Lợi dụng việc cảnh báo không nên quá sa đà vào CP của DN thua lỗ và cách tính giá tham chiếu mới, các tay chơi CK lớn đang đè thị trường.
Lợi dụng việc cảnh báo không nên quá sa đà vào CP của DN thua lỗ và cách tính giá tham chiếu mới, các tay chơi CK lớn đang đè thị trường.
Tăng bất thường, giảm bất ngờ
Trong 3 tuần đầu tháng 3/2012, TTCK chứng kiến sự gia tăng độ nóng chóng mặt ở nhiều mã cổ phiếu của các doanh nghiệp đã làm ăn bi bét trong nhiều năm vừa qua, đặc biệt là một số mã chứng khoán và bất động sản. Thực sự đợt tăng giá đồng loạt như vậy đã khiến nhiều người lo ngại và cảm giác có cái gì đó bất thường.
Giống như những gì đã diễn ra trong nhiều năm qua, lúc các nhà đầu tư hào hứng nhất là lúc thị trường đảo chiều.
Trong phiên giao dịch 27/3, TTCK đã chứng kiến một lượng lớn cổ phiếu blue-chips được bán ra dữ dội vào những phút giao dịch cuối cùng. Lượng cổ phiếu lớn được tung ra tạo nên một sự hoảng loạn và tháo chạy mạnh. Nhiều cổ phiếu còn đang tăng trần trong buổi sáng đã quay sang thế giảm sàn vào cuối phiên.
Tới phiên 29/3, tình trạng tháo chạy ồ ạt không còn nữa nhưng 15 phút cuối phiên cũng đủ để giúp hơn 400 mã cổ phiếu trên hai sản giảm điểm, trong đó có gần 200 mã giảm sàn.
Một điểm đáng chú ý là nếu như trong phiên rút lửa 27/3, cổ phiếu giảm chủ yếu là các mã lớn có ảnh hưởng lớn tới biến động hai chỉ số VN-Index và HNX-Index, thì phiên 29/3 chứng kiến sự đi xuống đồng loạt của các cổ phiếu vừa và nhỏ, không kể tốt xấu, đã tăng nhiều hay tăng ít.
Sự tăng giảm mạnh từ trần xuống sàn dễ như trở bàn tay và xảy ra ở đa số các cổ phiếu - một điều hiếm gặp trước kia, là một vấn đề bất thường mà nhiều người đang đặt ra câu hỏi.
Hiện tượng này xảy ra ngay sau khi sàn Hà Nội thay đổi cách tính giá tham chiếu. Theo đó, thay vì tính giá trung bình toàn phiên, giá tham chiếu nay được tính bằng giá trung bình chỉ trong 15 phút cuối (cho dù giao dịch đã kéo sang thêm cả buổi chiều).
Điều làm nhiều người lo ngại là nhiều cổ phiếu tăng điểm trong cả phiên nhưng chung cuộc giá tính tham chiếu cho phiên liền sau lại giảm, thậm chí giảm sàn do bị đè nén trong 15 phút cuối ngày.
Sức ép giảm giá cuối phiên xảy ra với nhiều cổ phiếu tốt, có kết quả kinh doanh khả quan trong năm qua và kế hoạch ấn tượng trong năm 2012, và đang được giới đầu tư quan tâm.
Tham chiếu 15 phút cuối: Kéo lùi thanh khoản?
Trong một phát biểu gần đây, Phó tổng giám đốc HNX, ông Nguyễn Anh Phong cho biết, cách tính giá tham chiếu mới sẽ giảm bớt sự chênh lệch giữa giá tham chiếu và biến động của chỉ số, đưa giá tham chiếu lại gần hơn với giá đóng cửa và sẽ có giá trị tham chiếu tốt hơn cho ngày giao dịch tiếp theo. Cách tính giá tham chiếu cũ chỉ phù hợp với quy mô thị trường nhỏ.
Trước đây, HNX chọn giá tham chiếu là giá bình quân gia quyền của các giao dịch được thực hiện trong cả ngày giao dịch. Phương pháp này được đánh giá là phù hợp trong điều kiện quy mô thị trường còn nhỏ, thanh khoản ở mức thấp.
Hiện nay, quy mô thị trường đã tương đối lớn, thanh khoản khá cao, nên HNX lựa chọn cách tính giá tham chiếu là bình quân gia quyền các mức giá khớp lệnh của 15 phút cuối phiên trước.
Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư, từ ngày áp dụng cách tính giá tham chiếu mới, cả thị trường và nhất là sàn HNX có dấu hiệu loạn lạc, không phản ánh đúng thực chất cổ phiếu và sặc mùi đánh bạc. Thông thường, trước đó các nhà đầu tư nhìn giá trung bình làm mốc tâm lý để tính toán, còn giờ không biết bấu víu vào đâu.
Thay vì giao dịch diễn ra đều đặn trong cả phiên, thì giờ đây nhiều người e ngại không dám mua vào (đặc biệt mua ở giá cao) trong phiên vì không biết 15 phút cuối sẽ có gì diễn ra. Giá có thể bị dìm xuống bùn sâu. Nhiều phiên như vậy, thì đến cả những người có niềm tin đến đâu vào cổ phiếu mình lựa chọn cũng phải nản lòng.
Vô hình trung, quy định mới đang làm giảm thanh khoản trên thị trường. Hàng bị dồn về cuối ngày và chỉ cần một động thái của đội lái và một vài nhà đầu tư lớn là cổ phiếu có thể rớt thảm. Quá trình ngược lại cũng có thể diễn ra.
Trên thực tế, có thể thấy TTCK hiện vẫn chưa có nhiều thay đổi về quy mô. Hàng hóa trên thị trường vẫn đa số là các doanh nghiệp nhỏ, cổ phiếu lưu thông ít và giao dịch nhỏ. Tâm lý đầu tư bầy đàn và tính minh bạch của thị trường chưa được cải thiện.
Trong một môi trường như vậy, hoạt động đầu cơ đánh lên đánh xuống vẫn đang diễn ra thường xuyên.
Trong lúc các vấn đề trên chưa được giải quyết, quá trình tái cấu trúc TTCK vẫn mới chỉ bắt đầu, thì việc áp dụng một phương thức tính giá mới dường như đang tạo điều kiện cho các đội lái có thêm đất diễn.
Thực tế cho thấy, giao dịch đang có xu hướng giảm khá mạnh. Khối lượng và giá trị giao dịch trong vài phiên cuối tháng 3 chỉ còn bằng một nửa cho tới 2/3 so với các phiên trước đó. Giao dịch giảm, trước hết có thể là do thị trường đi xuống. Nhưng cũng không thể phủ nhận là hiện tượng này có chịu tác động mạnh từ tâm lý e ngại giao dịch của rất nhiều nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.
Hiện tại, cái mà nhiều nhà đầu tư thực sự cần là việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn T+2 (thậm chí T+0), thị trường minh bạch, không còn có quá cổ phiếu lởm ngang nhiên tồn tại như hiện nay, sự nỗ lực tổ chức lại các CTCK...
Nhưng những mong đợi chính đáng như vậy lại được đáp ứng khá chậm chạm.
Việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 đã được lên kế hoạch vài năm nay và là đòi hỏi của cả thị trường 11 năm qua (TTCK Lào mới thành lập nhưng đã áp dụng ngay từ đầu) nhưng cho tới giờ theo nhiều nguồn tin thì giải pháp này vẫn không thể thực hiện. Hơn thế, UBCKNN vẫn chưa thể có công bố chính thức cuối cùng về giải pháp này.
Mà rõ ràng thanh khoản là một điều rất tốt cho thị trường. Trong khi rút ngắn thời gian thanh toán là giải pháp nhanh nhất đẩy mạnh thanh khoản.
Việc thanh lọc các cổ phiếu lởm, CTCK yếu kém... đang diễn ra chậm chạm. Với sự chậm như thế này, một câu hỏi được đặt ra là trong năm nay, có CTCK nào bị buộc phải sáp nhập, giải thể hay không? Hay là cuối cùng, trừ những công ty gần như đã rút hẳn khỏi thị trường và những công ty đang thoi thóp, thì còn lại những con bệnh ốm yếu bệnh tật vẫn sẽ vượt qua được hết kỳ sát hạch của cơ quan chức năng? Số lượng 100 CTCK vẫn được giữ như cũ với một thị trường như hiện nay?
Hàng loạt các công ty làm ăn thua lỗ triền miên rồi cũng sẽ thoát án hủy niêm yết một cách thần kỳ. Hay những sai phạm chồng chất về vi phạm công bố thông tin, giao dịch mờ ám... nhưng chỉ bị xử lý hành chính nhẹ nhàng với các mức phạt 20, 60, 80 triệu đồng như tại SHN, AGC, NLC, SSS, THV, TTCK vài ngày qua?
Gần đây nhất, dư luận khá bất bình với việc ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã SHN - HNX) đã bán 200.000 cổ phiếu SHN trước ngày công bố thông tin đăng ký bán. Chính vị chủ tịch này sau đó đã công bố SHN đang đứng trên bờ vực phá sản và hơn 6.000 cổ đông có nguy cơ mất vốn. Thời điểm công bố ông Long còn giữ rất ít cổ phiếu SHN. Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội sau đó đã phạt ông Long 40 triệu đồng theo quy định.
TTCK gần đây hồi phục khá ấn tượng do niềm tin của giới đầu tư đã tăng trở lại sau khi nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Niềm tin vào thị trường đã khiến kênh dẫn vốn cho nền kinh tế này sống động trở lại. Tuy nhiên, nếu có gì bất ổn, niềm tin bị mất đi thì thị trường cũng có thể rơi vào tình trạng èo uột như cả năm 2011, cho dù hiện tại dòng tiền vẫn đang loanh quanh ở trong các tài khoản chứng khoán.
Theo VEF