Sự kiện hot
11 năm trước

Đặc sản vùng miền “bội thu”

Thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều hàng, quán ăn rơi vào cảnh ế ẩm, thậm chí phá sản vì vắng khách. Vậy nhưng, một số cửa hàng bán đặc sản vùng miền lại quá tải vì đông khách.


Quán lẩu luôn kín khách vào khi thời tiết giá lạnh. Ảnh: Mai Hạnh

Đông đúc suốt bốn mùa

Đang hút khách nhất tại thời điểm này là những món đặc sản vùng miền “bốc khói” mang đến không khí ấm cúng trong mùa đông giá lạnh. Theo đó, những quán lẩu đặc sản như lẩu cá kèo, lẩu mắm, lẩu tôm chua cay, lẩu hải sản, lẩu Thái… luôn chật kín thực khách.

Lẩu cá kèo miền Nam rất phổ biến tại Hà Nội và gần như địa điểm nào cũng có khách ruột của mình. Những quán lẩu cá kèo đông khách có thể kể đến là Con Đường Đặc Sản (99 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân), lẩu mắm Bà Sáu (Văn Cao, Ba Đình), nhà hàng Phương Nam (Chùa Láng, Cầu Giấy)… giá không rẻ, giao động từ 350.000 - 400.000 đồng/nồi.

Chị Trần Thị Xuân, chủ quán lầu cá kèo, lẩu mắm phố Văn Cao cho biết: “Mùa nào thì lẩu cá kèo, lẩu mắm của tôi vẫn rất đông khách. Nhất là vào mùa lạnh như bây giờ thì quán luôn đông nghịt người, từ chủ quán đến nhân viên phải làm liên chân, liên tay mới phục vụ khách chu đáo được”.

Bún bò Nam bộ cũng xuất hiện ở Hà Nội từ rất lâu và là một trong các món trộn được người Hà thành ưa thích. Nổi tiếng ở Hà Nội là quán bún bò Nam Bộ ở 47 Trần Quốc Toản. Quán này trước đây là địa chỉ “thơm ngon bổ rẻ”, mỗi bát chỉ có giá 6.000 – 7.000 đồng. Song thời buổi lạm phát, giá hiện giờ là 30.000 đồng/bát nhưng vẫn là điểm dừng chân của nhiều thực khách. Ngoài ra, có thể ăn món bún bò Nam Bộ ở 66 Hàng Điếu, 111 Khương Thượng hay phố Tạ Hiện. Bà Nguyễn Thị Trang, chủ quán bún bò Nam Bộ phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: “Mùa đông tôi phải mở quán sớm hơn và đóng cửa muộn hơn vì rất đông người ăn”.

Không chỉ món đặc sản ăn nóng hút khách mà ngay cả những món lạnh cũng lôi kéo được rất nhiều khách hàng như món phở cuốn tôm chua đặc sản xứ Huế, món gỏi nhệch Nga Sơn…

Gỏi nhệch đặc sản Nga Sơn, Thanh Hóa xuất hiện trên địa bàn Hà Nội cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thực khách. Quán gỏi nhệch Vũ Bảo ở phố Phạm Văn Đồng luôn trong cảnh đông khách. Trong khi một suất gỏi giá không mềm, tới 245.000 đồng/người. Ông Vũ Bảo, chủ quán cho biết: “Làm gỏi vốn rất cầu kỳ. Gỏi nhệch phải được xử lý bằng cách ngâm nước vôi, dùng lá lúa, lá tre tuốt sạch cho hết nhớt. Thịt nhệch róc ra rồi dùng giấy bản lau sạch, thái nhỏ dọc thớ, ướp với riềng, thính gạo rang và nước nghệ tươi cho vàng. Ăn gỏi kèm chẻo, mắm tôm, ớt, chuối xanh, khế, lá sung, lá đinh lăng và nhiều loại rau thơm khác. Ăn gỏi có vị ngọt của cá, thơm của thính gạo, dậy mùi của chẻo và lá thơm, không bị ngán, vì vậy mà món ăn này trở thành món khoái khẩu của nhiều người”.

Hàng ngon sống “khoẻ”

Lý giải cho việc đông khách đến với quán ăn của mình, hầu hết các chủ quán đều cho rằng do họ phục vụ tốt và chế biến món đúng vị của các loại đặc sản. Ông Vũ Bảo hài hước: “Gỏi nhệch đắt hàng vì từ lâu nó đã được liệt vào món ngon vùng miền. Nghĩa là đẳng cấp đã được khẳng định, ai đã ăn một lần là ấn tượng và nhớ mãi không chỉ do cách ăn cầu kỳ, kết hợp nhiều thứ mà vị của nó cũng rất ấn tượng, thơm ngon”.

Bà Lê Thị Hòa, chủ quán đặc sản món Huế cũng bày tỏ: “Kinh doanh món đặc sản, nếu không làm được ngon hơn thì chỉ cần làm đúng vị cũng sẽ có rất nhiều thực khách tìm đến. Vì đây là những món đã trải qua nhiều thế hệ và hương vị của nó đã được thực khách thừa nhận. Tôi nghĩ những người kinh doanh đặc sản mang tính vùng miền như tôi chỉ cần làm đúng vị là đã thắng rồi, nếu sáng tạo được mà hương vị tuyệt vời hơn thì lợi nhuận thu được lại càng lớn”.

Với đặc sản vùng miền, thường thực khách có tâm lý là đã ăn rồi thì sẽ muốn được ăn nữa vì nó là món ngon. Ai chưa ăn sẽ rất muốn được khám phá vì nghe nói, nghe đồn nhiều thì muốn được nếm thử. Đó là lý do vì sao mà giữa thời buổi kinh tế khó khăn nhưng những người kinh doanh đặc sản vùng miền vẫn bội thu.

Mai Hạnh
theo GĐ&XH

Từ khóa: