Từ việc sang nhượng, mua bán trái phép 68,2ha đất rừng của một số hộ dân đã dẫn đến căng thẳng, xung đột “nảy lửa” giữa 29 hộ đồng bào dân tộc ở các xã Ea Kiết, Ea Tar, Ea Hđing, Ea Mroh với Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (Cty Buôn Ja Wầm). Trước diễn biến “nóng” này, lãnh đạo địa phương lại “án binh bất động” vì cho rằng cưỡng chế “rất khó”.
29 hộ đánh dấu lãnh thổ của mình cấm người khác xâm phạm. Ảnh: Quỳnh Anh
Sang nhượng trái phép
Cty Buôn Ja Wầm được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh 8.89,28ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã EaKuêh, Ea Kiết (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Năm 2008, thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc: “Tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng”, Cty Buôn Ja Wầm kết hợp với UBND huyện Cư M’gar tiến hành giải tỏa toàn bộ hoa màu, lều lán đã trồng và xây dựng trái phép trên đất rừng của lâm trường tại lô 2, lô 3 khoảnh 13 thuộc tiểu khu 547A. Lúc này, biết không thể tiếp tục xâm canh trái phép lâu dài trên những diện tích này, một số hộ dân đã tổ chức mua bán, sang nhượng trái phép 68,2ha đất rừng cho 29 hộ đồng bào dân tộc ở các xã Ea Kiết, Ea Tar, Ea Hđing, Ea Mroh với số tiền lên đến 2.043.300.000 đồng.
Sau khi bỏ tiền mua đất, 29 hộ dân tiến hành gieo trồng hoa màu, xây dựng lều lán quyết tâm bám trụ sản xuất trên đất rừng. Phát hiện vụ việc, Cty Buôn Ja Wầm đã tiến hành giải tỏa trong quyền hạn và trách nhiệm của mình. Thực hiện Công văn số 546/SNNNT-CCLN ngày 30/5/2008 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đồng ý cho Cty tổ chức trồng lại rừng bằng cây keo lai giâm hom trên toàn bộ diện tích bị 29 hộ dân lấn chiếm. Đồng thời, cho bà con làm đơn xin nhận khoán trồng rừng và ăn chia lợi nhuận sản phẩm theo hợp đồng.
Hàng chục ha rừng bị cạo trọc, thay thế toàn bắp và hoa màu. Ảnh: Quỳnh Anh
Thế nhưng, việc làm của Cty đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của 29 hộ dân. Bà con đã kéo nhau “dọn sạch” rừng do Cty trồng, thay thế rừng bằng hoa màu. Ông Triệu Tiến Thuận (thôn 2, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) nói: “Năm 2008, tôi từ Đắk Nông lên mua lại đất này của đồng bào người Kinh. Thời điểm mua đất trên địa bàn Buôn Ja Wầm không có bìa đỏ nên tôi không biết vị trí đó nằm trong khu vực do lâm trường quản lý. Vét sạch tài sản mua được miếng đất, giờ lâm trường thu đất sao sống được. Tôi muốn có đất để làm ăn. Cho dù xảy ra chém giết trong rừng tôi cũng chấp nhận”.
Cùng hoàn cảnh với ông Thuận, ông Dương Phúc Tài bức xúc: “Năm 2011, tôi mua lại 3,5 ha với số tiền 220 triệu đồng. Thấy không có tranh chấp gì nên tôi mới mua. Đang sản xuất thì nhân viên của Cty vào phá hoa màu. Nếu lâm trường lấy đất, chúng tôi không có đất để canh tác”.
Với vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ rừng, năm 2012, thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16/3/2012 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh, Cty lại tiến hành giải tỏa lều lán, phá bỏ hoa màu để trồng rừng. Điều này đã khiến căng thẳng và xung đột với người dân trở nên nghiêm trọng hơn khi 29 hộ dân ra sức chống đối.
Đỉnh điểm là vụ 22 người dân vây đánh nhân viên của Cty khi đang làm nhiệm vụ. “Người dân thực sự hung dữ, họ không những chửi bới mà còn dùng đá ném vào chúng tôi. Đợt đó tôi may mắn chạy thoát, nhưng anh Thành đồng nghiệp tôi thì bị đánh phải nhập viện”, anh Nguyễn Văn Hà, nhân viên của Cty cho biết.
Ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Buôn Ja Wầm xác nhận: “Vụ việc kéo dài đã nhiều năm, Cty dù rất nỗ lực để giữ rừng nhưng người dân quá cố chấp. 4 lần họp dân, có UBND huyện và xã đứng ra tuyên truyền, giải thích nhưng dân không những không nghe mà còn cố ý xây dựng nhà ở kiên cố. Đến nay, các hộ trên đã dựng 19 nhà lợp bằng tôn, còn cắm bảng đánh dấu lãnh thổ của 29 hộ cấm mọi người xâm phạm”.
Huyện “khó” thực hiện chỉ đạo của tỉnh
Trước diễn biến phức tạp và xung đột ngày càng lớn giữa Cty Buôn Ja Wầm với 29 hộ dân, ngày 3/6/2013, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 3257/UBND/NN&MT về việc giải quyết đơn khiếu nại của 29 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Cư M’gar thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc mua bán, sang nhượng trái phép để kiểm tra, xử lý theo quy định, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân cũng như sớm giao trả diện tích đất để Cty Buôn Ja Wầm tiếp tục quản lý, sử dụng theo quy định.
Rừng bị người dân đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: Quỳnh Anh
Tiếp đến, ngày 29/4/2014, UBND tỉnh tiếp tục ra Công văn số 2867/UBND-NNMT giao UBND huyện tổ chức cưỡng chế, giải tỏa diện tích đất rừng do 29 hộ lấn chiếm, sang nhượng trái phép. Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, lệnh cưỡng chế vẫn còn nằm trên giấy. Chính quyền huyện chưa có động thái nào để chấm dứt tình trạng trên.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Chỉ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar bày tỏ: “Thực hiện cưỡng chế theo Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ cùng Chỉ thị 03/CT-UB của UBND tỉnh về xử lý vi phạm về phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh, huyện không thể thực hiện cưỡng chế…”.
Cũng theo ông Chỉ, muốn cưỡng chế hành chính phải có biên bản xử lý vi phạm, xử phạt hành chính. Việc bắt quả tang họ phá rừng để xử lý vi phạm là bất khả thi. “Không chỉ có huyện tôi mà tất cả các huyện đều đau đầu khi vướng phải điều này. Nhổ bỏ cây trồng thì còn có thể, chứ cưỡng chế thì rất khó. Tỉnh giao nhưng chúng tôi… chưa tiến hành được”, ông Chỉ khẳng định.
Quỳnh Anh
theo Thanh tra