Sự kiện hot
7 năm trước

Dân khu nhà 1.000 tỷ ở Bình Chánh lý giải chuyện căn hộ tái định cư ế

Cách quá xa nơi ở cũ, thiếu việc làm, hạ tầng chưa hoàn thiện… là các lý do khiến người dân không mặn mà với khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Khu nhà này vẫn đang ế cả nghìn căn hộ.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) được khởi công từ năm 2008, đưa vào sử dụng năm 2011 trên diện tích 30,9 ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư với 1.939 căn hộ, do Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp Đô thị TP HCM làm chủ đầu tư. Đây là nơi bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc chương trình nâng cấp đô thị và các dự án của thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân diện giải tỏa của thành phố. Ảnh: Phúc Minh.

Dự án phục vụ nhu cầu nhà ở cho các hộ dân tại các quận bị giải tỏa trong chương trình nâng cấp đô thị và các dự án của thành phố. Theo ghi nhận của Zing.vn, hiện các công trình phục vụ nhu cầu người dân tại khu tái định cư này khá đầy đủ, từ siêu thị, trường học, công viên cây xanh, đường nội bộ trải nhựa… Tuy nhiên, cư dân sống ở đây vẫn “kêu trời”.

Cứ nghĩ bị… mang con bỏ chợ

Gia đình ba thế hệ gồm 11 người của bà Mã Kim Hoa (58 tuổi) ở lô A2.10 là một trong số ít những hộ đầu tiên dọn về khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Với diện tích 49 m2, căn hộ của bà Hoa nằm (ở tầng 1) chật kín với giường, ghế và nệm làm chỗ ngủ cho gia đình rất đông thành viên này.

Ban ngày, đây là nơi tá túc của 6 người già hơn 50 tuổi còn ban đêm trở thành chỗ nghỉ ngơi của hơn chục người sau một ngày học tập và làm việc. Bà Hoa cho hay: “Hồi đó sống ở trung tâm thành phố, nhà nhỏ nên giờ tôi cũng quen. Điều khiến tôi khó chịu nhất là cứ nghĩ mình bị rơi vào cảnh bị mang con bỏ chợ khi về nhà mới”.

Bà kể ngày trước, gia đình sống rất thoải mái bằng nghề bán hủ tiếu trong một căn nhà nhỏ ở chợ Nancy, quận 1. Tuy nhiên, từ khi dọn về đây, bà không thể tiếp tục công việc cũ mà chỉ có thể ngồi ở nhà, chờ đồng lương phụ cấp hàng tháng của các con.

“Ở trung tâm thành phố, chỉ cần cái rổ cũng có đồng ra đồng vô mỗi ngày. Bây giờ, đi ra đi vô còn không gặp ai làm sao mà buôn bán được. Hồi đó lúc mới về đây, tôi cũng có ý định bán lại hủ tiếu, nhưng thấy nhiều người bỏ cuộc vì cả tháng trời mà mỗi ngày chưa được chục tô nên phải nghỉ”, bà ngậm ngùi.

Gia đình 11 người của bà Mã Kim Hoa sống chen chúc trong căn hộ 49 m2 tại chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B. Ảnh: Phúc Minh.

Vì quen với công việc cũ nên hàng ngày, một người con của bà Hoa vượt hơn chục cây số lên chợ Nancy để bán đồ chơi trẻ em. Đường xa và chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng mỗi ngày nhưng chị vẫn phải sáng đi, tối về bởi ở chỗ mới không biết làm gì ra tiền.

Không chỉ riêng bà Hoa, nhiều gia đình khác cũng lâm vào cảnh không biết làm gì, hoặc quay trở lại làm việc ở trung tâm thành phố khi dọn về nhà mới. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (46 tuổi), sống ở lô A2.3 dời về khu tái định cư này năm 2015. Về nhà mới đã được ba năm, hàng ngày bà vẫn đạp xe quay ngược trở về quận 5 để tiếp tục công việc của mình, là giúp việc nhà.

“Do không đi xe buýt được nên tôi phải đạp xe đi làm. Mỗi ngày mất gần hai tiếng để đi nhưng cũng phải ráng, chứ ở đây đâu biết phải làm gì ra tiền đâu”, bà Hạnh cười.

Thừa nhà, đủ trường nhưng thiếu nhiều thứ

Điều duy nhất khiến bà Hạnh hài lòng ở khu tái định cư là hệ thống trường lớp đầy đủ các cấp học. Bà có thể đưa con gái 5 tuổi đi mẫu giáo gần nhà mà không cần phải vào trung tâm.

Theo báo cáo gần đây của UBND huyện Bình Chánh, hiện chỉ có 479 hộ dân di dời đến ở tại khu tái định cư (đạt 24,7%), được phân bổ không tập trung trên 23 lô và vẫn còn 22 lô bỏ trống giữa hệ thống hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, thiếu trước, hụt sau.

Tại các lô chung cư không người ở, rong rêu bám đầy tường, cỏ hoang mọc khắp lối đi, rác thải cũng không người dọn dẹp, đáng chú ý là nhiều cống mất nắp nhưng vẫn chưa được thay lắp. Các tòa nhà chung tình trạng xuất hiện vết nứt, kính vỡ, tầng trệt hư hỏng.

Bà Mã Kim Hoa cho hay: “Tôi khá lo lắng với tình hình an ninh ở đây. Bởi cả khu tái định cư diện tích rất rộng nhưng số người ở không nhiều. Ban đêm nếu đi ngoài đường có chuyện gì xảy ra cũng không biết kêu ai”.

22 lô chung cư bỏ hoang, không người ở khiến cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Phúc Minh.

Ngoài ra hiện nay, nước sinh hoạt của chung cư bẩn, có màu vàng không thể dùng để nấu ăn được. Bà và các hộ dân phải lọc thủ công bằng cách sử dụng một miếng vải bịt đầu vòi chảy.

“Chỉ xả nước dùng một chút là miếng khăn đổi màu ngay”, bà chỉ tay vào bếp.

Trong khi đó, bà Ba, sống cùng chồng và cháu nội mới hơn 1 tuổi trong căn hộ tại lô A2.10, khá điềm đạm khi nói về các mặt được và hạn chế của nơi ở mới. Theo bà, mình chấp nhận di dời nên từ từ sẽ thích nghi với cuộc sống mới. Dù không được làm việc như trước đây, bà vẫn cảm thấy thoải mái bởi sự yên tĩnh, phù hợp với tuổi già.

“Ở đây có đủ điện, đường, trường nhưng tôi thấy thiếu trạm y tế. Bọn trẻ nhà tôi thấy xa nên đã ở lại hết trên trung tâm thành phố, chỉ có người già tụi tôi về đây. Người già thì bệnh tật liên miên, bất thình lình. Tôi chỉ mong sao có được thêm trạm y tế phục vụ bà con lúc ốm đau, bệnh tật”, bà Ba cho hay.

Lô chung cư của bà mới chỉ có hơn chục hộ vào sinh sống nhưng đã có hơn chục người già, hàng ngày họ giữ cháu cho các con đi làm. Người phụ nữ đã ngoài năm 50 này còn mong muốn có được một việc làm phù hợp, để người già được vận động tay chân.

Bỏ trống nhiều năm, các căn hộ bắt đầu xuống cấp, hư hỏng và bị phá hoại. Ảnh: Phúc Minh.

Bán đấu giá 1.000 căn hộ tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 – 2020 của TP HCM vừa công bố cho biết TP HCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất tái định cư dôi dư.

Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm (thậm chí một số dự án không bố trí được), chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Cụ thể, khu tái định cư Vĩnh Lộc B dự kiến đầu tư là 2004 – 2005, nhưng tiến độ chậm, làm tăng phát sinh tối thiểu 519 tỷ đồng, bằng 195,7% tổng mức đầu tư ban đầu.

Tính đến 28/11/2017 (hơn 7 năm sau khi hoàn thành), dự án mới bố trí được 479/1.939 căn hộ, đạt 24,7%. Ngoài việc xây dựng quá nhiều căn hộ thì nguyên nhân bố trí tái định cư không đạt là người dân không chấp nhận phương án chính quyền đưa ra (quá xa, hạ tầng kết nối chưa hoàn chỉnh, khu vực tái định cư khó kiếm việc làm, phát sinh khiếu kiện kéo dài…)

Không có người ở thời gian dài làm công trình xuống cấp trầm trọng. Các hạng mục siêu thị, bệnh viện, trường học đã hoàn thành cũng không hoạt động được, gây lãng phí ngân sách. Công trình ngày một hoang hóa trong khi ngân sách vẫn phải chi cho việc quản lý, vận hành.

Tại buổi họp báo định kỳ ngày 16/3 vừa qua, lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cũng thông tin TP HCM còn gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư để trống, sẽ sử dụng hơn 5.200 căn hộ và nền đất tái định cư bán đấu giá, trong đó có 1.000 căn tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B.

Phúc Minh
Theo Zing

Từ khóa: