Sự kiện hot
11 năm trước

Đại án tham nhũng tại Agribank: Hai “tham quan” nhận án tử hình

Dantin - Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, “Đại án tham nhũng” tại Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, thuộc Ngân hàng NN&PTNT) đã đi đến hồi kết. Nhận định cần nghiêm trị đối với kẻ chủ mưu cầm đầu và các đồng phạm nên HĐXX đã tuyên phạt hai án tử hình...

Dantin - Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, “Đại án tham nhũng” tại Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, thuộc Ngân hàng NN&PTNT) đã đi đến hồi kết. Nhận định cần nghiêm trị đối với kẻ chủ mưu cầm đầu và các đồng phạm nên HĐXX đã tuyên phạt hai án tử hình...

Mới đây, phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II do TAND TP.HCM tiến hành đã diễn ra từ ngày 6 - 15/11/2013. Đây là một trong những vụ án tham nhũng lớn được dư luận cả nước quan tâm, với giá trị thiệt hại do các bị cáo gây ra lên đến hơn 531 tỷ đồng, nguyên Tổng giám đốc ALC II Vũ Quốc Hào bị quy kết chiếm đoạt gần 80 tỷ đồng.

Trong vụ án này có 7 bị cáo nguyên là Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng, Phó phòng cho thuê, Phó phòng kế toán của ALC II, và 4 bị cáo là Chủ tịch hội đồng thanh viên, Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân. Mười một bị cáo này bị truy tố về các tội tham ô tài sản, cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nghiêm trị

Sau khi xem xét toàn bộ những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thông tin được các luật sư bào chữa và bị cáo đưa ra, HĐXX đã phân tích từng hành vi phạm tội và quyết định hình phạt đối với từng bị cáo. Bị cáo Vũ Quốc Hảo là nhân vật chủ chốt trong vụ án, còn Đặng Văn Hai là mắt xích quan trọng, hưởng lợi lớn từ những chủ trương của Hảo. Vai trò của hai bị cáo là ngang nhau. Vì vậy, dù bị cáo đã thành khẩn, có thành tích trong công tác nhưng xét mức độ hai bị cáo đã gây ra cần phải áp dụng mức án cao nhất đối với các tội tham ô và lừa đảo thì mới tương xứng. Mức án đối với các bị cáo còn lại nhẹ hơn do mức độ có phần hạn chế, có nhân thân tốt, ...

Theo đó, bản án dành cho Vũ Quốc Hảo (SN 1955, ngụ Quận 7, TP.HCM, nguyên Tổng giám đốc ALC II) tử hình về tội “tham ô tài sản”, 15 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 20 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt của 3 tội là tử hình.

Đặng Văn Hai (SN 1957, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH XD Quang Vinh) tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt của 4 tội là tử hình.

Các bị cáo còn lại, trong đó có những người thuộc Công ty ALC II gồm: Nguyễn Văn Tài – nguyên Phó tổng giám đốc; Tôn Quang Việt – nguyên Phó phòng cho thuê; Phạm Xuân Nghị - nguyên Trưởng phòng cho thuê; Nguyễn Văn Thọ - nguyên Phó phòng cho thuê; Lê Thị Tám – nguyên Phó phòng Kế toán, Hoàng Quốc Thịnh – nguyên cán bộ phòng cho thuê lãnh mức án từ 3 – 14 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Xuân Việt 6 năm tù, Lê Văn Phong - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàm Rồng 6 năm tù, Khương Minh Hiệp - Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phú Gia 3 năm tù. Tòa cũng quyết định bắt giam bị cáo Khương Minh Hiệp để đảm bảo thi hành án (bị cáo Hiệp vì lý do sức khỏe xin vắng mặt tại phiên tòa xét xử này).

Khi thủ đoạn khai khống bị phơi bày

Để rút tiền từ ngân sách bỏ túi riêng, các bị cáo không chỉ khai khống tài sản, mà còn nâng khống các giá trị tài sản lên gấp hàng nghìn lần so với giá trị thực của nó để chiếm đoạt tiền với những con số “khủng”

Cụ thể, đầu năm 2008, các hợp đồng thuê tài chính của Đặng Văn Hai ký trước đó với ALC II đến hạn thanh toán. Lúc này Hai quen biết chủ DNTN Hồng Hoàng. Biết DN này có nhập chiếc cần cẩu bánh xích Hitachi Sumitomo của Nhật Bản với giá 2 triệu USD (tương đương 30 tỷ đồng), hai liền bàn bạc với Vũ Quốc Hảo nâng khống giá chiếc cần cẩu này nhằm có tiền trả nợ các hợp đồng trước và tiêu xài cá nhân.

Hai làm giả hợp đồng nhập khẩu và bộ chứng từ nhằm nâng giá cần cẩu trên từ 2 triệu USD thành 5 triệu USD (tương đương 93 tỷ đồng). Từ giấy tờ giả mạo này, Hai đã được Hảo đồng ý, ký hợp đồng lấy 93 tỷ đồng của ALC II để mua chiếc cần cẩu này. Tại tòa, bị cáo Hảo khai không biết bị cáo Hai làm giả bộ chứng từ nhập khẩu cần cẩu để nâng giá, còn Hai khai đã chi cho Hảo 3 tỷ đồng trong phi vụ này.

Ngoài ra còn có phi vụ nâng giá tàu lặn của Công ty Cát Long Hải do Phạm Minh Tuấn làm chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Hòa làm giám đốc. Vì muốn có tiền để mua gần 90.000 m2 một trạm dừng chân lữ hành trên quốc lộ 1A tại Tiền Giang, Hảo đã bàn với lãnh đạo Công ty Cát Long Hải, đơn vị đang sở hữu chiếc tàu lặn hiệu Tinro2 do một người Nhật mang sang sử dụng rồi giao lại. Để hợp thức hóa chiếc tàu nhằm đưa vào thế chấp, Hảo đã chỉ đạo vận chuyển Tinro2 ra Hải Phòng rồi cố tình để hải quan thu giữ, sau đó bán đấu giá và Cát Long Hải mua 100 triệu đồng. Sau khi hợp thức hóa, Hảo chỉ đạo Công ty Cát Long Hải mời thẩm định, nâng giá lên gấp 1.300 lần (130 tỷ đồng) để lập hồ sơ cho thuê tài chính.

Đến nay Cát Long Hải vẫn nợ ALC II số tiền “khủng” này và không có khả năng thanh toán.

Đồng thời, Hảo còn câu kết với Hai - chủ hàng loạt DN qua một DN khác để thường xuyên rút vốn từ ALC II (dù không có chức năng cho vay). Tháng 2-2009, Hảo bàn bạc với ba bị cáo là các giám đốc DNTN ký hợp đồng thuê tài chính với bên cung ứng là Công ty Quang Vinh của Hai để rút được 263 tỉ đồng, trong đó 229 tỉ đồng được dùng vào việc trả nợ xấu cho gần 30 DN.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Hảo thừa nhận các hành vi sai phạm và hậu quả đã gây ra. Tuy nhiên, bị cáo không đồng ý với việc bị truy tố về tội tham ô. Bị cáo khai có bàn bạc, nhờ bị cáo Hai giúp đỡ thực hiện những hành vi sai phạm. Ngoài ra, bị cáo cho rằng không bỏ túi riêng mà chủ yếu dùng tiền giải ngân để thanh toán nợ xấu, nợ quá hạn... Bị cáo thừa nhận có bỏ túi 950 triệu đồng vì số tiền này không có gì chứng minh. Bị cáo cũng đồng ý việc bị cáo nắm vai trò chỉ đạo trong hàng loạt việc sai phạm.

Đặng Văn Hai cũng đã phủ nhận lời khai trước đó, việc ký hợp đồng khống về thuê tài chính và mua bán tài sản để rút tiền của ALC II là không có. Bị cáo cho rằng với các hợp đồng vay thì có chịu phí 5% chứ không có vấn đề câu kết gì khác. Ngược lại, hầu hết các bị cáo này đều khai nhận tội nhưng đề nghị xem xét lại kết luận giám định hậu quả vì cho rằng chưa chính xác.

Theo các chuyên gia pháp luật theo dõi phiên tòa này nhận định, đây là bản án nghiêm khắc và công minh, tương xứng với các tội danh mà cơ quan điều tra đã xác định đối với từng bị cáo.

Phiên tòa sơ thẩm vụ “đại án tham nhũng” mà các “quan tham” này gây ra tại Công ty ALC II, đã kết thúc sau 9 ngày xét xử, tranh tụng và nghị án. Bản án tử hình đối với 2 bị cáo chủ mưu đã nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội. Bản án cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất gửi đến các “quan tham” khác còn lẫn khuất trong bóng tối.

Nguyễn Quân - Thùy Anh

Từ khóa: