4 mảnh 'đất vàng' của Hãng phim truyện VN (VFS) được nhận định có tổng giá trị theo giá thị trường lên đến 2.000 tỷ đồng, nhưng khi cổ phần hóa lại chỉ được định giá 19,7 tỷ đồng.. Mức giá này còn không bằng một căn biệt thự cao cấp.
Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa làm việc trực tiếp với các Bộ liên quan cùng Tổng công ty Vận tải thủy (Vinaso) và đại diện VFS trước đây vào chiều 21/9 và cho biết sẽ đề nghị các Bộ liên quan cùng phối hợp để định giá thương hiệu của hãng phim.
Trước đó, vào sáng 21/9, tại buổi gặp gỡ với báo chí, các nghệ sĩ của VFS trình bày hàng loạt bức xúc trong quá trình cổ phần hóa Hãng. Cụ thể, đạo diễn - NSND Thanh Vân phát biểu rằng việc tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cùng các công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp đưa giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 là một sự "ngu dốt và xúc phạm".
Đạo diễn - NSND Thanh Vân. (Ảnh: VTC News)
Hồi cuối năm 2016, khi việc cổ phần hóa Hãng phim bị các nghệ sĩ phản đối dữ dội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa tại đây, đưa giá trị thương hiệu của Hãng vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định cổ phần hóa. Tuy nhiên, Bộ VHTTDL vẫn giữ nguyên Ban cổ phần cùng với công ty kiểm toán, tư vấn và ban giúp việc, các đơn vị này cam kết sẽ bổ sung nội dung định giá trị thương hiệu của Hãng ở Đại hội cổ đông lần 2 (chưa tổ chức).
Đạo diễn Thanh Vân đánh giá đây là một hành động mang tính đối phó và kiến nghị phải có một đơn vị độc lập, có tầm và có tâm hơn để rà soát lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Việc định giá Hãng phim bằng 0 dẫn đến Vivaso chỉ phải bỏ ra 32,5 tỷ đồng đã mua được 65% cổ phần và trở thành cổng đông chính của Hãng. Giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai mà VFS sở hữu theo giá thị trường lên tới 2.000 tỷ đồng, nhưng trong quá trình cổ phần hóa lại chỉ được định giá 19,7 tỷ đồng. Mức giá này, theo lời của đạo diễn Quốc Tuấn là “còn không bằng giá trị của một căn biệt thự Vinhomes cao cấp”.
Đạo diễn Quốc Tuấn bày tỏ sự tức giận khi phòng biên kịch bị biến thành quán bán chân gà nướng, đạo cụ bị vứt ra đường... Ông cho rằng công ty Vivaso không hiểu gì về điện ảnh, điều này chứng tỏ họ chỉ "nhòm" vào khu đất vàng.
Đạo diễn Quốc Tuấn.
Hội Điện ảnh cũng đưa ra nhận định, đơn vị tư vấn giá trị doanh nghiệp cho hãng phim đã định giá trị thương hiệu, giá trị đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 và được sự đồng ý của Ban cổ phần Bộ VHTTDL. Điều đó dẫn đến khả năng nguồn tài sản khổng lồ thuộc sở hữu Nhà nước nêu trên sẽ bị “tư nhân” chiếm dụng sau cổ phần hóa (trong đó cơ bản là thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp).
Cũng trong buổi sáng hôm qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái thông tin, loại hình phim ảnh rất phức tạp, liên quan đến di sản nên Bộ khá lúng túng khi cổ phần hóa loại hình này. Thời điểm IPO, doanh nghiệp rất khó khăn khi thua lỗ gần 20 năm, nợ tiền thuê đất 21 tỷ đồng, số tiền nợ này sẽ do nhà đầu tư trả sau khi cổ phần hóa xong. Đến nay Hãng phim vẫn chưa cổ phần hóa xong do phải xác định giá trị tài sản lần 2, nhiều tài sản chưa thể đưa vào hết giá trị doanh nghiệp nên phải xin ý kiến các ngành liên quan, dự kiến đến giữa năm sau mới hoàn tất.
Về giá trị các lô đất của VFS, Thứ trưởng còn khẳng định: đúng là có vị trí “đất vàng” song không được như định giá 2.000 tỷ đồng. Bộ đã lấy ý kiến của Cục quản lý công sản Bộ Tài chính, xác định đất thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Còn vấn đề giá trị thương hiệu của Hãng phim, đơn vị tư vấn xác định theo Nghị định 59 gồm chi phí quảng cáo, đào tạo... khi doanh nghiệp không lỗ trong 5 năm; giá trị lịch sử truyền thống thì chưa tính được nên cần xác định thêm.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là việc định giá giá trị tài sản của Hãng phim, nhất là đối với 4 mảnh đất mà Hãng đang sở hữu.
Cụ thể, đó là khu đất tại số 4 Thụy Khuê có diện tích gần 5.450 m2, hình thức sở hữu là thuê đất của nhà nước đã hơn 50 năm qua, đây được coi là khu đất vàng của Hà Nội với giá thị trường có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Khu đất thuê này đã hết hiệu lực hợp đồng từ năm 2003 và chưa có hợp đồng mới, nhưng công ty vẫn đang sử dụng làm trụ sở, còn một phần cho thuê lại;
Diện tích 904,9 m2 đất ở số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám là khu chứa đạo cụ, đoàn xe, có hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8 m2 đất ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (tức trường quay Cổ Loa) làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim, cũng có hình thức sở hữu là giao đất;
Còn tại TP HCM, 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 là chi nhánh của Hãng phim ở miền Nam, cũng là đất thuê của nhà nước nhưng đã được xây dựng và khai thác cho thuê.
Vivaso là một doanh nghiệp vận tải thủy, nhưng cổ đông lớn nhất (chiếm 77,1% cổ phần) của doanh nghiệp này lại là Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường (Vạn Cường) do ông Nguyễn Thủy Nguyên là chủ tịch - đây là một “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản và hạ tầng giao thông.
Linh Lê
Theo KTTD, Vietnambiz