Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Mã chứng khoán: VSC – sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2020 với kết quả khá tích cực và cho thấy sự phục hồi so với quý II/2020.
Tổng doanh thu đạt 429 tỷ đồng (-6% YoY, +9% QoQ). Lợi nhuận HĐKD và LNTT hồi phục mạnh, lần lượt đạt 81 tỉ đồng (-6% YoY, +16% QoQ) và 86 tỷ đồng (+1% YoY, +17% QoQ). Trong khi đó, LNST 9 tháng năm 2020 tăng 20% YoY so với mức thấp của cùng kỳ 2019 vì trong 6 tháng năm 2019 VSC đã hạch toán chi phí thuế TNDN dự phòng thiếu của các năm trước.
Quý III/2020: Ghi nhận sự khởi sắc
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với những kết quả trên, VSC đã hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận năm 2020, hoàn thành 73% dự phóng doanh thu và lợi nhuận của VDSC. Các chỉ số lợi nhuận trong quý III/2020 cải thiện khá tích cực với mức tăng khoảng 1-1,5 pps so với quý trước và đạt mức gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Thông lượng hàng hóa quý III/2020 của VSC hồi phục sau quý II thấp điểm. Tổng sản lượng ước đạt 280 nghìn TEUs (+5% QoQ, -2% YoY), tăng khả quan so với quý trước nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu hồi phục.
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của Việt Nam trong quý III/2020 tăng mạnh +20% QoQ và +6% YoY sau khi sụt giảm 11% YoY trong quý II/2020. Nguyên nhân là do việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam và một số nước đối tác thương mại lớn trong quý III nhìn chung tốt hơn so với giai đoạn cao điểm bùng phát dịch.
Lũy kế 9 tháng năm 2020, tổng sản lượng của VSC đạt khoảng 800 nghìn TEUs, giảm 9% YoY, hoàn thành 85% kế hoạch năm và 73% dự phóng năm của VDSC.\
Thị phần VSC trong 8 tháng năm 2020 giảm gần 1 pps so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21% tổng thị phần tại khu vực Hải Phòng. Việc cạnh tranh gay gắt do tình trạng dư cung tại khu vực này khiến tình hình cạnh tranh bằng cách giảm giá các loại dịch vụ nhằm giữ chân chủ tàu truyền thống và thu hút chủ tàu mới trở nên khốc liệt. Ngoài ra, cảng nước sâu HICT đã làm thay đổi cấu trúc thị trường với các tuyến dịch vụ đường dài xuyên Thái Bình Dương, nhờ đó gia tăng nhanh chóng thị phần lên mức 12% tại thời điểm cuối tháng 8-2020 từ mức 6% vào cùng kỳ năm ngoái.
VDSC cho rằng rủi ro cạnh tranh từ cảng nước sâu sẽ tác động tới triển vọng dài hạn của VSC. Theo đó, cảng nước sâu HICT đã thu hút thành công một số khách hàng có dịch vụ trực tiếp tại các cảng của công ty, bao gồm Maersk-Sealand, Yang Ming và Evergreen Lines – cổ đông chiến lược và khách hàng chính tại Cảng VIP Green của VSC.
Các cổ đông mới chiếm cổ phần lớn của VSC gồm SAFI và Công ty Đầu tư Sao Á D.C giúp tăng tính minh bạch thông tin và công tác quan hệ nhà đầu tư. Cổ đông lớn nhất của VSC hiện nay là CTCP Đầu tư Sao Á D.C, hiện nắm giữ 12% cổ phần của VSC, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ depot tại Hải Phòng.
Trong khi đó, cổ đông SAFI là công ty giao nhận vận tải, chuyên về dịch vụ giao nhận và kho bãi, hiện đang nắm giữ 9% cổ phần. Theo chia sẻ của đại diện VSC, các cổ đông này đã giúp tăng tính minh bạch và công tác quan hệ nhà đầu tư của VSC, mặc dù việc hỗ trợ giới thiệu nguồn khách hàng mới còn hạn chế.
Vào cuối quý III/2020, VSC đã trả hết nợ vay, qua đó giúp đảm bảo việc duy trì mức chi trả cổ tức tiền mặt trong tương lai. Dòng tiền tự do FCFE ước tính trong FY2020 - FY2021 trên 250 tỉ đồng/năm, qua đó đảm bảo mức cổ tức chi trả hàng năm khoảng 110 tỉ đồng/ năm (cổ tức tiền mặt 2.000 đồng/cổ phiếu/năm). Với mức giá hiện tại, tỉ suất cổ tức ước tính đạt 4,5%.
Kế hoạch tăng trưởng dài hạn của VSC
Thông tin từ VDSC, đại diện VSC chia sẻ rằng công ty có kế hoạch đầu tư một cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện trong 5 – 7 năm tới. VDSC cho rằng kế hoạch này của VSC chưa rõ ràng và vướng nhiều thách thức. Trong đó vấn đề lớn nhất là tìm và liên kết với các hãng tàu lớn để đảm bảo sản lượng container làm hàng tại cảng. Đại diện VSC ước tính dự án này có mức đầu tư dự kiến khoảng 7-7,5 nghìn tỷ đồng.
VSC cần huy động vốn vay lớn để tài trợ cho dự án này, bên cạnh việc huy động vốn chủ từ nhà đầu tư chiến lược. Giả định công ty giữ nguyên chính sách chi trả cổ tức hiện tại, VDSC ước tính trong giai đoạn FY2020 – FY2025, VSC sẽ có 750 tỷ đồng dòng tiền tự do FCFF sau khi trả cổ tức.
Theo đó, dự án sẽ cần huy động thêm 3 nghìn tỉ đồng vốn chủ và 3,2 nghìn tỉ đồng vốn vay nếu cơ cấu vốn mục tiêu giống dự án xây cảng VIP Green trong quá khứ (nợ/ tổng tài sản đạt 46%). VDSC lưu ý rủi ro VSC có thể sẽ phải giảm mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong những năm tới để tài trợ cho dự án này.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU