Dù Hà Nội chưa xuất hiện nhiều và chưa công bố dịch cúm gia cầm nhưng, người dân Hà Nội tự bảo vệ mình bằng cách "bài trừ" thịt gia cầm.
Dù Hà Nội chưa xuất hiện nhiều và chưa công bố dịch cúm gia cầm nhưng, người dân Hà Nội tự bảo vệ mình bằng cách "bài trừ" thịt gia cầm.
Rắc rối khi thiếu thịt gà
Hơn một tuần nay, gia đình Hồng Trang (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) không sử dụng thịt gia cầm làm thức ăn. Trang cho biết, con trai mình mới được 6 tháng tuổi, vẫn bú sữa mẹ. Nghe thấy bảo có dịch cúm gia cầm và một số tỉnh lân cận Hà Nội đã công bố dịch nên gia đình mình quyết định không ăn thịt gia cầm. Chỉ có trứng gà mẹ mình nuôi và gửi cho thì mình ăn. Bây giờ ăn vào, nhỡ ra có làm sao thì khổ con nhỏ. Vì thế, bữa cơm nhà Trang quanh đi quẩn lại với thịt bò và thịt lợn.
Cùng tâm trạng lo lắng như Trang, chị Nguyễn Lan Thương, nhân viên công ty bảo hiểm ở Hà Đông đã bài trừ thịt gà, thịt vịt ra khỏi bữa cơm của gia đình từ ba ngày nay. Thương kể, "Hôm cuối tháng cả gia đình tụ tập đi ăn vịt. Mình cũng không đọc báo, nghe đài nên không rõ dịch cúm. Nhưng cách đây 3 hôm, bật ti vi thấy thông báo đang có dịch cúm mới hết hồn vì cả gia đình mới ăn vịt, may là không ai làm sao. Vì thế nên sau hôm đó, cả gia đình mình không ăn thịt gà luôn".
Khó khăn nhất trong việc ăn uống ở nhà Thương là cậu em họ. Từ bé tới giờ em họ Thương chỉ ăn thịt gia cầm, không ăn thịt bò. "Mình bảo em là đợt này chịu khó ăn cơm với thịt lợn vậy. Chứ gà, vịt, ngan cũng lo không dám cho ăn. Ngày xưa, ngày nào không có gà thì em mình không chịu được nhưng giờ đành chịu. Mấy bữa nay ăn cơm ít hẳn đi. Nhưng có thờ có thiêng, có kiêng có lành", Thương tâm sự.
Còn nhà bà Hợp ở ngõ An Sơn, Đại La thì đang ra chế độ "cấm vận" đối với thịt gia cầm. "Hàng ở siêu thị chất lượng tốt, được qua kiểm dịch nhưng mình cũng đề nghị cả gia đình dừng ăn thịt gia cầm trong giai đoạn này. Không ăn thịt gia cầm thì ăn cá, ăn tôm, ăn thịt bò, thịt lợn. Bây giờ mọi người đi chợ, không ai mang gia cầm về nhà, đến trứng gà, trứng vịt mình cũng không cho ai ăn cả. Lo hơi xa nhưng việc đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình là quan trọng nhất", bà Hợp nói.
Ế hàng
Theo chị Lan, tiểu thương bán vịt, ngan sống tại chợ Vĩnh Tuy khoảng hơn tuần nay chị bán hàng ít hẳn. "Vịt, ngan của mình đảm bảo, không ốm nhưng bà con cũng không ăn. Vịt đã giảm xuống 60.000 đồng/kg cũng không thấy có người hỏi đến. Trước đây 70.000 đồng/kg còn không có vịt bán. Dịch cứ kéo dài thì không biết bán hàng thế nào", chị Lan lo lắng.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết người dân dù không biết gia cầm có bị dịch bệnh hay không nhưng cũng đã hạn chế sử dụng. Bà Bùi Thị Phượng (Nguyễn Khuyến, Hà Đông) cho biết, mình cứ ra chỗ người quen, mua gà còn đang sống rồi bảo họ làm thịt luôn. Về nhà nấu chín lên thì chắc cũng chẳng có vấn đề gì. Nhưng thấy mấy bà hàng xóm cũng không ăn thịt gà, thịt vịt nữa nên tôi cũng dừng không mua.
Bán hàng tại chợ cóc gần trường Tiểu học Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, chị Ngọc ngồi trước bàn thịt gà còn đầy nguyên. 10h30 phút sáng, chỉ duy nhất có hai chiếc cánh gà được bán cho khách. Vừa cắn hạt hướng dương, chị Ngọc vừa chỉ vào bàn thịt: "Đấy, từ sáng có ai hỏi mua đâu. Mấy ngày trước, đến giờ này là chẳng còn gì nhưng sáng nay hạn chế, chỉ làm 4 con để bán mà cũng không ai hỏi mua mấy. Đến chiều tối còn thịt chắc lại phải mang sang cho mỗi người họ hàng một ít để mọi người ăn giúp".
Cũng theo chị Ngọc, tình trạng này không chỉ quầy hàng của chị mà hầu hết những người bán gia cầm tại khu vực này và những khu chợ cóc xung quanh. Mọi người bảo nhau, lượng bán ra chỉ bằng khoảng 30% so với trước, giá gà đã giảm so với trước nhưng khách hàng cũng không mặn mà.
Tại chợ Thành Công, các tiểu thương ở đây cũng đang kêu la vì hàng hóa ế ẩm. Chị Mai (quê Vĩnh Phúc), một tiểu thương bán hàng ở đây khoảng chục năm tâm sự, mấy người quen hay mua hàng của mình, vốn tin tưởng chất lượng gà nhà mình mấy hôm nay không thấy mua. Sáng sớm, có vài người đến hỏi mua gà, lật đi, lật lại, đắn đo vứt lên bỏ xuống, cuối cùng lại đi mua thức ăn khác. Ngày xưa mà như thế, chắc đã bị mình mắng cho một trận nhưng bây giờ có dịch bệnh nên cũng chẳng dám nói họ.
Box: Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hà Nội, năm 2011 và từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn Hà Nội chưa có trường hợp bệnh nhân bị mắc cúm A H5N1. Tuy nhiên, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, hơn chục tỉnh đã công bố dịch, 9 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày, ngành y tế đã có các biện pháp phòng chống chủ yếu lây lan từ gia cầm sang người. Ngành y tế giám sát chặt chẽ việc viêm phổi, vi rút cấp tính... ở các cơ sở y tế và bệnh viện trung ương, bộ, ngành, thành phố, huyện. Nếu phát hiện trường hợp nào nghi cúm chúng tôi sẽ bao vây và xét nghiệm ngay và khoanh vùng xử lý. Hiện tại, ngành thú y đang tiêu trùng khử độc để phòng bệnh từ xa.
Theo VEF