Từ khi Chỉ thị 01 ra đời, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh dịch vụ như một lời giải cho bài toán tăng trưởng. Và cuộc đua này đã nóng lên trong những tháng gần đây.
Từ khi Chỉ thị 01 ra đời, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh dịch vụ như một lời giải cho bài toán tăng trưởng. Và cuộc đua này đã nóng lên trong những tháng gần đây.
Techcombank hiện có hơn 2 triệu khách hàng cá nhân và hơn 50.000 khách hàng doanh nghiệp, tương đương 10% số doanh nghiệp cả nước.
Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước quy định tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 20% trong năm nay và nhiều khả năng mức trần này có thể được áp dụng trong cả năm 2012 để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Điều này đã dẫn đến cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng trong những tháng đầu năm và giờ đây đang tạo ra cuộc đua mới về dịch vụ.
Rõ ràng, với hạn mức tăng trưởng 20%, việc tiếp tục mở rộng cho vay là bài toán khó đối với các ngân hàng, nhất là khi hơn 70% lợi nhuận ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng. Vì thế, để giảm phụ thuộc vào mảng cho vay, nhiều tổ chức đã tìm cách đẩy mạnh dịch vụ.
Từ khoảng giữa năm 2011, cuộc đua dịch vụ giữa các ngân hàng đã bắt đầu nóng lên thấy rõ. Ngân hàng Quân đội (MB) lần đầu tiên đã giao trách nhiệm phát triển mảng dịch vụ cho một phó tổng giám đốc, ban hành chính sách ưu tiên phát triển dịch vụ với những chỉ tiêu cụ thể và đã đạt “kết quả khá khả quan”, theo một nguồn tin trong ngành ngân hàng.
“Các ngân hàng thương mại cổ phần khác hầu như đều có những động thái mạnh mẽ tương tự, xem đó là lời giải cho bài toán tăng trưởng trong lúc này. Họ hy vọng có thể đẩy tỉ trọng dịch vụ trong tổng lợi nhuận của ngân hàng mình lên khoảng 40% hoặc hơn”, nguồn tin trên cho biết.
Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB) đã thí điểm giao dịch ngoài giờ, kéo dài giờ giao dịch đến 20h trong các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy và giờ giao dịch ngày Chủ nhật từ 9h đến 19h, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch với Ngân hàng một cách thuận tiện nhất.
Có những ngân hàng thậm chí đã đi trước đến vài năm trong việc ưu tiên phát triển dịch vụ. Cách đây 2 năm, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đề ra chiến lược phát triển dịch vụ và triển khai một cách bài bản. “Nói đến dịch vụ là nói đến chất lượng cùng sự dễ dàng và thuận tiện khi giao dịch”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Techcombank, nói.
Ông Vinh cũng cho biết Techcombank đã đầu tư rất lớn để phát triển mảng dịch vụ nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Ngân hàng đang đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ cho những nhu cầu chuyên biệt của từng nhóm khách hàng. Bên cạnh đó, Techcombank còn nỗ lực tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng ngoài các giá trị tài chính trực tiếp từ việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng thông qua các chương trình chăm sóc khách hàng.
Về phát triển mạng lưới, Techcombank đã và đang thực hiện chiến lược “1 km - 1 điểm giao dịch”. Tính đến nay, số lượng chi nhánh và phòng giao dịch của Techcombank đã lên đến con số 300 điểm. Lượng máy ATM của Ngân hàng cũng đã vượt con số 1.000 máy, chỉ đứng sau Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đơn vị đã đầu tư vào dịch vụ này từ khoảng 20 năm trước.
Song song đó, hệ thống công nghệ cũng được chú trọng đầu tư và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng khi giao dịch. Chẳng hạn, bên cạnh kênh giao dịch truyền thống, khách hàng còn có thể giao dịch với Techcombank qua internet, ATM và cả thiết bị di động.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, Techcombank đã nghiên cứu quy trình của từng ngành hàng, phát triển những giải pháp và sản phẩm riêng cho từng ngành nghề khác nhau. Ví dụ, đối với các mặt hàng nông sản, Techcombank phát triển sản phẩm riêng cho từng mặt hàng như gạo, cà phê, tiêu, điều, hải sản và gỗ.
“Nhờ đó, chúng tôi biết được chính xác nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp và cũng nhờ có khung sản phẩm được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế, Ngân hàng có thể thông qua một khoản tín dụng hay đưa ra những dịch vụ phù hợp một cách nhanh nhất”, ông Vinh, Techcombank, cho biết.
Chiến lược phát triển mảng dịch vụ đến nay đã cho thấy kết quả khá khả quan. Techcombank hiện có hơn 2 triệu khách hàng cá nhân với mức tăng trưởng khách hàng khoảng 30%/năm và đang phục vụ hơn 50.000 khách hàng doanh nghiệp, tương đương 10% số doanh nghiệp cả nước.
Rõ ràng, tiện ích sẽ là điểm mấu chốt để giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới. Và với chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, cuộc đua dịch vụ sẽ càng nóng hơn trong thời gian tới
Theo Nhip cau dau tu