Sự kiện hot
13 năm trước

CTCK "săn" nhân sự, đón thời cơ

Sự sụt giảm của TTCK trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của hầu hết CTCK mà còn làm đình trệ các nghiệp vụ khác như tư vấn, môi giới, bảo lãnh phát hành

Sự sụt giảm của TTCK trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của hầu hết CTCK mà còn làm đình trệ các nghiệp vụ khác như tư vấn, môi giới, bảo lãnh phát hành. Tái cơ cấu đội ngũ nhân sự, chuẩn bị nhân lực tốt cho những bước phát triển tiếp theo đang là hướng đi mới của nhiều CTCK.


Trong bối cảnh hiện tại, những "người tài" trong ngành chứng khoán có điều kiện "kén chọn" nơi mình sẽ đầu quân

Thời gian gần đây, nhiều CTCK thông báo tuyển dụng nhân sự, mà tập trung ở vị trí môi giới, có thể kể đến như CTCK Tân Việt (TVSI), CTCK Hòa Bình (HBS), CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), CTCK An Phát (APG)… Tại sao, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhiều nhà đầu tư mất niềm tin, xa rời thị trường, nhiều CTCK đang phải cắt giảm nhân sự thì vẫn có nhiều công ty khác lại bổ sung lực lượng?

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc TVSI, TTCK đang có diễn biến không thuận lợi, nhưng ở khía cạnh nào đó, đây cũng là dịp để CTCK tìm kiếm và sàng lọc lại đội ngũ nhân sự để chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo. Hơn nữa, thị trường trầm lắng trong suốt thời gian dài, nhiều nhân viên môi giới chứng khoán (broker) vì không chịu được áp lực đã tự ra đi, chuyển sang CTCK khác hoặc chuyển sang lĩnh vực khác…, tạo ra nhiều ghế trống dành cho các ứng viên mới. "Nếu nhìn xa hơn thì khả năng nhiều CTCK sẽ phải đóng cửa chính là cơ hội phát triển cho những công ty còn trụ lại được. Khả năng "săn" được người tài đang thuộc về các CTCK chưa chịu nhiều áp lực tài chính ", ông Dũng nói.

Tương tự như TVSI, CTCK Hòa Bình cũng coi đây là thời điểm Công ty cần tập trung phát triển, đào tạo nhân sự, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên. Trong thời gian qua, trong khi các CTCK khác cắt giảm nguồn nhân lực thì HBS lại muốn mở rộng thêm. HBS cũng cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để Công ty tuyển chọn được nhân sự chất lượng cao, có kinh nghiệm với mức chi phí hợp lý hơn.

Tuy nhiên, một điều dễ nhìn thấy là chiến lược tuyển dụng của các CTCK đã khác trước rất nhiều. Nếu như trước đây, việc tuyển chọn ứng viên cho các vị trí từ cấp cao đến bình thường diễn ra hết sức gấp gáp, nhằm đảm bảo về mặt số lượng, kéo theo không ít bất cập về trình độ, kinh nghiệm, ứng xử… của đội ngũ nhân sự chứng khoán thì hiện nay, các CTCK đang chú trọng tới chất lượng của đội ngũ được tuyển dụng.

Lãnh đạo APG cho rằng, thị trường sẽ có lúc thịnh vượng trở lại, lúc khó khăn chính là thời điểm để Công ty tập trung phát triển con người. APG vẫn đang "rộng cửa" mời những broker có kinh nghiệm, có mạng lưới khách hàng lớn về làm việc với Công ty. Đây cũng là mong muốn không chỉ của APG mà của hầu hết lãnh đạo các CTCK. Trên thực tế, cuộc đua "săn" đầu người vẫn đang âm thầm diễn ra tại nhiều CTCK, tuy không công khai và quyết liệt như giai đoạn năm 2007. Phó giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho rằng, trong thời gian qua, dù Công ty không có ý định cắt giảm nhân sự nhưng cũng không giữ chân được nhiều broker vì "không nhiều người coi môi giới chứng khoán là một nghề thực sự". Thực tế, ngành chứng khoán là ngành có sự thay đổi về nhân sự nhiều nhất, từ vị trí nhân viên đến nhân sự cấp cao, nhưng trong đó, broker được coi là đối tượng nhảy việc với tốc độ "chóng mặt".

Thị trường nhân sự chứng khoán thường chuyển biến theo nhịp đập thị trường. Trong bối cảnh hiện tại, những "người tài" trong ngành chứng khoán có điều kiện "kén chọn" nơi mình sẽ đầu quân. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, mang lại dịch vụ tốt nhất cho nhà đầu tư, ngoài chiến lược quản trị và lực lượng lãnh đạo đủ tầm, CTCK phải có sự cải thiện chính sách đãi ngộ với cán bộ, nhân viên, nhằm thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.


Hải Vân 

DTCK

Từ khóa: