Sự kiện hot
6 năm trước

Đại gia Hưng Lộc Phát có “gài bom” khách hàng?

Mặc dù chưa đủ các điều kiện để đưa vào kinh doanh bất động sản theo quy định của luật pháp hiện hành, thế nhưng chủ đầu tư dự án Green Star Sky Garden (Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát) đã tiến hành giao dịch để huy động vốn.

Nếu không cẩn trọng, khách hàng có thể rơi vào tình trạng đem con bỏ chợ, thậm chí là tiền mất tật mang.

Huy động vốn trái luật?

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, tình trạng lách luật huy động vốn ở lĩnh vực bất động sản diễn ra tràn lan. Nhiều dự án nhiều "không", không giấy phép xây dựng, không có chứng thư bảo lãnh ngân hàng, không được đưa vào danh sách nhà ở hình thành trong tương lai, không móng… được các chủ đầu tư rao bán trái luật bằng các hợp đồng với tên gọi, đặt cọc giữ chỗ, hợp tác đầu tư…

Tại dự án Green Star Sky Garden, chủ đầu tư là Công ty Hưng Lộc Phát dù mới ép cọc thử tải và chưa có giấy phép xây dựng nhưng các sàn môi giới đã tiến hành chào bán, nhận cọc, giữ chỗ với mức 50 triệu đồng/ căn hộ. 7 ngày sau thời gian giữ chỗ, khách hàng sẽ phải đóng tiếp 10% giá trị căn hộ.

Việc “xé rào” huy động vốn đưa khách hàng vào cuộc chơi mang tính may rủi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hệ luỵ
Việc “xé rào” huy động vốn đưa khách hàng vào cuộc chơi mang tính may rủi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hệ luỵ

Trong vai khách hàng, chúng tôi liên hệ đến các địa chỉ quảng cáo thì được nhân viên môi giới mời chào với những hứa hẹn hết sức hoa mỹ, dự án sẽ sinh lời nhuận theo các kì mở bán tiếp theo. Đồng thời, lý giải cho việc xé xào bán lúa non, nhân viên này cho rằng chỉ cần quy hoạch 1/500 là đủ, vì tất cả các dự án bây giờ đều đưa ra thị trường theo kiểu lách luật bán lúa non.

Ghi nhận của PV cho thấy, khác với vẻ mỹ miều qua phác thảo của môi giới và trên các trang quảng cáo, dự án hiện tại là những tấm tôn được vây kín, bên trong chỉ là công trình đang có công nhân ép cọc, thử tải nhưng để xong phần móng phải mất rất nhiều thời gian. Điều đáng nói là dự án hiện đang trong quá trình xin được cấp phép xây dựng.

Ông Trương Công Nam – P.Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, dự án Green Star Sky Garden của chủ đầu tư Hưng Lộc Phát được phê duyệt gồm 2 khối nhà cao tầng và thấp tầng. Khối cao tầng gồm 2 block A và B với 924 căn, khối thấp tầng 47 căn. Đã có phê duyệt 1/500 và hiện chưa được cấp phép xây dựng. Còn việc đã mở bán các đợt cho khách hàng thì thanh tra sẽ ghi nhận theo phản ánh và xác minh để có cách xử lý.

Theo Điều 55-Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh (Luật kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13) phải có: “Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.

Nhiều rủi ro cho khách hàng

Theo luật sư Trương Thành Thiện, Đoàn luật sư TP.HCM, luật Kinh doanh bất động sản đã quy định khá rõ, chỉ khi nào dự án làm xong móng, xong hạ tầng và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng tránh những rủi ro đáng tiếc khi các công ty bất động sản kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”, đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Tuy nhiên thực tế, nhiều chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, xem thường pháp luật đã làm liều huy động vốn bất chấp. Đây có thể là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án thời gian qua dù thu tiền đến 95% giá trị căn hộ nhưng không giao được nhà cho khách hàng. Thậm chí nhiều chủ đầu tư còn đem dự án đã bán cho khách hàng mang cầm cố ngân hàng, khiến người mua nhà điêu đứng

Với việc thực hiện chữ ký trên hợp đồng “bán lúa non”, chủ đầu tư đã đẩy phần "chuối" về khách hàng. Nếu trường hợp xảy ra sự cố, những đơn vị cố tình lật lọng, người dân sẽ phải đối mặt với viễn cảnh “trầy vi tróc vảy”, kiện tụng kéo dài, thậm chí tiền mất tật mang.

Vụ bán nhà trên giấy, gây ra hàng loạt xôn xao, ảnh hưởng đến thị trường tại TP.HCM trong những năm vừa qua đơn cử như chung cư Gia Phú (68-72 Lê Văn Chí, P. Linh Trung, Q.Thủ Đức). Khó tin, chủ đầu tư lấy 1 căn hộ bán cho nhiều người. Sau đó, chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính, và dự án rơi vào cảnh đóng băng, đẩy người mua vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Tại chung cư Tân Bình Apartment, cư dân đã phải đi cầu cứu khắp nơi vì sau khi ký hợp đồng mua bán, chung cư “bỗng dưng” mọc thêm tầng, và kéo dài hàng năm liền không thể giao nhà vì vướng khiếu kiện. Nhận được đơn cầu cứu của người dân cũng như sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành phải tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, sở dĩ việc xé rào để huy động vốn trái luật là do các chủ đầu tư vận dụng thời cơ lúc thị trường bất động sản đang ăn nên làm ra. Nếu đợi hoàn chỉnh đôi khi sẽ mất cơ hội chiến lược. Thế nhưng, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc lách luật này phần lớn đẩy rủi ro về phía khách hàng. Đối với những chủ đầu tư tiềm lực tài chính yếu, hoặc gặp lúc sa cơ lỡ vận, thì khách hàng có kêu trời cũng không thấu, bởi pháp luật hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để răn đe đối với doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Tiểu Vũ
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: