Không chỉ gương mặt xinh xắn, sáng sân khấu, Vân Anh còn có đài từ đầy đặn, nét diễn đằm thắm - đều là những điểm sáng hứa hẹn cho chặng đường dài của cô đào hãy còn... non này.
Không chỉ gương mặt xinh xắn, sáng sân khấu, Vân Anh còn có đài từ đầy đặn, nét diễn đằm thắm - đều là những điểm sáng hứa hẹn cho chặng đường dài của cô đào hãy còn... non này.
Diễn viên Hoàng Vân Anh - Ảnh: H.T.T.
Hợp lý (với ngoại hình thấp bé) và hợp tình (đàn em mới ra trường bên cạnh những đàn anh đàn chị gạo cội), những vai diễn đầu tiên của Vân Anh trên sân khấu đều gắn với hình tượng "non" và "nhí". Từ Mayumi trong Mùa đông cuối cùng, cô bồ nhí trong Trần gian phải có tình yêu, đến Thu trong Không cần đàn ông, Duyên trong Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em... đều là Vân Anh trong sáng, khờ khạo, có đanh đá, quỷ quyệt cũng chỉ là "trò" của một cô gái mới vào đời
Ngay cả trong vai bà Kim thời trẻ (Người trong cõi nhớ) với tâm tư vừa quyết liệt, vừa dằn vặt vì hận thù trong lòng là một trải nghiệm đáng quý khác, nhưng cũng chỉ mới giúp Vân Anh tiến thêm một bước và dừng lại ở mức vượt khó, chứ chưa để lại dấu ấn.
Có điều gì đó nằm ngoài những nỗ lực - cô cũng như những cô đào trẻ mới vào nghề khác - vừa háo hức xông pha, vừa chưa có đủ độ chín, vốn sống để đạt độ chín cần thiết cho những vai diễn "thoát xác" của mình.
"Cuộc sống từng ngày qua đi đều giống nhau, không ghi lại được trải nghiệm nào quý giá cho cuộc đời mình" - NSƯT Thành Hội có lần đã nhận xét vậy về thế hệ diễn viên trẻ học trò xung quanh anh. Hình như lỗi không hoàn toàn ở sự thụ động của họ, mà còn ở cả môi trường sống an nhàn, có phần dễ chịu, làm thui chột tinh thần phấn đấu và sự quyết liệt với lựa chọn của mình.
Dễ hiểu khi có lần muốn làm người lớn, "cô đào non" đã chủ động xin mẹ ra riêng, thuê nhà ở với bạn, tự chăm sóc miếng ăn giấc ngủ của mình. Chuyến đi gây bất ngờ cho gia đình, bạn bè xung quanh và cả chính bản thân của cô gái vừa mới qua tuổi hai mươi. Không có sóng gió gì ngoài việc bị chủ nhà cấm về khuya, không dài ngày, không thiếu thốn, vất vả... nhưng ít ra đã giúp được Vân Anh một điều, cô tin rằng mình có thể làm được những việc không giống với mình từ trước đến nay - ý thức đủ để "đào non" dạn dĩ hơn khi sống những cuộc đời khác, dày dạn hơn trên sân khấu.
Có lẽ, chính lựa chọn trở thành một diễn viên kịch nói của Vân Anh cũng cho cô một thử thách đáng kể. Bởi để ở lại "thánh đường" giữa thời sân khấu khó khăn, cô phải trả lời được cho mình những câu hỏi: Làm sao để không dừng lại ở mức một diễn viên "xinh xinh"? Làm sao để đủ nghị lực "đấu vật" cho mỗi vai diễn mới? Làm sao sống được với nghề?...
Năm ngoái, Vân Anh còn vừa dùi mài đóng kịch ở sân khấu, vừa hăng hái cắp tráp đi diễn kịch ở quán cà phê, vừa làm công việc casting tại một công ty quảng cáo để đảm bảo cuộc sống. Nhìn bạn bè cùng trang lứa, các hot girl "nổi như cồn", cô cười không lạc quan lắm: "Mình chọn nghề này rồi thì phải đi thôi, cũng chưa biết sẽ đến đâu".
Năm nay sự nghiệp diễn xuất sáng sủa hơn, cô đi từ những cơ hội với kịch truyền hình, phim ngắn, kịch ngắn... và bây giờ là vai chính trong phim truyền hình Tay chơi miệt vườn (sắp phát sóng), toại nguyện ước mơ được nhận vai chính trên sân khấu kịch.
Những ngày lên sàn tập cho Mận của Tục lụy, cô gần như "bay" trên trường quay và sàn tập, vì "không muốn để lỡ một cơ hội nào đến với mình, đặc biệt là sân khấu".
Với vai diễn nặng ký đầu tiên trên sân khấu kịch chuyên nghiệp lần này, người xem đã chứng kiến "cô đào non" tập tễnh làm một "bà mẹ trẻ" - một cơ hội quan trọng để cô hiểu lòng mẹ và bắt đầu chặng đường mới trong sự nghiệp của mình.
Nhiều lời khen và nhiều cả những góp ý, phê bình cho vai diễn mới này khiến "cô đào non" còn phân vân chưa biết mình có thật sự làm tốt không. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, lần đầu tiên cô đã có được cảm giác "đã đời" với một vai diễn. Qua hình ảnh Mận ngổn ngang trăm mối - ôm con trong lòng, nghe tiếng khóc đòi sữa bên tai, trước mặt là người yêu đi lính trở về, "đào non"đang dần lớn lên thì phải...
Xuất hiện bên cạnh Ái Như hay những diễn viên đàn chị khác tại sân khấu Hoàng Thái Thanh như Tuyết Thu, Hồng Ánh, Tuyết Mai, Kim Ngân..., Vân Anh chỉ có một lợi thế duy nhất là tuổi trẻ.
Còn nhớ khi ở vai diễn thứ hai trên sân khấu kịch chuyên nghiệp (vai Mayumi trong Mùa đông cuối cùng), cô gái 20 tuổi còn phải "lăn lộn" với hình tượng cô gái bán hoa người Nhật. Từ đọc sách, xem đàn chị diễn, đến diễn kịch một mình, diễn cho bạn bè xem trước khi lên sàn tập mà vẫn không làm vừa lòng cô Như (Ái Như là đạo diễn của vở này).
Kết quả của gần một tháng trên sàn là Vân Anh bị cắt... nửa vai (nửa còn lại dành cho Hoài Thương, cô bạn học cùng khóa). Có lẽ đó là kỷ niệm "đau thương" đầu đời cũng là "đau thương" nhất trong nghề diễn của cô "đào non" đến thời điểm này.
Vân Anh đã đi qua những vai xuất hiện năm phút, đến vai phụ, thứ chính... Dù rất khắt khe với Hoàng Vân Anh, nhưng Ái Như cũng phải thừa nhận đây là cô gái có tố chất và ngoại hình sinh ra để làm... đào. Và chị, trong cả vai trò đồng nghiệp và cô giáo, từ cánh gà sân khấu hằng đêm vẫn theo dõi học trò diễn. Khi Vân Anh đã bước vào những suất diễn trước khán giả thật sự, thì chính nữ đạo diễn kiệm lời khen này cũng phải thừa nhận: "Tuy còn chậm, nhưng đây là một cô đào sáng sân khấu và... có sức hút". Hoàng Tuyên
|
Đỗ Duy
theo Tuổi Trẻ