơi kín đặc mặt tiền các tầng. "Giật mình hả!", anh H. (một công nhân sống tại đây) vỗ vai khi tôi đang nhìn những chiếc giường tầng như ký túc xá sinh viên treo đầy quần áo trong một căn phòng.
"Tiết kiệm là trên hết! Không dựng giường tầng thế này lúc đông người lấy chỗ đâu mà ngủ. Hôm trước cũng có anh nhà báo đến quay phim cũng giật mình đấy!", anh cười.
"Anh em vẫn gọi vui đây là "chung cư công nhân" cao cấp. Mà cũng đúng vì ở quê làm gì được ở nhà to thế này", anh Nguyễn Đức M. (Điện Biên) đùa.
Di Linh
Theo ĐSPL, Vietnammoi