Kết quả kinh doanh (KQKD) của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (mã chứng khoán: SCS) trong quý III/2020 cho thấy sự hồi phục tích cực, dù vẫn giữ mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần quý III/2020 theo đó đạt 167 tỷ đồng (+16% QoQ, -10% YoY). Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 124 tỷ (+14% QoQ, -9% YoY) và 115 tỷ (+15% QoQ, -10% YoY).
Sản lượng hàng hóa quốc tế của SCS trong quý III/2020 phục hồi mạnh so với mức thấp vào quý II/2020 nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại Việt Nam và một số quốc gia tại châu Á có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với Việt Nam. Sản lượng hàng nội địa trong quý III/2020 tăng trưởng dương 4% YoY nhờ Bamboo Airways đưa vào khai thác đội bay thân rộng và phục hồi tần suất chặng bay nội địa về mức tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Còn trong quý II/2020, kết quả kinh doanh của SCS có doanh thu thuần 144 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 100 tỷ đồng, giảm hơn 22%.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lũy kế cả năm 2020, sản lượng hàng hoá quốc tế của SCS ước đạt 150 nghìn tấn (-10% YoY) sau khi hoạt động gần đây của SCS đã có sự khởi sắc. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự phóng lần lượt đạt 704 tỷ đồng (-6% YoY) và 492 tỷ đồng (-2% YoY).
Đối với năm 2021-2022, chúng tôi kỳ vọng ngành hàng không sẽ phục hồi từ mức thấp của 2020, dù có những sự không chắc chắn về thời điểm và tốc độ phục hồi vì phụ thuộc vào tiến độ sản xuất và cung ứng đại trà vắc-xin.
Quan điểm và định giá được VDSC đưa ra: VDSC duy trì quan điểm SCS có lợi thế cạnh tranh tốt nhờ vị thế độc quyền đôi khai thác hàng hóa cảng hàng không lớn nhất cả nước (Tân Sơn Nhất). Rào cản gia nhập ngành lớn giúp SCS củng cố vị thế cạnh tranh này, nhờ (1) đặc thù hạn chế quỹ đất tại khu vực phía Nam sân bay, (2) việc xây dựng nhà ga hàng hóa mới theo quy hoạch tại phía Bắc sân bay không khả khi do vị trí không thuận lợi so với các nhà ga hành khách tại phía Nam.
Ngoài ra, SCS có dư địa tăng trưởng lớn với khả năng tăng công suất thiết kế thêm 150 nghìn tấn/ năm trong khi đối thủ chính TCS khó nâng đáng kể công suất thiết kế do đặc thù công nghệ và quỹ đất. Nhờ đó, SCS đạt hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt với suất sinh lời cao trong nhiều năm, dựa trên nền tảng tài chính vững mạnh nhờ không sử dụng nợ vay. VDSC đánh giá dịch Covid19 là khó khăn tạm thời đối với SCS.
Hiện tại, SCS đang giao dịch với mức định giá khá hợp lý, với P/E forward FY2020 đạt 13,8, tương đương mức tỷ suất lợi nhuận (earning yield - E/P) 7,2%, cao hơn trung bình lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm của các ngân hàng Việt Nam hiện nay (khoảng 6,4%).
VDSC đề xuất mức giá hợp lý của SCS là 129.400 đồng/cổ phiếu với tỷ suất sinh lợi 19% (so với giá đóng cửa ngày 30/10/2020; đã bao gồm cổ tức tiền), khuyến nghị TÍCH LŨY SCS khi vùng giá mua đảm bảo mức biên an toàn cao và hợp lý với thời hạn nắm giữ trên một năm.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU