Sự kiện hot
13 năm trước

Cuối năm: Đắt đỏ đồ phong thủy

Chuẩn bị tết, theo truyền thống, nhiều gia đình Việt Nam lại lau dọn bàn thờ. Người buôn bán, nhà có điều kiện lại có mốt sắm thêm các vật dụng phong thủy. Nhờ thế, dịp này các cửa hàng đồ thờ, đồ phong thủy càng đắt khách.

Chuẩn bị tết, theo truyền thống, nhiều gia đình Việt Nam lại lau dọn bàn thờ. Người buôn bán, nhà có điều kiện lại có mốt sắm thêm các vật dụng phong thủy. Nhờ thế, dịp này các cửa hàng đồ thờ, đồ phong thủy càng đắt khách.

Thận trọng với đồ phong thủy

Mấy năm lại đây, nhiều người còn có sở thích tím kiếm các đồ vật phong thủy nhằm vượng khí, mong may mắn, giàu sang tới gia đình mình. Nhiều đồ phong thủy có giá từ vài chục triệu đồng tới vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, người Việt thường có xu hướng năm con gì thì mua con đó về nhà. Hay chọn mua các loại tượng, đá phong thủy vừa trang trí, vừa có tác dụng phong thủy.

Trần Văn Kiên (ngõ 189, phố Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết: "Lúc đầu mọi người khuyên nên mua các đồ phong thủy cho thuận khí, giữ gìn sức khỏe mọi người và làm ăn phát tài. Nhưng vì bận công việc nên anh chưa mua được nhiều nhưng trong nhà hiện cũng gần chục viên đá thạch anh và vài loại đá khác". Trong khi đó, Anh Trần Văn Lộc (82, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho biết, theo nhiều lời tư vấn, năm nào anh cũng mua linh vật hay đá phong thủy về để trong văn phòng làm việc. Làm thế vừa tốt vừa trang trí cho đẹp.

Tuy nhiên, theo anh Lộc, trên thị trường rất nhiều các cửa hàng bán các đồ phong thủy, riêng trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, có rất nhiều cửa hàng bán và tư vấn về phong thủy. Trong một cửa hàng có đủ thứ từ các loại đá, tới các con vật, đồ trang trí... tất cả đều được gắn kèm với những công hiệu khác nhau. Cũng một nhũ đá thạch anh nhưng có nơi giá chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng có chỗ lại lên giá tới cả triệu đồng. Hay một khối Thạch anh hồng được chế tác hình cầu chỉ nhỏ bằng nắm tay có nơi chỉ 600 - 700.000 đồng nhưng có nơi lên đến triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm đá cảnh, gỗ lúa, tranh tượng dân gian Việt Nam thì Thạch anh nói riêng và các loại đá phong thủy chỉ có một số tác dụng nhất định nào đó chứ không như nhiều người sử dụng đá như một thứ "bùa hộ mệnh", một tấm "lá chắn" mong làm thay đổi hoàn toàn phận số mỗi người. Đó là điều khôi hài.

"Nếu có nhu cầu thật sự về tư vấn phong thủy thì đừng bao giờ bước vào cửa hàng đồ phong thủy và nghe theo những thầy tại cửa hàng bán đồ hướng dẫn. Bởi vì họ chỉ có mục đích kinh doanh, tránh tiền mất, tật mang", bà Hà nói.

Giải thích cho trào lưu chơi đá phong thủy những năm gần đây, ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng, hiện nay con người có xu hướng tìm về với tự nhiên. Trong điều kiện thành phố chật hẹp nhiều người đã cố gắng tạo ra những "tiểu tự nhiên" trong môi trường sống. Không chỉ có đá, mà cây cỏ, đất và nước cũng đang giúp con người tạo ra một môi trường sống tốt hơn. Hiểu theo nghĩa đó, phong thủy là một điều tốt.

