Tại đây, chúng tôi ghi nhận một người nước ngoài đi cùng với một thanh niên người Việt mua 3.500 USD. "Muốn mua 2.000 USD giá bao nhiêu?" - tôi hỏi. "Hai mốt ba hai (tức giá bán ra 21.320 đồng/USD)" - chủ tiệm cho biết.
Tương tự, các tiệm vàng ở khu vực chợ Tân Định, Bà Chiểu (TP.HCM) cũng vô tư mua bán USD. Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất, thấy chúng tôi đang tìm hiểu tỷ giá tại một đại lý thu đổi ngoại tệ, lập tức có 4 phụ nữ tìm đến sẵn sàng thu mua USD, tuy nhiên mức giá thu mua của những người này thấp hơn rất nhiều so với giá của các tiệm vàng.
Do không quen biết các đầu mối thu mua ngoại tệ nên anh T.V.N (phường 1, quận Phú Nhuận - TP.HCM) phải nhờ bạn bè giới thiệu một chủ tiệm vàng để bán 10.000 USD. Chủ tiệm vàng này cho biết sau khi hai bên chốt giá sẽ có nhân viên của tiệm đến nhà anh N. để giao VNĐ, nhận USD.
Chủ tiệm còn cho biết thêm: Để "né" sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, bước đầu, các tiệm vàng thường từ chối giao dịch số lượng lớn đối với khách hàng lạ nhưng sau đó gợi ý với khách hàng để lại địa chỉ, thống nhất giá mua - bán và sẽ đến nhà giao nhận hàng vào buổi tối, hoặc chủ tiệm vàng sẽ cùng với bên mua USD đến ngân hàng - nơi chủ tiệm vàng sẽ rút ra số ngoại tệ đang gửi tiết kiệm - rồi thực hiện giao dịch.
Cuối năm, giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do sôi động (ảnh minh họa - Thanh niên)
Doanh nghiệp mua rồi hợp thức hóa
Một số đầu mối ngoại tệ cho biết họ thu gom USD rồi bán lại cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Riêng các doanh nghiệp đến hạn trả nợ vay ngân hàng cũng thường mua USD từ các tiệm vàng rồi hợp thức hóa bằng cách bán số ngoại tệ đó cho nhà băng, sau đó ngân hàng làm thủ tục bán lại cho doanh nghiệp. Khi đó, số ngoại tệ mà doanh nghiệp trả nợ vay ngân hàng mới hợp pháp.
Thực tế cho thấy cá nhân có nhu cầu chính đáng rất khó mua được ngoại tệ từ ngân hàng nên họ thường tìm đến thị trường tự do để mua USD là điều dễ hiểu. Trong khi đó, do người bán USD cho ngân hàng có phần thiệt thòi bởi giá thu mua của ngân hàng thấp hơn giá thu mua của các tiệm vàng từ 200-300 đồng/USD nên vì lợi ích kinh tế, họ bán USD cho các đầu mối ngoài NH.
Sẽ tiếp tục xử lý mạnh tay
Mới đây, UBND TP.HCM vừa có quyết định xử phạt hành chính bà Lê Thị Lan - chủ cửa hàng kinh doanh vàng Mỹ Hồng - Mỹ Dung (365A Tô Ngọc Vân, KP.2, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) 400 triệu đồng về hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp giấy phép. Đây là mức phạt cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP đối với hành vi này. Nhưng so với việc Bộ Công an tịch thu toàn bộ 500.000 USD và 10,63 tỉ đồng trong vụ bắt quả tang mua bán ngoại tệ trái phép tại TP.HCM thì mức phạt trên chẳng thấm tháp gì. Ngoài việc tịch thu tang vật nói trên, cơ quan chức năng còn quyết định xử phạt hành chính người mua bán ngoại tệ trái phép mỗi bên 75 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết: "Mặc dù đã có phổ biến về không được niêm yết, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng nhiều đơn vị hiện nay vẫn làm. Sắp tới, các đoàn kiểm tra sẽ thực hiện kiểm tra các công ty bất động sản, trường học... về vấn đề này".
Từ đầu năm 2011 đến nay, công an TP.HCM cũng phát hiện tổng cộng 55 vụ mua bán ngoại tệ trái phép, xử phạt gần 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi cục QLTT TP.HCM cũng phát hiện 63 vụ niêm yết giá cả hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ và đã xử phạt hành chính 61 vụ với số tiền phạt hơn 1,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ 2 vụ xử phạt trên, dư luận đang đặt câu hỏi về ranh giới xác định xử phạt giữa 2 hành vi "mua bán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật" và "hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép".
Theo quy định, hành vi "mua bán ngoại tệ trái phép" sẽ bị tịch thu tang vật, xử phạt hành chính từ 50-100 triệu đồng; còn hành vi "hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép" chỉ bị xử phạt từ 300-500 triệu đồng, không tịch thu tang vật.
Mức xử phạt có độ chênh lớn nhưng ranh giới giữa 2 hành vi này khá mơ hồ. Đặt trường hợp công an phát hiện một người mang 1.000 USD đến bán cho tiệm vàng không được phép đổi ngoại tệ. Nếu xác định hành vi của người mua (tiệm vàng) là "hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép" thì bị xử phạt từ 300-500 triệu đồng. Còn nếu xác định là hành vi mua ngoại tệ trái pháp luật thì ngoài việc tịch thu số tiền đồng là tang vật hơn 21 triệu đồng và bị xử phạt hành chính từ 50-100 triệu đồng, thấp hơn mức phạt trên rất nhiều. Nhưng nếu số tiền bị phát hiện lên đến hàng trăm ngàn USD, thì mức phạt lại "đảo chiều".
Rõ ràng, "quy" về hành vi nào để xử phạt trong trường hợp trên đều đúng, trong khi mức phạt thì chênh lệch lớn. Điều này rất dễ dẫn đến tiêu cực trong việc xử lý, xử phạt. Vì vậy, theo một chuyên gia tài chính, cần có quy định rõ hơn đối với 2 hành vi này để dễ xác định hành vi cũng như hạn chế tiêu cực.
Theo giới chuyên gia, muốn dẹp giao dịch ngoại tệ trái phép, phải đảm bảo được nguồn cung ngoại tệ cho các nhu cầu chính đáng. Phải có quy định bắt buộc ngân hàng bán ngoại tệ cho các nhu cầu này. Còn mạnh tay xử lý trong khi cung thiếu thì chẳng khác nào nhà nước "ép" dân ra thị trường tự do mua ngoại tệ để gặp rủi ro nếu bị phát hiện.
USD tự do giảm giá mạnh
Ngày 27/12, trên thị trường tự do, giá USD bán ra giảm so với hôm trước 80 đồng/USD, xuống còn 21.270 đồng/USD, mua vào 21.230 đồng/USD. Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục giữ 20.828 đồng/USD, mức cao nhất kể từ đầu năm 2011 đến nay.
Nếu so với ngày 7/9 (thời điểm Ngân hàng Nhà nước cam kết điều chỉnh tỉ giá không quá 1% đến cuối năm) thì tỷ giá bình quân liên NH đã tăng 200 đồng/USD tương đương 0,97%.
Với biên độ ± 1% so với tỉ giá liên ngân hàng, các ngân hàng thương mại niêm yết giá bán 21.036 đồng/USD.
|