Cơ quan CSĐT - Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Thụ, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp - Thương mại Thái Sơn (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) - Hải Phòng, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên tổng giám đốc Công ty Thái Sơn; Dương Hoàng Sơn, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Sắt thép Thanh Sơn (công ty “con” của Công ty Thái Sơn), cũng bị khởi tố cùng tội danh.
Thành danh từ nghề buôn phế liệu
Những năm 1990, nhiều người ở Hải Phòng đã phất lên như diều gặp gió nhờ nghề phá dỡ tàu cũ. Thấy nhanh làm giàu, ông Phạm Văn Thụ đã chọn nghề này. Lúc đầu, ông chỉ là thu mua sắt thép phế liệu của các doanh nghiệp (DN) phá dỡ tàu cũ. Đến năm 1995, khi có vốn, ông Thụ thành lập Công ty TNHH Thái Sơn với các ngành nghề: buôn bán tư liệu sản xuất, kim khí, điện máy; kinh doanh sắt thép, phế liệu, phương tiện vận tải thủy, bộ. Đầu năm 2000, nhờ cơn sốt phôi thép, giá thép tăng nên ông vớ bẫm, nghiễm nhiên lọt vào hàng “đại gia” ở đất cảng.
Trụ sở Công ty TNHH Công nghiệp - Thương mại Thái Sơn
Năm 2007, ông Thụ lấn sân lĩnh vực đóng mới tàu thủy, bằng việc đầu tư một nhà máy đóng tàu trọng tải 12.000 tấn tại xã Lê Thiện, huyện An Dương - Hải Phòng. Cũng ngay sau đó, ông Thụ lại bắt tay xây dựng một nhà máy sản xuất phôi thép tại xã Nam Sơn, huyện An Dương.
Hơn 10 năm kể từ khi bắt tay gây dựng cơ nghiệp, ông Thụ đã tạo được uy tín với hàng chục tổ chức tín dụng. DN của ông Thụ cũng được bình chọn là một trong 500 DN lớn của Việt Nam, được đánh giá là một trong những DN xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất cả nước.
13 tổ chức tín dụng sập bẫy
Tuy nhiên, năm 2010, khi ngành phá dỡ tàu cũ cùng ngành sản xuất thép, ngành đóng mới tàu thủy bắt đầu có dấu hiệu đi xuống thì những khu nhà xưởng, những trang thiết bị của hàng loạt các nhà máy được xây dựng trên nguồn vốn ngắn hạn trở thành gánh nặng với ông Thụ. Tình hình tài chính của Công ty TNHH Thái Sơn sa sút nghiêm trọng.
Để duy trì các nhà máy, nhất là các nhà máy đóng tàu, nhà máy sản xuất phôi thép, thép định hình, ông Thụ với sự giúp sức của Phạm Hải Thanh, Dương Hoàng Sơn đã chỉ đạo một số DN thành viên hoạt động trong lĩnh vực thương mại lập hồ sơ vay vốn ngân hàng (NH) để nhập khẩu sắt thép, sau đó chiếm dụng vốn nhằm lấy tiền duy trì hoạt động các nhà máy, trang trải các khoản nợ ngắn hạn. Số tiền vay ngắn hạn, vay thương mại lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.
Đến khoảng tháng 8-2011, 13 NH, trong đó 6 NH có chi nhánh tại Hải Phòng, đã xếp Công ty TNHH Thái Sơn và những công ty “con” của công ty này vào dạng “con nợ xấu”, buộc ngừng cho vay. Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ, các NH phát hiện mình đã bị đại gia đất cảng lừa. Theo đó, hầu hết những hợp đồng tín dụng do các DN thành viên của Công ty Thái Sơn lập ra đều dựa trên khối tài sản ảo, thấp hơn nhiều lần thực tế. Thậm chí, cùng một tài sản nhưng ông Thụ đưa đi thế chấp tại nhiều NH. Đến thời điểm này, Công ty Thái Sơn có ít nhất 8 DN thành viên được ông Thụ sử dụng như bức bình phong để tiếp cận các NH.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ trong thời gian ngắn, từ đầu tháng 8-2011 đến nay, đã có gần 200 lượt tổ chức tín dụng, NH tra cứu thông tin quan hệ tín dụng của Công ty Thái Sơn và các DN thành viên tại NH Nhà nước Việt Nam. Cũng nhờ những thông tin về nợ xấu mà không ít NH đã dừng cho vay hoặc khước từ cho vay vốn đối với công ty này.
Ngân hàng dễ dãi cho vay
Ngày 10-8, ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết trước tình hình nghiêm trọng của Công ty Thái Sơn, UBND TP Hải Phòng đã có cuộc họp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để nghe báo cáo, đưa ra giải pháp khắc phục, giải quyết.
Một lãnh đạo của UBND TP Hải Phòng cho rằng để xảy ra vụ việc trên một phần là do các NH dễ dãi khi xét duyệt hồ sơ cho vay vốn, năng lực thẩm định kém, không kiểm soát chặt chẽ tài chính cho vay.
|