Để đạt được cái mục tiêu lớn lao và nhân văn đó thì trước hết cần đến sự bình yên, ổn định trong cuộc sống hàng ngày của mọi người dân.
Và, không ai khác đó là nhiệm vụ và chức năng của chính quyền những nhà quản trị xã hội, duy trì kỷ cương pháp luật và điều chỉnh các mối quan hệ, phân phối của cải,...
Tuy nhiên, những gì xảy ra trong lòng xã hội chúng ta gần đây cho thấy một sự bất ổn vừa tiềm tàng, vừa bộc lộ đặt người dân và cuộc sống của họ vào thế bấp bênh, thiếu an toàn.
|
Ảnh minh họa.
|
Vụ cháy chung cư Carina chỉ là một dẫn chứng về sự coi thường sinh mạng và tài sản của cư dân, làm lộ ra những lỗ hổng chết người trong quá trình quản lý lĩnh vực này.
Giáo viên thuộc tầng lớp trí thức, được xã hội coi trọng nhưng cũng có thể bị thôi việc bất cứ lúc nào, bị bắt quỳ, xin lỗi chính những đứa trẻ mà mình dạy dỗ.
Học sinh có thể bị chết đuối thương tâm khi thủy điện xả lũ “đúng quy trình”, bị vữa trần rơi vào đầu trong lớp và bị cổng trường đè chết lúc vui chơi, và rồi, nạn thất nghiệp chực chờ sau những năm đèn sách, được đào tạo bài bản mà không có kỹ năng khởi nghiệp. Bác sỹ bị hành hung, “xử đẹp” ngay trong lúc thực hiện công việc chữa bệnh, cứu người của mình.
Ngay đến cả “người giàu cũng khóc” khi tài khoản của họ trong một chỗ rất yên ổn, vững chắc, đáng tin cậy là ngân hàng tự dưng “bốc hơi” nhưng trách nhiệm lại không thuộc ngân hàng(?!).
Người đi xa về đến thăm đất của mình, tá hỏa thấy người khác đã xây nhà trên đó, hóa ra chính quyền sở tại đã cấp “nhầm” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai đó.
Chủ tịch xã cùng nhân viên phải vào tù vì tiếp tay cho bọn lừa đảo, ký chứng nhận giả mạo để chúng cướp trắng tài sản của người khác, họ vào tù nhưng tài sản của dân thì không thu hồi được.
Việc “mua nhà trên giấy” rồi mất trắng diễn ra hàng chục năm nay mà không thấy sự hiện diện của chính quyền can thiệp và ngăn ngừa chuyện đó xảy ra.
Bên cạnh đó, những hành vi lừa đảo trắng trợn và công khai của các công ty bán hàng đa cấp, trúng thưởng trên mạng, “chạy” việc làm, “chạy” tuyển sinh, lao động nước ngoài,... khiến bao người dân lành khốn khổ.
Sự bưng bít thông tin, thiếu minh bạch, vô cảm, thiếu sâu sát, lơ là chức phận của một bộ phận cán bộ cũng là hành vi “tiếp tay” cho vụ lừa đảo hoành hành!
Đáng quan tâm là, sau những vụ việc đó, những người có trách nhiệm, đứng đầu hay trực tiếp quản lý lĩnh vực đều vô can. Bản báo cáo thường niên nào của họ cũng đều tốt đẹp, thành công, năm sau hơn năm trước,...
Cấp trên chủ yếu là đông viên, vỗ về, khen ngợi, đánh giá cao,... và mở đường, tạo điều kiện cho sự thăng quan, tiến chức. Xã hội không bình yên, một phần là do cách quản lý kiểu đó!