Nói về tái cấu trúc, thời gian qua mới xoáy vào hệ thống ngân hàng mà quên chưa nói đến các tổ chức tài chính, nhất là các CTCK.
Nói về tái cấu trúc, thời gian qua mới xoáy vào hệ thống ngân hàng mà quên chưa nói đến các tổ chức tài chính, nhất là các CTCK.
Nơi đó, có với số lượng DN lớn và gần một nửa đang thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản.
Vực thẳm đang chờ
Nếu như trước kia nói tới CTCK là nói tới một thực thể tài chính rất hấp dẫn với khả năng sinh lời cao và có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính. Thì nay, nói đến CTCK phần nhiều người sẽ nghĩ tới thua lỗ, tới hiện tượng thiếu tiền mặt, tới sự tháo chạy, tới khả năng phá sản, và... đáng nói hơn là rất nhiều tên tuổi lừng lẫy một thời bây giờ cũng đang ăn vào vốn và đi kèm với những nghi án thiếu minh bạch trong đầu tư kinh doanh.
Nói về thực tế này, một chuyên gia chứng khoán có kinh nghiệm làm việc quốc tế lâu năm ngao ngán: "đây là điều rất tồi tệ và nó có thể kéo bất cứ doanh nghiệp lớn nhỏ nào tới phá sản".
Nói thế có thể là hơi quá bi đát vì không phảii tất cả các CTCK yếu kém nhưng không phải là sai bởi đa số các DN này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một con số do chính các DN công bố gần đây cho thấy, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011 của các CTCK niêm yết trên HOSE có tới 2 phần 3 trong số này thua lỗ, trong đó 18 công ty có số lỗ trên 1.350 tỷ đồng. Một khảo sát mang tính thử nghiệm để áp dụng chuẩn an toàn tài chính mới cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2011, 12 CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%. Trong số đó có năm CTCK có tỷ lệ này ở dưới mức dưới 120% - mức có thể bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt...
Bên cạnh đó còn có một số hiện tượng đặc biệt như dấu hiệu mất thanh khoản tạm thời tại CTCK SME và sau đó công ty này đã bị UBCK đình chỉ một số nghiệp vụ. Dấu hiệu mất thanh khoản không chỉ nằm ở một hai công ty mà có thể tiềm ẩn ở khá nhiều đơn vị, khi mà tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này khá cao.
Hơn thế nữa, nhiều người còn cho rằng những khó khăn của các CTCK mới chỉ ở giai đoạn đầu bởi trước đó, các CTCK có thể thỏa thuận cùng các ngân hàng về các khoản vay, còn nay thì dường như không thể. Bản thân các ngân hàng cũng đang rất khó khăn và cũng cần tái cấu trúc. Và, các CTCK có thể phải đối mặt với xu hướng các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường, ra khỏi các CTCK có quy mô nhỏ và có dấu hiệu bất ổn.
Dù không mong muốn, nhưng nhìn vào thực tế này, chính lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho rằng, sẽ phải chấp nhận phá sản nhiều công ty. Nguy cơ sụp đổ của các DN này đã hiển hiện trước mắt. Cho dù hậu quả đổ vỡ không nghiêm trọng bằng ngân hàng nhưng không thể nói là nhỏ được. Và nhiệm vụ tái cấu trúc nhóm này có thể nói là cần làm ngay và làm rốt ráo để lấy lại niềm tin đối với một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đào thải để giữ lại niềm tin
Nếu như, tái cấu trúc ngân hàng cần nhiều thời gian và phải làm từ từ từng bước do đây là một hệ thống lớn và là huyết mạch của nền kinh tế và vẫn đang được hậu thuẫn bởi NHNN. Còn tái cấu trúc CTCK có thể làm sớm bởi quy mô nhỏ hơn, không gây ra hậu quả quá lớn nhưng tác dụng lại tốt.
Có thể thấy, trong vài năm trước đây, TTCK Việt Nam phát triển rất mạnh. Số lượng các doanh nghiệp lên sàn niêm yết cũng như các CTCK ra đời tăng lên từng ngày, có ngày thị trường đón nhận cả chục đơn vị.
Thị trường lớn mạnh về quy mô, giá cổ phiếu tăng là cơ sở để các CTCK hoạt động hết công suất và kiếm bộn tiền từ đây. Tuy nhiên, trong một cuộc chơi mà phần thua gần như nghiêng hết về phía các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ thì chắc chắn sẽ không bền.
Niềm tin đối với TTCK, với các CTCK bị suy giảm một cách nghiêm trọng khi mà các nhóm lợi ích lớn liên kết với nhau để thao túng thị trường mà quên đi quyền lợi của nhà đầu tư - người mang lại vốn cho các doanh nghiệp lên sàn và lo lướt sóng kiếm tiền hơn là vun đắp cho chức năng huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế của TTCK.
Nhưng rồi, việc gì đến cũng phải đến, cùng với suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán đã lao dốc, mất khoảng 65% so với đỉnh. Giờ đây, bất chấp nhiều chính sách được các cơ quan quản lý đưa ra để thúc đẩy thị trường như tăng thời gian giao dịch, hoãn/giảm thuế, thêm dịch vụ, sản phẩm..., dòng tiền vẫn đang được rút ra khỏi thị trường và các chỉ số vẫn lao dốc.
Tái cấu trúc các CTCK và tăng cường quản lý TTCK sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm ở lại với thị trường. Thị trường qua đó sẽ lấy lại thanh khoản và ấm lên. Dòng tiền khi đó sẽ vào thị trường và giúp các DN có thể huy động được vốn trong bối cảnh tín dụng vẫn đang bị thắt chặt.
Và để tái cấu trúc thành công, thì điều đầu tiên là cơ quan quản lý, mà ở đây là UBCKNN phải không nương tay với các công ty yếu kém, như các công ty không đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn. Việc thanh lọc các CTCK và loại bỏ các thế lực lũng đoạn thị trường là cần thiết. Và như thế, đào thải những phần yếu kém cũng là cách khẳng định quyết tâm phát triển để lấy lại niềm tin cho thị trường.
Hà Linh
Theo VEF