Đất Đông Anh và Long Biên - 2 quận ven đô ở Hà Nội - thời gian gần đây liên tục lập mặt bằng giá mới, tuy nhiên, lượng giao dịch lại rất ảm đạm.
Nằm trong vòng xoáy tăng giá đất hai bờ sông Hồng khu vực Hà Nội, bất động sản ở Long Biên và Đông Anh cũng có biên độ tăng đáng kể. Tuy nhiên, không khí giao dịch lại trái ngược, không hề sốt nóng và không mặn mà mua khi mặt bằng giá mới khá cao.
Ông Nguyễn Bắc Tiến - một người dân ở phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thuỵ), một trong những khu vực có giá tăng cao trong quận Long Biên - cho biết, khoảng hơn 4 năm trước, nhiều người vội bán đất khi biết con phố này thuộc diện giải tỏa vì nằm trong quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng.
Tuy nhiên, từ khi có thông tin về dự án quy hoạch đô thị sông Hồng và khu vực phố Bắc Cầu sẽ sớm thành khu dân cư hiện hữu, không thuộc diện phải di dời, giá đất ở đây lại tăng “chóng mặt”. Trước đó, trong ngõ giá 15-20 triệu đồng/m2, nay tăng lên 25-30 triệu đồng/m2, mặt đường phố Bắc Cầu từ 30-35 triệu đồng/m2, nay tăng lên 55-70 triệu đồng/m2 tuỳ diện tích.
Tuy nhiên, trong khi giá tăng vù vù thì theo ông Tiến rất ít giao dịch thành công do mua đất lúc này cao hơn hẳn so với năm ngoái, nhiều người hỏi nhưng không ai mua.
“Giá đất hiện đang sốt ảo, dân buôn cứ đi lùng mua đất, vì thế giá cứ bị thổi lên hàng ngày chứ không phải vì hiếm hay khan hàng. Người hỏi mua cũng có nhưng người mua thực không có mấy. Giá đất tăng chỉ là do "cò" tự đẩy giá lên thôi, không phản ánh nhu cầu thị trường”, ông Tiến nói.
Một môi giới nhà đất ở khu vực này cho biết, giá nhà đất trên phố Bắc Cầu không chung một giá, càng đi sâu vào càng rẻ, đầu phố là đắt nhất vì tiện kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận, hiện giao dịch rất ít.
Xuôi xuống khu vực Thạch Cầu (phường Long Biên), nhiều người dân cho biết, giá đất dao động 30-50 triệu đồng/m2, tùy vị trí và diện tích, tăng hơn trước 5 - 10 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, loại đất này không có nhiều, mà ở Thạch Cầu phần lớn là đất vườn, đất nông nghiệp. Theo tìm hiểu, việc mua bán đất vườn, đất nông nghiệp đều bằng giấy viết tay, giá đất được người dân bán từ 12 - 25 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Tương tự tình hình ở Long Biên, giá đất Đông Anh cũng tăng từ 15 - 30%. Đơn cử, tại xã Hải Bối, đất thổ cư ghi nhận mức tăng 20 - 30 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 40 - 50 triệu đồng/m2. Những vị trí đẹp, nằm gần cầu Thăng Long hoặc khu đô thị Phương Trạch, giá đất thổ cư đã tăng vọt lên 60 - 80 triệu đồng/m2.
Tại Vĩnh Ngọc, khu vực được coi là “đất vàng” của bất động sản Đông Anh, giá đất tăng vọt từ 50 - 55 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 80 - 100 triệu đồng/m2, ngang ngửa với các tuyến đường lớn trong trung tâm Hà Nội.
Tương tự, tại các xã Tầm Xá, Nguyên Khê, giá đất cũng vượt qua ngưỡng 50 triệu đồng/m2 trong khi cách đây 1 tháng, giá giao dịch chưa tới 40 triệu đồng/m2.
Ông Thế Anh, một nhà đầu tư bất động sản kỳ cựu tại Hà Nội tiết lộ, đây không phải là lần đầu tiên, Đông Anh xuất hiện tình trạng “sốt” đất nhờ thông tin quy hoạch. Cách đây hơn 10 năm (2010 - 2011), Đông Anh lần đầu tiên xuất hiện “sốt” đất, khi giới đầu tư tích cực “săn” đất để đón đầu dự án cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù. Tuy nhiên, chỉ tới cuối năm 2011, thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào khủng hoảng, “bong bóng” bất động sản bị vỡ. Giá đất tại nhiều địa phương giảm mạnh, và Đông Anh cũng không ngoại lệ.
Lần thứ hai, Đông Anh xuất hiện “sốt” đất là vào năm 2014 - 2015. Thời điểm này, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân và nhà ga T2 Nội Bài đi vào hoạt động, kích loạt chuỗi tăng giá đất liên hoàn tại khu vực này.
Lần gần đây nhất là vào năm 2019. Trước thông tin Đông Anh được quy hoạch lên quận, cùng hàng loạt dự án bất động sản “khủng” được công bố, đất tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc tăng giá điên cuồng.
Tuy nhiên, cả 3 lần Đông Anh xuất hiện “sốt” đất đều được xác định là “sốt” ảo và giá hạ nhiệt rất nhanh.
Ông Thế Anh khẳng định: "Giá đất Đông Anh trồi sụt liên tục đã làm nhiều nhà đầu tư bị “trầm cảm”: “Đã có người mua giá cao để đầu cơ, nhưng khi thấy giá đi xuống lại có tâm lý sợ lỗ nặng, chấp nhận cắt lỗ càng nhanh càng tốt để hồi vốn. Tuy nhiên, vài tháng sau đất lại tăng, nhà đầu tư lại mua vào. Khi rơi vào cảnh luẩn quẩn đó, nhà đầu tư chỉ có lỗ. Hiện nay, nhiều người thận trọng hơn, không còn mặn mà khi giá tăng hàng ngày, do biết thị trường không nóng như thế. Giá đất nóng chẳng qua là do môi giới tự "thổi" lên mà thôi. Chính điều này khiến thị trường bất động sản Đông Anh rơi vào nghịch lý: người mua ít nhưng giá vẫn tăng nhanh”.
Ngọc Vy
Theo VTC News