Sinh hoạt ngày càng đắt đỏ
Từ ngày 1/3, giá gas tiếp tục tăng thêm 52.000 đồng mỗi bình 12 kg, nâng giá giá bán lẻ lên 500.000 đồng/thùng. Đây là lần thứ ba giá gas tăng kể từ đầu năm. Trước đó, vào tháng 1, giá gas đã tăng 24.000 đồng mỗi bình 12 kg, và tiếp tục nâng lên 8.000 đồng sau vài ngày. Đến đầu tháng 2, giá gas lại cao thêm 42.000 đồng nữa. Từ giá gas, không khó dự đoán hàng loạt sản phẩm khác cũng sẽ tăng giá trong dịp này.
Phòng thu mua các siêu thị cho biết đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp ngành hàng hóa mỹ phẩm và sữa bột từ ngày 1/3, trong đó, hàng của tập đoàn đa quốc gia tăng giá khoảng 5-7%, và hàng nhập tăng 5-10%, tuỳ loại. Đáng chú ý có các mặt hàng như nước xả vải Downy, sữa tắm Dove, Lux, sữa rửa mặt, các sản phẩm chăm sóc cơ thể... của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam, giá cũng sẽ tăng. Nhà phân phối Danone Việt Nam điều chỉnh tăng 5-10% giá các mặt hàng sữa Dumex, dự kiến mặt bằng giá mới sẽ hình thành từ giữa tháng 3.
Thực phẩm là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, thế nên giá mặt hàng này tăng luôn tạo áp lực đối với các bà nội trợ. Dịch cúm gia cầm bùng phát, thông tin thịt heo bị làm thuốc, sự ngờ vực với một số loại thực phẩm thiết yếu tăng cao... đã tác động đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với một số thực phẩm. Mặc dù sức mua các loại gia cầm đang giảm mạnh, giá các loại gia cầm như gà, vịt, ngan có xu hướng tăng do các trang trại vẫn chưa bán hàng với số lượng lớn để chờ diễn biến của dịch cúm. Hiện giá thịt gà tại các chợ đang dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg, đã tăng từ 7.000-10.000 đồng/kg so với trước đây.
Giá thực phẩm leo thang khi giá gas, giá các mặt hàng khác tăng (ảnh Thy Mai)
Không chỉ vậy, ngay cả giá nhà trọ đã bắt đầu tăng giá. Tại khu nhà trọ thuộc Q. Thủ Đức, Bình Tân một số chủ phòng trọ cũng đã tăng giá thêm 50.000-150.000 đồng/phòng, đẩy giá lên 800.000-900.000 đồng/phòng 16 m2. Nhiều công nhân đã phải dở khóc dở cười khi biết tin này. Cũng trong ngày đầu tiên của tháng 3, một số đại lý cung ứng nước lọc tinh khiết trên địa bàn thành phố sẽ áp dụng giá mới tăng hơn 8% so với giá cũ với lý do chi phí đầu vào tăng.
Người dân phát sốt
Giá gas tăng quá cao khiến rất nhiều người đổ xô sử dụng bếp than. Mỗi chiếc bếp than đơn có giá chưa đến 100.000 đồng. Một viên than tổ ong có giá khoảng 3.000 đồng, có thể đun nấu được nửa ngày. Một số người chia sẻ, buổi sáng nhóm bếp than và nấu ăn cho cả ngày; buổi chiều chỉ mất vài phút hâm lại thức ăn bằng bếp ga; như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho những gia đình có người túc trực ở nhà. Còn nếu cả nhà đi làm, đi học thì một số người chọn giải pháp an toàn hơn là sử dụng bếp điện từ. Ngặt nỗi, tháng 3 luôn là tháng "truyền thống" để tăng giá điện, nên giải pháp này cũng chỉ là tạm thời vì không biết sắp tới, giá điện có ổn định không?.
Người dân trong thành phố đã than trời, các công nhân ở trọ xa quê còn khốn đốn hơn.
Nấu ăn tại nhà là cách tiết kiệm trong thời bão giá (ảnh Thy Mai)
"Công ty làm ăn khó khăn, chỉ nhận được lương đầy đủ là tụi em đã mừng lắm rồi chứ mong gì đến việc tăng lương. Mà giờ cái gì cũng tăng chóng cả mặt, tiền đi chợ, tiền gas, vật dụng thường nhật... tăng thì không biết nói gì nhưng nhà trọ có ảnh hưởng gì đâu mà cũng tăng 100 ngàn đồng/phòng. Tiền lương công nhân ít ỏi của tụi em chắc không chịu nổi nữa rồi." - nhóm công nhân ở KCN Tân Bình bộc bạch.
Do đã quá quen với cảnh đến hẹn lại lên, một số sinh viên năm 3, 4 đón nhận thông tin tăng giá khá bình tĩnh: "Giá cả ở đâu cũng vậy thôi, thành thị hay nông thôn cũng chịu chung cảnh "bão giá". Từ đầu tháng 3, khi tiền nhà, gas, thực phẩm đều tăng, mấy bạn ở cùng phòng tổ chức nấu cơm chung, không ra quán, tính ra cũng bấy nhiêu tiền nhưng vừa được ăn no hơn lại vừa đảm bảo sức khoẻ. Mấy đứa còn tích cực đi làm thêm, kêu gọi gia đình dưới quê gửi đồ khô, mặn, có thể lưu trữ nhiều ngày lên ăn dần, nên cũng tiết kiệm được thêm chút đỉnh. Các bạn đều cố gắng trấn an và nương tựa vào nhau để gia đình dưới quê bớt gánh nặng và lo lắng".
Với mức tăng giá chóng mặt, bên cạnh các hộ gia đình tìm mọi cách tiết kiệm, một số quán ăn bình dân không kiềm giá nổi cũng bắt đầu rục rịch tăng giá.
Sáng 2/3, vừa dán tờ thông báo giá cơm tăng 1.000 đồng/phần, anh Phúc, chủ một quán cơm nhỏ trong hẻm đường Trường Sa Tân Bình than thở: "Thấy khách la quá, tôi cũng chỉ biết nói khó, chỉ muốn yên ổn làm ăn. Vậy mà tính đường nào cũng không thoát bão giá. Ở quê bão thật đến nhanh, đi nhanh. Còn cơn bão này triền miên mãi. Phải học cách sống chung với bão thôi cô ạ".