Đồ truyền thống đông khách

Hai tháng nay, cơ sở sản xuất - buôn bán đồ đồng Quỳnh Anh ở A4 - Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội nhận rất nhiều đơn đặt hàng, tất bật sản xuất mà không kịp đáp ứng. Chủ cơ sở cho biết, ngoài những người mua lẻ một vài món đồ như lư hương, mâm đĩa hay hạc đồng thì có rất nhiều người đã đặt hàng nguyên bộ lớn để tiến cho họ tộc, có người còn đặt cả chuông, khánh... Một năm làm ăn vất vả, ai cũng muốn bàn thờ tổ tiên thêm đẹp đẽ, ấm cúng; người làm ăn khấm khấ thì góp thêm cho họ mạc, cúng tiến đền chùa...

Anh Lê Đông Minh (C3, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) đang chọn mua bộ lư hương 3 chiếc, một bộ chiêng... cho nhà thờ họ. Anh Minh cho biết, năm nay vợ chồng anh sinh thêm cháu. Vào họ cho cháu, không ai bắt buộc nhưng nhân dịp này cũng mua thêm để góp vào nhà thờ họ.

Tại Trung tâm bán và giới thiệu sản phẩm Quang Hợp (503 Đê La Thành, Hà Nội) cho biết: "Mỗi ngày cửa hàng bán được từ 5 - 7 tủ thờ, bàn thờ. Trước đây, chỉ bán được 2 - 3 cái/ngày. Gần tết, nhiều gia đình muốn sửa sang nhà cửa, sắm mới bàn thờ gia tiên". Một tủ thờ gỗ gụ ta kích thước 1,53 x 61 x 27 có giá 6,8 triệu đồng được chào bán là loại gỗ tốt nhất, dùng mấy đời không bị hỏng.

Chủ cửa hiệu Đồ thờ Hưng Nga (902 Đê La Thành, Hà Nội) vừa bán hàng vừa nhắc thời gian thay bàn thờ mới phải trước ngày 23/12 âm lịch để chuẩn bị làm lễ ông Công, ông Táo. "Khách hàng nên đến sớm, chọn lấy bàn thờ theo ý của mình. Có nhiều loại gỗ tốt để chọn. Đắt tiền thì có gụ, đinh hương... không thì gỗ Pơ mu là tốt rồi. Ở miền Bắc, khi chọn bàn thờ nên chú ý loại gỗ tốt, không bị cong vênh khi thời tiết thay đổi. Hiện nay, trung tâm đang có gần trăm đơn hàng được đặt từ trước nhưng sau 20 âm lịch khách mới lấy về nên phải cấp tập làm cho kịp", chủ hàng cho biết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Song Hà - chuyên viên đào tạo phong thủy, Hệ thống Phong thủy Hoàng Điền cho biết, gần tết lượng người hỏi về phong thủy rất đông. Đặc biệt là sửa sang bàn thờ. Ở khu vực thành thị quan tâm tới vấn đề phong thủy hơn so với vùng nông thôn.

Trong khi đó ông Trần Văn Kiên (ngõ 189, phố Yên Hòa, Cầu Giấy) cũng mua một tủ thờ mới bằng gỗ quý nhưng bàn thờ cũ. Thấy bàn thờ mới đẹp, con cái đi làm mỗi đứa lại góp thêm một thứ để bàn thờ thêm đẹp và ý nghĩa. Tuy nhiên, ông cũng hơi lo khi thấy cậu con trai mang về thêm mấy bức tượng, mấy bức điêu khắc "xin" ở đâu về. Không biết có phù hợp không nhưng tôi cũng không dám phản đối.

Bà Song Hà chia sẻ: "Khi nhà đang tốt đẹp, làm ăn và gia đình thuận lợi thì không nên động vào bàn thờ, bát hương. Tránh việc phú quý sinh lễ nghĩa rồi nghe nhiều người tư vấn không chính xác. Theo bà Hà, sửa sang và mua sắm thờ cũng cuối năm là truyền thống tốt đẹp nhưng không nhất thiết phải cầu kỳ, tốn kém. Việc cúng lễ cốt ở sự thành tâm, làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh là được.

Theo VEF.VN


Từ khóa: