Sự kiện hot
12 năm trước

Đã có thể “đọc” được giấc mơ

Đối với một số người, đây là giấc mơ trở thành hiện thực, nhưng với một số người khác nó lại là cơn ác mộng. Các nhà khoa học Nhật Bản vừa cho biết họ đã tìm ra cách “đọc” được giấc mơ của con người bằng máy quét cộng hưởng từ.

Đối với một số người, đây là giấc mơ trở thành hiện thực, nhưng với một số người khác nó lại là cơn ác mộng. Các nhà khoa học Nhật Bản vừa cho biết họ đã tìm ra cách “đọc” được giấc mơ của con người bằng máy quét cộng hưởng từ.


Hoạt động của não có liên quan tới những hình ảnh mà con người nhìn thấy trong giấc mơ của mình

Khả năng trên đã có thể phần nào vén màn bí mật về tiềm thức của con người.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm khoa học thần kinh ATR tại Tokyo đã dùng máy quét cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác phần não hoạt động trong những khoảnh khắc đầu tiên của giấc ngủ.

Sau đó các nhà khoa học đã đánh thức những tình nguyện viên đang ngủ mơ và hỏi họ xem họ đã nhìn thấy những hình ảnh nào.

Quá trình này được lặp lại tới 200 lần. Những câu trả lời sẽ được mang đi so sánh với bản đồ não mà máy quét MRI đưa ra.

Sau đó các nhà khoa học sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu dựa trên kết quả có được. Họ phân loại các nhóm vật thể có hình ảnh tương tự nhau. Ví dụ, khách sạn, nhà ở, tòa nhà được cho vào nhóm “các cấu trúc”

Sau một loạt thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã có thể dự đoán những hình ảnh mà người tham gia thí nghiệm đã nhìn thấy với độ chính xác 60%.

Nhà nghiên cứu Yukiyasu Kamitani cho biết: “Chúng tôi đã kết luận rằng mình đã thành công trong việc giải mã một số loại giấc mơ với mức độ thành công cao. Những giấc mơ đã khiến con người tò mò từ thời cổ xưa, nhưng chức năng và ý nghĩa của chúng vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tôi tin rằng kết quả này là một bước tiến tới việc đọc giấc mơ một cách chính xác hơn”.

Nhóm của ông đang cố gắng đọc những giấc mơ khác về mùi vị, màu sắc, cảm xúc cũng như toàn bộ câu chuyện trong giấc mơ của con người.

Tuy nhiên, nhà khoa học này thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể hiểu toàn bộ giấc mơ.

Theo ông Kamitani, việc giải mã giấc mơ khác nhau đối với mỗi cá nhân và cơ sở dữ liệu có được cũng không thể áp dụng một cách chung chung mà phải phù hợp với từng người.

Thử nghiệm trên cũng chỉ mới sử dụng những hình ảnh mà người mơ nhìn thấy ngay trước khi họ bị đánh thức dậy. Giấc ngủ sâu – nơi những giấc mơ sống động hơn xuất hiện - vẫn còn là điều bí ẩn.

Hà Châu
Theo GD&TĐ, AFP

Từ khóa: