Dồn tâm huyết cho động vật hoang dã
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, hầu hết các loài ĐVHD tại đây đều do lực lượng chức năng tịch thu và bàn giao cho Trung tâm. Sau tiếp nhận, các cá thể này được đưa về nuôi nhốt để chăm sóc, chữa trị vết thương. Tiếp đó, chúng từng bước được thuần dưỡng, đến thời điểm phục hồi sức khỏe, đủ khả năng sinh sống sẽ được thả về môi trường tự nhiên. Công việc hàng ngày của các nhân viên ở đây là chuẩn bị thức ăn, chăm sóc cho các cá thể động vật và vệ sinh, xử lý chuồng trại. Nghe qua, tưởng chừng không quá nặng nề, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy không đơn giản. Bởi lẽ, thức ăn của các loài thường khác nhau, có loài ăn tạp, nhưng cũng có loài khá kén mồi nên việc tìm và đặt mua thức ăn cho chúng không dễ dàng.
|
Công nhân chăm sóc cá thể gấu tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh |
Chị Trịnh Thị Thu Hằng, bác sĩ chăn nuôi - thú y duy nhất của Trung tâm chia sẻ, kỷ niệm mà chị nhớ mãi là có một lần cả Trung tâm thức trắng đêm tìm cách cứu sống con Đồng Nai (tên 1 cá thể hổ được đặt theo tên địa phương chuyển giao về Trung tâm) bị bệnh kiết lỵ, kiệt sức vì bỏ ăn mấy ngày. Một không khí căng thẳng, lo âu bao trùm. Mọi người ai cũng đôn đáo tìm phương án cứu chữa, rồi đổ sữa, cháo cho nó, nhưng tất cả đều vô vọng. Đến khi nó lịm đi cũng là lúc lãnh đạo Trung tâm quyết định truyền đạm cho Đồng Nai. Vất vả nhân đôi vì con hổ nhỏ, lại yếu ớt. “Như có phép màu, chỉ nửa tiếng sau khi được truyền đạm, Đồng Nai ngọ nguậy, rồi có dấu hiệu co rút người như buồn nôn. Còn bây giờ thì Đồng Nai đang là một hổ mẹ rất khỏe mạnh và mắn đẻ” – chị Hằng nói.
Nhiều khó khăn
Trong quá trình bị bắt giữ, vận chuyển đi tiêu thụ trái phép, ĐVHD rất dễ lây bệnh chéo giữa các loài với nhau và lây bệnh cho người khi tiếp xúc. Thời gian đầu, với bản năng sinh tồn, chúng sẵn sàng tấn công tất cả những đối tượng chúng cho là gây ra mối nguy hiểm. Đặc biệt, những loài vật hoang dã bị con người vây bắt và làm tổn thương cơ thể thường trở nên hết sức hung dữ. Khi thấy bóng dáng con người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Chỉ khi qua thời gian thuần dưỡng, chúng cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc ân cần của nhân viên thì chúng mới đáp lại bằng sự thân thiện, bản năng hung dữ giảm đi phần nào.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 60 vụ với 350 cá thể ĐVHD và 8,5kg rắn các loại. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức phòng bệnh định kỳ cho 986 lượt cá thể ĐV; điều trị bệnh cho 853 lượt cá thể (hổ, gấu, mèo rừng...); tổ chức tái thả 64 cá thể và 11kg rắn ĐVHD sau cứu hộ về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh.
|
Không chỉ đối mặt với những nguy cơ tai nạn rình rập, Trung tâm còn gặp khó khăn khi số ĐVHD đang được cứu hộ, bảo tồn tại đây thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Trong khi đó, quy trình chăm sóc ĐVHD cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử, chuồng chật hẹp thì việc nuôi dưỡng, chăm sóc ĐVHD bị hạn chế. Đáng nói, việc chăm sóc, điều trị vết thương cho các cá thể ĐVHD rất vất vả trong điều kiện tác động, thay đổi của môi trường sống, khí hậu.
Với 9 nhân viên chăm sóc cho 39 loài động vật hoang dã ở 20 chuồng trại trên quy mô gần 1ha là khối lượng công việc rất nặng nề. Ngoài bữa ăn, vệ sinh định kỳ trong ngày, nếu con vật có sự cố về sức khỏe thì cán bộ kỹ thuật và nhân viên hầu như không được nghỉ ngơi. Đáng nói, hiện, Trung tâm chỉ có duy nhất 1 bác sĩ chăn nuôi – thú y nên mọi “gánh nặng” về điều trị bệnh cho ĐVHD dồn hết nên vai của bác sĩ này. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài ĐVHD thường kéo dài cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác cứu hộ ĐVHD của Trung tâm.
Ngọc Ánh
Theo Kinh tế Đô thi