Sự kiện hot
13 năm trước

Cứu tinh Tevez hay sự hoang mang của Man City?

Một tuần về trước, chính HLV Roberto Mancini khẳng định Tevez có thể trở lại ở trận tiếp Chelsea. Chắc hẳn nhiều CĐV Man City đang mong chờ điều đó, kỳ vọng tiền đạo người Argentina sẽ lại đóng vai trò người hùng trên hành trình chinh phục chức vô địch Premier League lịch sử.

Một tuần về trước, chính HLV Roberto Mancini khẳng định Tevez có thể trở lại ở trận tiếp Chelsea. Chắc hẳn nhiều CĐV Man City đang mong chờ điều đó, kỳ vọng tiền đạo người Argentina sẽ lại đóng vai trò người hùng trên hành trình chinh phục chức vô địch Premier League lịch sử.

Kỳ vọng về cái kết lãng mạn?

Nếu những ngày tháng của Carlos Tevez ở Manchester được dựng thành phim, nó có thể đoạt giải Oscar cho mục Kịch bản hay nhất (hoặc rắc rối nhất). Anh là người hùng của nửa đỏ Manchester khi giúp M.U đoạt Cú đúp mùa 2007-08. Bị bỏ rơi mùa sau đó, anh chạy sang đội bóng kình địch cùng thành phố Man City. Trong màu áo xanh, anh lại là người hùng.

Nhưng vì hoàn cảnh gia đình éo le, anh đòi ra đi và ước nguyện ấy chỉ tan vỡ vào phút chót. Anh ở lại nhưng từ vai trò người không thể thay thế biến thành người thừa. Mâu thuẫn với HLV đã đến như một điều tất yếu. Anh đình công, HLV nổi giận, BLĐ trừng phạt, CĐV mang áo anh ra đốt. Anh không chịu xin lỗi, bất cần bỏ đi lang thang, hết đánh golf đến hát hò.

Anh đăng đàn tiết lộ rằng "HLV đối xử với tôi như một con chó". Nhưng một tuần sau đó, chính anh lên tiếng xin lỗi tất cả. Tất cả tức là có HLV, dù anh không trực tiếp nhắc tên cụ thể. Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại, HLV công khai tha thứ cho anh. Anh cần cù tập luyện trở lại, đã đá cho đội hình hai, ghi bàn và được nhiều CĐV vỗ tay tán thưởng.


Tevez có giúp được Man City? - Ảnh Getty

Bộ phim ấy chỉ còn thiếu đoạn kết nữa mà thôi. Đó là anh trở lại đội 1, ban đầu là dự bị, vào sân thay người khi đội bóng rơi vào tình trạng bế tắc, ghi bàn thắng quyết định và trở thành người hùng. Hãy thử tưởng tượng, trong trận chung kết của mùa giải vào cuối tháng 4 này, anh sút tung lưới đội bóng cũ M.U và mang về chức vô địch cho Man City. Một cái kết có hậu? Man City giải tỏa được cơn khát. HLV Mancini được ca ngợi là giàu lòng vị tha, biết cách dùng quân. Tevez lại là người hùng. Trên các khán đài ở Etihad, CĐV hát vang tên anh. Chiếc áo số 32 của anh lại cháy, nhưng lần này là cháy hàng...

Nhưng thực tế rất tàn nhẫn

Một bộ phim đầy lãng mạn? Phim lãng mạn thì mới cuốn hút người xem. Nhưng đời vốn quá thực tế. Tevez của tuổi 28 không phải là một đứa trẻ, hay hờn dỗi, bỏ nhà ra đi rồi hối hận trở về để "hoàn lương". Từ thủa bé, khi mà đêm nào anh cũng nghe tiếng đạn của các băng nhóm thanh toán lẫn nhau bên ngoài ngôi nhà tồi tàn ở khu ổ chuột thuộc ngoại ô Buenos Aires, cho đến khi trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất ở đội bóng giàu nhất thế giới, Tevez ấy luôn nhận thức rằng muốn thành công thì ngoài nỗ lực cần phải biết tận dụng vị thế để giành quyền lực.

Mùa trước, anh là người quyền lực nhất ở phòng thay đồ, chứ không phải là Mancini. Anh còn tiết lộ rằng từng suýt đấm vị HLV của mình. Và cũng chính anh khẳng định, nhờ sự xuất hiện của Sergio Aguero, Mancini mới thắng thế, mới "dám" gạt anh sang một bên.

Khi cần thiết, Mancini sẵn sàng nhún nhường trước bất kỳ ngôi sao nào. Nhưng khi có cơ hội, ông lạnh lùng gạt bỏ anh ta mà không thèm đoái hoài. Adebayor là bằng chứng, cũng từng bật ông và khi hối lỗi thì đã muộn. Như trên sân cỏ, một sai lầm thôi là đã phải trả cái giá rất đắt. Tevez thì phạm quá nhiều sai lầm. Ông thừa biết rằng, ông đã có thể bị chính Tevez đá ra khỏi đường nếu Man City không lọt vào tốp 4 và đoạt Cúp FA mùa trước - tức là rất giống những gì xảy ra ở Chelsea mùa này.

Tevez không phải là Scholes?!

Có thể tin rằng sau những ngày tháng khổ luyện trở lại, Tevez đang dần dần hồi phục về thể lực cũng như cảm giác bóng. Scholes của tuổi 37 còn làm được cơ mà. Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng hai trường hợp trở lại này giống nhau. Sự trở lại của Scholes chỉ có tác dụng giúp M.U mạnh hơn mà thôi. Mạnh hơn về chuyên môn khi M.U thiếu người chơi tốt ở vị trí mà Scholes nắm giữ. Mạnh hơn về tinh thần khi Scholes là biểu tượng, là tấm gương để các cầu thủ trẻ học hỏi.

Nhưng trường hợp của Tevez thì khác. Những cú vấp của Man City trong giai đoạn 2 không hề vì hàng công của họ đá kém. Họ suy yếu vì sự vắng mặt của một vài trụ cột ở tuyến sau. Hàng thủ không còn chắc chắn khi thủ quân Kompany hết bị treo giò nhiều trận lại dính chấn thương. Hàng tiền vệ không còn duy trì sức mạnh như trước khi Yaya Toure từng phải trở về CAN suốt thời gian dài, giờ đến lượt Gareth Barry gặp vấn đề về chấn thương trong khi David Silva rơi vào tình trạng đuối sức.

Trong bối cảnh ấy, hàng công vẫn thi đấu tốt. Aguero, người kế thừa vị trí của Tevez, vẫn thi đấu thăng hoa, sắc sảo và hiệu quả. Balotelli có thể bỏ lỡ vài cơ hội rõ nét, nhưng không ai phủ nhận được sự đáng sợ của anh mỗi lần được tung vào sân (đó là chưa kể anh được xem cầu thủ đá penalty tốt nhất Premier League). Trên băng ghế dự vẫn còn dư thừa Edin Dzeko.

Trận gặp Sporting Lisbon vừa qua, hàng công của Man City đã chơi tuyệt hay trong hiệp 2, nhất là từ sau khi Dzeko được tung vào sân. Aguero đã lập cú đúp trong khi Balotelli ghi bàn còn lại. Tinh thần chiến đấu của họ là rất tuyệt vời, bất khuất, không chịu đầu hàng.

Nếu muốn vượt mặt M.U, giành lại ngôi đầu và đăng quang ở Premier League, Man City cần sức mạnh tinh thần bất khuất như thế, cần bản lĩnh vượt khó ở thời khắc quyết định chứ không phải trông chờ một cầu thủ rời xa sân cỏ nhiều tháng liền, đã bỏ rơi đội bóng lúc khó khăn và phải cần đến nửa năm để nói câu xin lỗi vì lỗi lầm của mình.

Nếu Mancini và CĐV trông chờ Tevez đóng vai trò cứu tinh, thì đó chính là biểu hiện cho thấy họ thực sự rất hoang mang, tuyệt vọng.

Theo TT&VH

Từ khóa: