Đồng thời, theo lời khai của Phạm Công Danh tại tòa những phiên xét xử trước đó, vì muốn có một ngân hàng chuyên hỗ trợ hoạt động triển khai các dự án bất động sản, nên ông này đã đề xuất ý tưởng thành lập Ngân hàng Xây dựng với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đồng ý giao một ngân hàng yếu kém là TrustBank cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thiên Thanh tái cơ cấu.
Mặc dù lúc đó TrustBank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỷ đồng, vốn thực hoạt động chỉ hơn 100 tỷ đồng) và ngân hàng này đang lỗ 6.000 tỷ đồng, song ông Danh vẫn quyết mua. Tuy nhiên, để trả 4.620 tỷ đồng giá trị hợp đồng chuyển nhượng 84,92% cổ phần TrustBank cho nhóm cổ đông cũ (nhóm Phú Mỹ), Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải bán rất nhiều tài sản, thậm chí vay mượn từ nhiều nguồn, trong đó có vay mượn từ ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát.
Sau khi tiếp quản TrustBank, tình hình Ngân hàng khó khăn, áp lực thanh khoản lớn khiến ông Danh phải rút 5.490 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích, Giám đốc Tân Hiệp Phát, để xoay xở, cho dù phải trả hàng nghìn tỷ đồng lãi suất ngoài, khi chưa có chữ ký chủ tài khoản.
Bị cáo Danh khai không rành về lĩnh vực ngân hàng, nhưng thấy TrustBank lúc đó sở hữu hai khu đất lớn ở quận 2 và Nhà Bè (TP. HCM), cùng rất nhiều tài sản bất động sản khác trị giá hàng ngàn tỷ đồng nên cho rằng, cứ cố gắng xoay tiền để đổ vào TrustBank (tiền thân VNCB) để sau này, khi tình hình bất động sản sáng sủa sẽ bán để thu hồi vốn. Tuy nhiên, mọi chuyện không như tính toán của Phạm Công Danh và bị cáo đã thừa nhận, đó là sai lầm của mình.
Trong 2 năm kể từ khi tiếp quản VNCB, Phạm Công Danh và đồng phạm đã “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” khi lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking nhằm rút 63,2 tỷ đồng của VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỷ đồng từ VNCB trả cho các hợp đồng khống này trả lãi cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác; bị cáo Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu (trị giá 900 tỷ đồng) này cho 3 công ty từ nguồn tiền của VNCB, rồi chuyển tiền cho Phạm Công Danh sử dụng.
Ngoài ra, bị cáo Danh còn rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho VNCB. Bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm còn bị truy tố về các tội “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay”.
Trả lời Hội đồng xét xử trong phiên tòa ngày 9/8, Phạm Công Danh mong muốn dùng tài sản của IDICO (1 trong 12 công ty con do Phạm Công Danh lập ra để lập hồ sơ khống rút ruột 4.700 tỷ đồng của VNCB) để khắc phục hậu quả, còn Tập đoàn Thiên Thanh, nơi Phạm Công Danh từng điều hành ở vị trí Chủ tịch HĐQT, hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại tòa, vợ Phạm Công Danh là bà Quách Kim Chi khai nắm giữ tỷ lệ 20% cổ phần của Tập đoàn Thiên Thanh. Vì Thiên Thanh tài sản là của chung của hai vợ chồng, nên bị cáo Danh cho rằng, chưa rõ trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản này để khắc phục hậu quả sai phạm, dù rất muốn thực hiện việc này..
Theo Tin nhanh chứng khoán