Lo sợ trước tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội, giao thông, ngoài việc đề nghị dừng cấp phép cao ốc ở các quận nội đô, cử tri Hà Nội đề nghị thành phố xem xét việc cấp phép xây chung cư ở các ngõ. Đặc biệt, đề nghị thành phố thực hiện nghiêm việc công khai lấy ý kiến người dân trước khi phê duyệt các dự án chung cư thương mại.
Lo ngại tình trạng “nhồi nhét” chung cư trong ngõ
Trong văn bản do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký về việc trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIV) theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nhiều câu hỏi được đề cập xung quanh việc quản lý đô thị hiện nay của Hà Nội.
Theo phản ánh của cử tri quận Long Biên, hiện 2 tòa nhà chung cư cao tầng MIPEC thuộc địa bàn phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) đã được xây dựng với quy mô lớn. Mặt khác, trên địa bàn phường này một số chung cư mới đang tiếp tục được triển khai xây dựng (như chung cư tại ngõ 298) khi cư dân về ở các khu nhà này sẽ dẫn tới tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội, giao thông.
Cử tri Hà Nội đề nghị thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến của dân trước khi duyệt các dự án chung cư thương mại. Cử tri quận Long Biên lo ngại việc xây 2 toà chung cư cao tầng MIPEC quy mô lớn dẫn đến quá tải hạ tầng. (ảnh Tú Anh)
Các cử tri quận Long Biên, đề nghị UBND Thành phố xem xét điều chỉnh quy hoạch xây dựng trên địa bàn quận Long Biên và phường Ngọc Lâm. Đồng thời thực hiện nghiêm việc công khai lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt các dự án chung cư thương mại.Cử tri Hà Nội đề nghị thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến của dân trước khi duyệt các dự án chung cư thương mại. Cử tri quận Long Biên lo ngại việc xây 2 toà chung cư cao tầng MIPEC quy mô lớn dẫn đến quá tải hạ tầng. (ảnh Tú Anh)
Lý giải phản ánh trên, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, theo định hướng tại quy hoạch phân khu đô thị N10, tỷ lệ 1/2000 được thành phố phê duyệt tại quyết định số 6115/QĐ-UBND ngày 21/11/2014, khu vực thực hiện dự án xây dựng toà nhà cao tầng MIPEC tại phường Ngọc Lâm và dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ IDB tại ngõ 298, phường Ngọc Lâm có chức năng sử dụng là đất hỗn hợp (được bố trí các công trình có chức năng: thương mại, dịch vụ, văn phòng, ở,..) do vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình nêu trên là phù hợp quy hoạch được duyệt.
Lãnh đạo thành phố cũng lý giải, các khu vực đề nghị điều chỉnh quy hoạch đô thị thuộc địa bàn quận Long Biên đều tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh, chính quyền địa phương trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt.
“Ý kiến cộng đồng dân cư là một trong các cơ sở để UBND thành phố xem xét, quyết định nội dung điều chỉnh quy hoạch đô thị, do đó việc công khai lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt luôn được UBND các phường, UBND quận Long Biên phối hợp thực hiện nghiêm túc”, lãnh đạo Hà Nội nêu rõ.
Mải xây nhà để bán, quên xây trường học, trạm xử lý nước thải
Ngoài việc đề nghị thành phố dừng cấp phép cao ốc ở các quận nội đô, cử tri Hà Nội phản ánh trên địa bàn hiện nay nhiều khu đô thị chủ đầu tư không xây dựng trường học, sân chơi, khu xử lý nước thải... theo quy hoạch đã phê duyệt. Đề nghị Thành phố kiểm tra, có biện pháp mạnh xử lý những vi phạm này.
Lý giải việc này, lãnh đạo Hà Nội cho hay, UBND Thành phố cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo rà soát, thu hồi một số dự án chậm tiến độ để lấy quỹ đất xây dựng trường học công lập tại các khu vực bức xúc về trường học công lập. Đối với các khu vực chưa đảm bảo các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoặc còn thiếu so với nhu cầu thực tế, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, các công trình dân sinh bức xúc.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương bổ sung 184 địa điểm để xây dựng trường học trên địa bàn 12 quận nội thành với quỹ đất khoảng 112ha, cơ bản đủ theo nhu cầu đến năm 2020.
Đối với việc đầu tư xây dựng các công trình trạm xử lý nước thải tại các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, trong quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt dự án trong những năm gần đây, UBND Thành phố khi phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đều yêu cầu các Chủ đầu tư dự án phải đưa hạng mục xây dựng trạm xử lý nước thải vào dự án mới được phê duyệt, tránh tình trạng phải xây dựng hệ thống thu gom tập trung tốn kém kinh phí đầu tư mà hiệu quả đầu tư lại thấp.
Đối với các dự án nhà chung cư cao tầng độc lập, khi phê duyệt quy hoạch và dự án về cơ bản chưa có trạm xử lý nước thải riêng, nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống bể tự hoại của các công trình thường được chảy ra hệ thống thoát nước chung của Thành phố.
Theo lãnh đạo Hà Nội, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện thị xã đôn đốc các chủ đầu tư dự án khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải theo quy hoạch được phê duyệt; rà soát để bổ sung quy hoạch các trạm xử lý nước thải đối với các khu đô thị chưa có trạm xử lý nước thải; có chế tài xử lý đối với các chủ đầu tư cố tình trì hoãn không thực hiện đầu tư.
Tú Anh
Theo Tiền Phong