Trước việc UBND TP Đà Nẵng đề nghị điều chỉnh, chuyển đổi công năng, cắt giảm quy mô của 16/18 dự án du lịch, nghỉ dưỡng đã được cấp phép ở bán đảo Sơn Trà, nhiều chủ dự án đã đưa ra những kiến nghị trái ngược.
Như tin đã đưa, ngày 5/9, UBND TP Đà Nẵng đã chính thức công bố báo cáo 223/BC-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn ký, về việc rà soát các dự án và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch (KDL) quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 6038/VPCP-KGVX ngày 9/6/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Chủ đầu tư nhiều sự án du lịch, nghỉ dưỡng ở bán đảo Sơn Trà có kiến nghị trái ngược với đề xuất của UBND TP Đà Nẵng (Ảnh: HC)
Theo đó, đến thời điểm tháng 12/2012, tại bán đảo Sơn Trà, UBND TP Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án du lịch, nghỉ dưỡng với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.222,5ha; quy mô lưu trú tương đương khoảng 5.600 buồng, phòng.
Trong báo cáo 223/BC-UBND, UBND TP Đà Nẵng nêu quan điểm đề xuất quy hoạch, phát triển tại bán đảo Sơn Trà theo hướng bền vững, đảm bảo phương châm “bảo tồn đi đôi với phát triển, phát triển để phát huy bảo tồn”. Bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển.
Qua rà soát 18 dự án nêu trên, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh, chuyển đổi công năng của 06 dự án sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, không có lưu trú. Đồng thời xem xét cắt giảm quy mô của 10 dự án để phù hợp các tiêu chí đã nêu; chỉ giữ nguyên 02 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và phù hợp các tiêu chí nêu trên.
Trước những đề xuất này, chủ các dự án đầu tư ở Sơn Trà nói gì?
Có thể nói từ khi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị xem xét, điều chỉnh lại “Quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Sơn Trà” thái đến nay, dư luận đã được nghe ý kiến của rất nhiều cấp, nhiều ngành liên quan. Tuy nhiên hầu như chưa thấy có chủ dự án nào ở Sơn Trà lên tiếng, ngoại trừ phản ứng của chủ dự án KDL sinh thái Biển Tiên Sa khi bị phát hiện xây dựng 40 móng, trụ biệt thự trái phép.
Tại báo cáo 223/BC-UBND đã lần đầu tiên công bố ý kiến của đại diện 9/10 chủ đầu tư các dự án du lịch ở bán đảo Sơn Trà tại buổi đối thoại với UBND TP Đà Nẵng ngày 23/8/2017 (01 doanh nghiệp còn lại xin phép vắng mặt). Sau khi nghe thông báo dự thảo kết quả rà soát các dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà, các chủ đầu tư đã có nhiều ý kiến và đơn thư gửi UBND TP Đà Nẵng.
Về quy hoạch, các chủ dự án cho rằng trước đây, trên cơ sở từ bình đồ 200m trở xuống, các đơn vị lập quy hoạch đảm bảo đầy đủ công năng sử dụng và sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Việc chỉ cho phép phát triển dự án từ bình đồ 100m trở xuống sẽ làm phá vỡ cấu trúc quy hoạch của dự án, dẫn đến dự án không thể triển khai được. Do đó chủ các dự án đề nghị cho phép triển khai dự án ở bình độ từ 150m trở xuống.
Họ cũng đề nghị giữ nguyên số lượng phòng lưu trú và biệt thự như quy hoạch đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt trước đây. Đồng thời họ đề nghị đối với các dự án ven biển, có cao trình thấp hơn đường lên đỉnh Sơn Trà, không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, đa dạng sinh học và an ninh quốc phòng thì xem xét cho phéo triển khai theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Về pháp lý dự án, các chủ dự án ở Sơn Trà đề nghị giữ nguyên mục tiêu của dự án đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. Giữ nguyên mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất trên các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Họ cũng đề nghị đối với các dự án chưa làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tiếp tục cho phép hoàn thiện các thủ tục pháp lý trước khi thực hiện. Đối với các dự án mở rộng nhưng không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, không có diện tích rừng đặc dụng… thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho tiếp tục thực hiện.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng ngày 28/8, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tiếp tục nêu rõ, bán đảo Sơn Trà thực sự là một vùng sinh thái đặc thù của Việt Nam, trong đó có loài Voọc chà vá chân nâu và nhiều loài động thực vật quy hiếm, cần phải có các biện pháp can thiệp kịp thời để bảo tồn hệ sinh thài này.
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có quy định việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học. Đây là mục tiêu quan trọng, mang tính chiến lược đối với bán đảo Sơn Trà. Đồng thời kiến nghị giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở bán đảo Sơn Trà, không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch. Tháo dỡ 40 móng, trụ biệt thự xây dựng trái phép, yêu cầu chủ đầu tư chống xói lỡ trước mùa mưa 2017…
Các kiến nghị trên đây cùng với đơn thư của chủ các dự án du lịch ở bán đảo Sơn Trà, thư kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đều được UBND TP Đà Nẵng ghi nhận, tổng hợp vào nội dung báo cáo 223/BC-UBND và gửi kèm theo báo cáo này trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công văn 6038/VPCP-KGVX ngày 9/6/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Hải Châu
Theo Infonet