Ngoài cảng Quy Nhơn, Hợp Thành còn có nhiều công ty con hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản như dự án 69 Nguyễn Du, rồi dự án xây dựng tòa nhà văn phòng Mitec, mua lại khách sạn Daewoo Hà Nội, ...
Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, tiền thân là Công ty TNHH Hợp Thành, được thành lập năm 2007. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm ông Lê Hồng Thái (sinh năm 1974, quê Thái Bình) góp 45% vốn điều lệ, vợ ông Thái góp 36% và con trai ông Thái góp 19% còn lại.
Sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn vào cuối tháng 2/2017, ông Lê Hồng Thái đã thoái hết 45% vốn tại Hợp Thành, người nhận chuyển nhượng là bà Trần Thị Quỳnh Yên – người đại diện theo pháp luật mới của Hợp Thành.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của công ty tuy có cải thiện so với năm 2015 nhưng hoạt động tài chính lại diễn biến bất lợi, từ chỗ có lãi gần 134 tỷ đồng thành lỗ 126 tỷ đồng khiến cho công ty lỗ ròng 42 tỷ đồng trong năm 2016.
Đây cũng không phải là năm đầu tiên mà Hợp Thành thua lỗ. Dù năm 2015 công ty có lãi sau thuế 103 tỷ đồng nhưng bảng cân đối kế toán thời điểm cuối năm này thể hiện công ty còn khoản lỗ lũy kế 40 tỷ đồng. Sau khi cộng thêm khoản lỗ 42 tỷ đồng của năm 2016, tổng lỗ lũy kế của Hợp Thành tăng lên 82 tỷ đồng.
Về ông Lê Hồng Thái: Cuối tháng 9/2010, ông Trịnh Xuân Thanh, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), ký tờ trình bầu bổ sung ông Lê Hồng Thái làm Ủy viên HĐQT của PVC. Ông Thái là đại diện do nhóm cổ đông Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Công ty CP Chứng khoán Thăng Long đề cử. Trước đó, ông Lê Hồng Thái đã có 2 năm làm Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico - đơn vị thành viên của PVC. |
Cũng trong năm 2016, Hợp Thành tăng vốn điều lệ từ 460 tỷ đồng lên 660 tỷ đồng. Nhờ vậy mà dù thua lỗ, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn tăng 158 tỷ đồng lên 578 tỷ đồng.
Trái ngược với kết quả kinh doanh ảm đạm của Hợp Thành, cảng Quy Nhơn liên tục có lãi trong 4 năm gần đây, con số lợi nhuận sau thuế còn có xu hướng tăng lên, từ 36 tỷ đồng năm 2014 lên 77 tỷ đồng năm 2017. Doanh thu thuần trong khoảng thời gian này tăng 12,44%, từ 490 tỷ đồng lên 551 tỷ đồng.
Năm 2018, cảng Quy Nhơn đặt kế hoạch doanh thu 633 tỷ đồng, sản lượng thông qua 7,7 triệu tấn (tăng 7,3% so với thực hiện 2017).
Hàng năm, cảng Quy Nhơn đều trích một phần lợi nhuận để chia cổ tức dù tỷ lệ không quá cao. Cụ thể năm 2015, cảng Quy Nhơn trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 12,5% (cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận 1.250 đồng), năm 2016 tỷ lệ 3,62%, năm 2017 tỷ lệ 16%, năm 2018 đã tạm ứng tỷ lệ 8%.
Ngoài cảng Quy Nhơn, công ty Hợp Thành còn có nhiều công ty con khác Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh, Công ty quặng sắt Vũ Quang, Công ty Hóa cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Khoáng sản Miền Trung, Công ty cổ phần Soda Chu Lai,...
Trong khi kết quả kinh doanh của cảng Quy Nhơn có phần tích cực thì các công ty con khác khác của Hợp Thành lại đang gặp khá nhiều khó khăn
Cụ thể, hai dự án nhà máy sản xuất than cốc (vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng) và nhà máy sản xuất khí công nghiệp ôxy, nitơ (200 tỉ đồng) tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) do Công ty Hóa cốc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đã bị thu hồi.
Dự án khai thác và chế biến quặng sắt tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi của Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 319 tỉ đồng đã “đắp chiếu” từ sau khi được cấp phép vào năm 2009. Hôm 17/9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ký văn bản chấm dứt hoạt động dự án này cùng với nhiều dự án chậm tiến độ khác.
Còn dự án tuyển quặng sắt của Công ty cổ phần Khoáng sản Miền Trung (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) có công suất 400.000 tấn/năm, vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng, cũng rơi vào tình trạng "đắp chiếu" sau khi đi vào hoạt động vào năm 2012.
Được biết năm 2009, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bình Định ký hợp đồng tài trợ vốn cho công ty Khoáng sản Miền Trung xây dựng nhà máy chế biến quặng sắt này với tổng số vốn 180 tỉ đồng, thời gian cho vay là 6 năm rưỡi và 1 năm ân hạn.
Sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng, Khoáng sản Miền Trung không đi vào hoạt động và cũng không trả nợ vay cho Agibank Bình Định. Tính đến tháng 11/2017, tính cả vốn lẫn lãi, Khoáng sản Miền Trung nợ Agribank Bình Định tổng cộng 230 tỉ đồng. Sau đó Agribank Bình Định thông báo sẽ thu giữ tài sản của Khoáng sản Miền Trung để siết nợ.
Quá trình công ty Hợp Thành sở hữu cảng Quy Nhơn có thể được tóm tắt như sau:
Tháng 9/2013, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) xác định Hợp Thành là đối tác chiến lược và bán cho Hợp Thành 4,04 triệu cổ phần (tương đương 10% vốn điều lệ) với giá 12.792 đồng/cp.
Tháng 6/2015, Vinalines chuyển nhượng tiếp 10,5 triệu cổ phần (tương đương 26,01%) cho Hợp Thành.
Sau đó 3 tháng vào tháng 9/2015, Vinalines tiếp tục bán cho Hợp Thành 19,8 triệu cổ phần cảng Quy Nhơn (tương đương 49% vốn điều lệ). Sau ba lần nhận chuyển nhượng, Hợp Thành sở hữu 86,23% cảng Quy Nhơn với tổng số tiền mua khoảng 440 tỷ đồng.
|
Ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines (bên phải) trao chứng nhận sở hữu cổ phần Cảng Quy Nhơn cho CTCP Khoáng sản Hợp Thành, do ông Lê Hồng Thái (bên trái) làm đại diện tiếp nhận. Nguồn: Báo Bình Định |
Sau khi Vinalines không còn là cổ đông của Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn, các đại diện của Vinalines trong Hội đồng quản trị cảng Quy Nhơn đều được miễn nhiệm tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2015. Thay vào đó, ông Lê Hồng Thái, bà Trần Thị Quỳnh Yên và một số cá nhân khác được bầu bổ sung và HĐQT cảng Quy Nhơn.
Cũng tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2015, ông Lê Hồng Thái được thông qua giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cảng Quy Nhơn. Một trong những văn bản đầu tiên mà ông Thái ký trong cương vị mới là tờ trình điều chỉnh tổng thù lao và tiền thưởng của thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát, theo đó thù lao của chủ tịch HĐQT chuyên trách giảm từ 77 triệu đồng/tháng xuống còn 45 triệu đồng/tháng, của chủ tịch không chuyên trách giảm từ 9 triệu đồng/tháng còn 6 triệu đồng/tháng.
Theo phương án cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết không chuyển nhượng số cổ phần của cảng trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Tuy nhiên theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2016, trong nửa cuối năm Công ty Hợp Thành đã bán ra hơn 3,3 triệu cp cảng Quy Nhơn, giảm tỉ lệ sở hữu tại đây còn 78,03%, tương ứng hơn 31,53 triệu cp.
Đáng chú ý, trước khi được xác định là "nhà đầu tư chiến lược" để mua cổ phần tại cảng Quy Nhơn, Công ty Hợp Thành chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh cảng biển. Chỉ sau khi có chủ trương cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, vào tháng 5/2013, Hợp Thành mới đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh này.
|
Song Ngọc
Theo KTTD, Vietnambiz