Dù thi công sai chủ trương, thiết kế trong thời gian dài, hạng mục thi công “tự điều chỉnh” đã được lắp đặt gần xong nhưng đến nay Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành vẫn không bị sở ban ngành, chính quyền cấp nào của Hà Tĩnh vào cuộc kiểm tra, xử lý!
Báo Đời sống & Tiêu dùng số 333 ra ngày 13/02/2020 có bài viết “Công ty Hồng Lam Xuân Thành “tự điều chỉnh dự án”, rừng phòng hộ bị xâm phạm?” phản ánh việc, Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành (thôn 6, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Mỹ) được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao 2,95ha rừng phòng hộ ven biển xã Xuân Thành để thành lập Dự án “Quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng phòng hộ ven biển”. Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đồng ý cho nhà đầu tư lắp đặt 130 lều trại cho khách du lịch thuê; xây dựng 3 nhà bán cà phê, đường dạo nội bộ, cấp nước ngọt, cấp điện… Đầu tư các hoạt động thể thao bờ biển và các hoạt động ngoài trời khác… Nhưng thực tế thi công cho thấy, thay vì lắp đặt 130 lều bạt phục vụ khách du lịch nghỉ mát dưới tán rừng phòng hộ như chủ trương được duyệt, nhà đầu tư lại cho đào móng, đổ bê tông cốt thép, lắp đặt bồn chứa chất thải ngầm và dựng gần như hoàn thiện 130 chiếc container trong phạm vi dự án.
Hành động “tự ý điều chỉnh dự án”, của chủ đầu tư khiến khu rừng phòng hộ mà UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu “không được xâm phạm” bị ảnh hưởng, trật tự xây dựng, trật tự quản lý nhà nước có dấu hiệu bị xâm phạm.
“Hoàn toàn chưa được đồng ý cho điều chỉnh”
Trao đổi với phóng viên ngày 19/2, ông Nguyễn Duy Đức – Phó Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng - Sở Xây dựng Hà Tĩnh khẳng định: “Dự án Quản lý, bảo vệ vào sử dụng rừng phòng hộ ven biển (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) do Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành làm chủ đầu tư chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho điều chỉnh quy hoạch”.
Theo ông Đức, Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành có làm tờ trình gửi Sở Xây dựng xin điều chỉnh quy hoạch từ 130 lều bạt thay thế sang 130 thùng container.
“Tuy nhiên, muốn điều chỉnh quy hoạch thì phải điều chỉnh chủ trương. Sở đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn đơn vị hoàn thành hồ sơ thủ tục trình lên UBND tỉnh Hà Tĩnh”, ông Đức cho hay.
Trong khi đó, bà Võ Thị Ngọc Bích- đại diện Phòng Doanh nghiệp và Đầu tư - Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh cho hay: “Cơ quan chuyên môn của Sở đang hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ thủ tục xin điều chỉnh chủ trương để trình lên UBND tỉnh. Còn việc UBND tỉnh có đồng ý cho điều chỉnh hay không thì chưa thể biết được”.
Đáng chú ý, khi phóng viên cung cấp thông tin, hình ảnh và những phản ánh về việc, nhà đầu tư chưa được tỉnh đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư nhưng đã tự ý thi công theo hướng “tự điều chỉnh”, bất tuân theo quyết định của UBND tỉnh, cả đại diện Sở Xây dựng Hà Tĩnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đều thừa nhận “chưa nắm được thực hư, quá trình chủ đầu tư làm hồ sơ các ban ngành sẽ lập đoàn đi kiểm tra nếu phát hiện vi phạm sẽ cho xử lý”.
Chính quyền ở đâu?
Song song với việc xây dựng trái với quyết định chủ trương đầu tư dự án trên được nhà đầu tư quảng cáo với cái tên khá mĩ miều “Hoa nắng Camping Beach” cùng “ý tưởng độc đáo từ việc tái chế những chiếc container cũ, kết hợp với vật liệu tái sử dụng khác để tạo nên một không gian nghỉ dưỡng riêng biệt độc đáo ngay bên bờ biển”.
Dự án Hoa nắng Camping Beach được giới thiệu có tổng diện tích 2,95ha, gồm 130 phòng nghỉ, mỗi phòng khoảng 16m2, 03 nhà bán cà phê, khu vui chơi giải trí… tổng mức đầu tư trên 18 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong mùa du lịch biển 2020.
“Những thùng container cũ sau khi được cải tạo thành các phòng nghỉ có khung chắc chắn, được lắp đặt cửa sổ kính trong suốt… trở thành các phòng nghỉ khá hiện đại, đầy đủ tiện nghi và mang phong cách trẻ trung mới lạ”.
Trái ngược với lời quảng cáo của chủ đầu tư, tại Quyết định chấp thuận đầu tư dự án số 1142/QĐ-UBND ngày 25/4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ cho phép nhà đầu tư thực hiện: “Lắp đặt 130 lều trại các loại, làm bằng vải bạt kín các mặt. Có cửa sổ bằng vật liệu trong suốt, khung lều bằng nhôm. Cửa ra vào bằng vải, có xéc- nơ- tuy, nền lều bằng vải bạt gắn liền với lều. Tất cả được lắp đặt bằng điện chiếu sáng, hệ thống điều hòa và hệ thống quạt gió. Hệ thống đường ống mềm dẫn hơi lạnh đi dưới mặt đất, không ảnh hưởng đến các cây rừng để cho khách du lịch thuê. Xây dựng 3 nhà bán cà phê, đường dạo nội bộ, cấp nước ngọt, cấp điện… Đầu tư các hoạt động thể thao bờ biển và các hoạt động ngoài trời khác. Dự án đầu tư quản lý, khai thác, sử dụng lạch nước và hai bên bờ lạch nước ngọt Xuân Thành: Cung cấp dịch vụ cho khách có nhu cầu bơi thuyền và dạo chơi hai bên bờ lạch; kinh doanh các quán cà phê bên bờ lạch…”.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ và quản lý nghiêm ngặt khu rừng phòng hộ theo đúng quy định của pháp luật và phương án quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình thi công cũng như đi vào hoạt động; tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, chất lượng, chức năng phòng hộ của rừng.
“Tuyệt đối không được chặt khai thác, phá rừng trên tổng dãi rừng 2,95ha (kể cả phần bổ sung 0,25ha khi được trồng thêm) dưới bất kỳ hình thức nào khi không được cấp có thẩm quyền cho phép”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Giám đốc Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành cho rằng: “UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chúng tôi làm dự án này nhằm thay đổi bộ mặt của Xuân Thành, cho phép dựng lều để quản lý về vấn đề du lịch trên biển nhưng khi dựng lều lên bị bão thổi văng nên chúng tôi đã có đơn lên tỉnh được bỏ thùng container để thay thế.
Hệ thống móng, cột bê tông… đang xây dựng không phải là bê tông hóa! Vấn đề này tôi để cho chính quyền địa phương giải quyết chứ tôi là nhà đầu tư tôi không quan tâm đến vấn đề này!”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến thời điểm ngày 23/02/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có văn bản chấp thuận cho phép chủ đầu tư điều chỉnh xây dựng theo phương án thay thế dựng lều bạt bằng cột bê tông, thùng container… Tuy nhiên, việc xây dựng đã hoàn thiện những “nhà nghỉ” bằng thùng container đang được chủ đầu tư gấp rút để đưa vào hoạt động, máy móc vẫn đang thi công rầm rộ mà không hề có sự kiểm tra, ngăn chặn của chính quyền địa phương hay sở ban ngành liên quan như một sự “nhắm mắt làm ngơ” cho doanh nghiệp xây dựng trái với quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh!
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Diễm Phước
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng