Những ngày gần đây, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến việc sản phẩm sữa của tập đoàn Fonterra, nhà sản xuất sữa lớn nhất New Zealand và là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, bị nhiễm khuẩn.
Những ngày gần đây, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến việc sản phẩm sữa của tập đoàn Fonterra, nhà sản xuất sữa lớn nhất New Zealand và là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, bị nhiễm khuẩn.
Một danh sách các nước đã nhập khẩu nguyên liệu sữa nhiễm khuẩn được Fonterra công bố. Các hãng sữa ở nhiều nước đã tiến hành thu hồi sản phẩm, một số dù có hay không có tên trong danh sách trên đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm sữa của New Zealand.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VFA)
Một lần nữa vấn đề an toàn chất lượng sữa lại được gióng lên sau vụ bê bối "sữa bẩn" ở Trung Quốc năm 2008.
New Zealand vào cuộc sau thông báo của Fonterra
Ngày 3/8, tập đoàn sữa Fonterra của New Zealand thông báo 1.000 tấn sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em, nước uống dành cho người tập luyện thể thao và các sản phẩm khác được bán tại Australia, Trung Quốc, Malaysia, Arập Xêút, Thái Lan và Việt Nam có thể đã nhiễm khuẩn.
Thông báo này được đưa ra sau khi kết quả kiểm tra cho thấy protein whey cô đặc (WPC), nguyên liệu được dùng trong nhiều sản phẩm dinh dưỡng, trong đó có sữa dành cho trẻ em, mà Fonterra sản xuất vào tháng 5/2012 và đã bán cho 8 khách hàng ở các nước trên bị nhiễm khuẩn Clostridium botulinum.
Các triệu chứng ngộ độc do vi khuẩn này là nôn mửa và tiêu chảy, sau đó có thể dẫn tới bị liệt, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bộ Công nghiệp Cơ bản New Zealand cho biết kết quả kiểm tra cho thấy ba lô sản phẩm của Fonterra dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum. Tuy nhiên, các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, phomát, bơ và sữa tươi tiệt trùng không chứa vi khuẩn.
Fonterra giải thích nguyên nhân WPC bị nhiễm khuẩn là do đường ống ở nhà máy Waikato, một đảo phía Bắc của New Zealand, không đảm bảo vệ sinh.
Giám đốc điều hành Fonterra, Theo Spierings, cho biết, dấu hiệu đáng ngờ bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2012, song khả năng nhiễm khuẩn thì chỉ được biết đến vào tháng Ba năm nay và các cuộc thử nghiệm thêm là cần thiết để xác định nguyên nhân căn bản và loại vi khuẩn được phát hiện.
Ông nói rằng ngày 31/7, tập đoàn nhận được thông tin về sản phẩm nhiễm khuẩn và trong 24 giờ sau đó đã thông báo cho khách hàng và Chính phủ New Zealand.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế New Zealand Stephen Joyce cho biết, các quan chức đã được cử tới các văn phòng của Fonterra để làm rõ vụ việc và Fonterra có trách nhiệm cung cấp tất cả những thông tin mà nhà chức trách cũng như người tiêu dùng yêu cầu.
Ông cho rằng sự tham gia của Chính phủ để giải quyết vụ việc là cần thiết bởi người tiêu dùng toàn cầu cần tin tưởng vào các sản phẩm sữa của New Zealand.
Sự ứng phó của các nước
Trong thông báo ngày 5/8, Fonterra cho biết Chính phủ Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu WPC và sản phẩm sữa bột công thức cho trẻ em có xuất xứ từ New Zealand. Lệnh cấm không được áp dụng đối với toàn bộ các loại bột sữa và các sản phẩm khác. Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra ở biên giới đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu của New Zealand.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Tim Groser cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu các sản phẩm bột sữa của New Zealand là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng trong nước.
Tuy Giám đốc điều hành Fonterra, Theo Spierings hy vọng lệnh cấm của Trung Quốc có thể sớm được dỡ bỏ ngay sau khi hãng có giải thích rõ ràng về nguyên nhân khiến sữa nhiễm khuẩn nhưng ông Groser lo ngại Trung Quốc, thị trường chính đối với các nguyên liệu sản xuất sữa của New Zealand, có thể ngừng nhập khẩu cả các sản phẩm sữa khác.
Ngày 4/8, các nhà nhập khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu thu hồi và niêm phong các sản phẩm của Fonterra sau khi Cục Kiểm dịch, Thanh tra, Giám sát chất lượng Trung Quốc nêu tên 4 công ty trong nước đã nhập khẩu WPC nhiễm khuẩn.
Bốn công ty này là 4 hãng thực phẩm và nước giải khát lớn nhất Trung Quốc, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm vì Sức khỏe Hàng Châu Wahaha, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dumex Baby Food có trụ sở tại Thượng Hải, Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Hàng Châu và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tangjiu Thượng Hải.
Sau thông báo của Đại sứ quán New Zealand tại Bắc Kinh vào đêm 5/8, Tổng cục Kiểm dịch, Thanh tra, Giám sát chất lượng Quốc gia Trung Quốc ngày 6/8 đã yêu cầu chi nhánh Trung Quốc của nhà sản xuất sữa công thức cho trẻ em của Abbott Laboratories thu hồi hai lô sữa bột mang thương hiệu Abbott không sử dụng nguyên liệu thô có nhiễm khuẩn nhưng được đóng gói trên dây chuyền đã không được làm sạch của Fonterra sau khi sản xuất sữa nhiễm khuẩn.
Trong khi đó, Nga cũng đã thu hồi các sản phẩm sữa của Fonterra, bao gồm sữa công thức dành cho trẻ em và khuyến cáo người tiêu dùng nước này không mua các sản phẩm của hãng trên.
Theo Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand Scott Gallacher, Nga đã ban hành lệnh cấm đối với tất cả các sản phẩm sữa của New Zealand dù không nằm trong số các nước đã nhập sản phẩm sữa nhiễm khuẩn.
Bộ Y tế Brunei ngày 6/8 đã thông báo với các nhà nhập khẩu, bán lẻ và người tiêu dùng về việc thu hồi cũng như cấm nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ sản phẩm sữa của Fonterra.
Công ty Nutricia, thuộc tập đoàn thực phẩm Danone của Pháp, tại New Zealand và Danone Dumex tại Malaysia đã thông báo thu hồi một số loại sữa của trẻ em.
Việt Nam đã bắt đầu thu hồi sữa Similac Gainplus Eye-Q công thức cho trẻ em. Dumex Thái Lan cũng đã bắt đầu thu hồi 5 loại sữa dạng này. Cow & Gate cũng đã thu hồi 80.000 hộp sữa dành cho trẻ em ở Hong Kong và Macao.
Sản phẩm sữa cho trẻ em chứa vi khuẩn độc hại cũng đã bị thu hồi tại các nước khác như Malaysia, Australia, Singapore, Sri Lanka và Arập Xêút.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa xảy ra trường hợp ngộ độc nào ở Brunei. Các quan chức Malaysia cũng cho biết chưa có bằng chứng cho thấy WPC nhiễm khuẩn trong sản phẩm sữa Nutricia Karicare dành cho trẻ em được nhập vào nước này.
Nhà sản xuất Danone Dumex cũng cho biết việc thu hồi sản phẩm chỉ là biện pháp đề phòng. Trong khi đó, Fonterra Malaysia cũng nói không có sản phẩm nào của hãng trên thị trường Malaysia bị nhiễm khuẩn. Các hãng sữa khác như Dutch Lady, Nestle và Mead Johnson đều khẳng định không sử dụng WPC nhiễm khuẩn.
Những tác hại lớn
Việc các nước dừng nhập khẩu một số sản phẩm sữa của New Zealand đang làm giảm uy tín của quốc gia vốn được biết đến là nguồn cung cấp thực phẩm chất lượng cao và an toàn và mức độ ảnh hưởng tới đâu sẽ tùy vào việc các lệnh cấm kéo dài bao lâu.
New Zealand được thế giới biết đến với khẩu hiệu “Hoàn toàn thuần khiết” nên vụ sữa nhiễm khuẩn khiến dư luận đặt câu hỏi về độ an toàn thực phẩm của nước này và làm hoen đi một phần nào hình ảnh xanh và sạch của một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và du lịch.
Chắc chắn, vụ bê bối cũng sẽ gây ra những thiệt hại về kinh tế cho xuất khẩu các sản phẩm sữa của New Zealand. Xuất khẩu các sản phẩm sữa và các sản phẩm nông nghiệp khác là nguồn thu chủ yếu của nước này.
Theo số liệu của Chính phủ New Zealand, ngành sữa đóng góp tới 2,8% cho GDP nước này và chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu 46 tỷ đôla New Zealand (NZD), tương đương 10,4 tỷ NZD (8,1 tỷ USD), mỗi năm.
Trong tài khóa 2012, xuất khẩu sữa của New Zealand đạt 11,5 tỷ NZD, trong đó 60% là bột sữa và 5,5% là WPC.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ các sản phẩm sữa lớn nhất của New Zealand, với xuất khẩu sang quốc gia đông dân nhất thế giới này đạt 2,8 tỷ NZD, chiếm 24,5% tổng lượng xuất khẩu sản phẩm này trong tài khóa 2012.
Gần 90% trong lượng bột sữa nhập khẩu trị giá 1,9 tỷ USD của Trung Quốc trong năm ngoái là từ New Zealand nên nếu việc ngừng nhập khẩu trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng khan hiếm sữa ở Trung Quốc.
Vụ sữa nhiễm khuẩn mới nhất đang khiến người tiêu dùng Trung Quốc hoang mang về chất lượng sữa ngoại trong khi mất niềm tin vào sữa nội. Họ cũng bày tỏ sự tức giận khi sản phẩm nhiễm khuẩn clostridium botulium được sản xuất từ tháng 5/2012 nhưng đến tháng Tám này mới được Fonterra thông báo.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã thực sự bất bình sau khi một lượng nhỏ dicyandiamde, một hóa chất có nguy cơ gây hại, được phát hiện trong một số sản phẩm của Fonterra hồi tháng Một.
An toàn các sản phẩm sữa cho trẻ em là vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc sau vụ sữa sữa nhiễm milamine khiến 6 trẻ em ở Trung Quốc tử vong và 300.000 trẻ khác có vấn đề về sức khỏe hồi năm 2008.
Người Trung Quốc đã sẵn sàng trả thêm tiền để mua sữa công thức dành cho trẻ em của New Zealand vốn có tiếng là an toàn và tốt cho sức khỏe.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập 371.000 tấn sữa bột từ New Zealand, chiếm 83,3% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm này. Vụ bê bối mới nhất này sẽ là cơ hội để các nhà sản xuất trong nước có thể giành lại niềm tin nơi khách hàng.
Theo nhận định của ASB Bank, do Fonterra chiếm thị phần lớn trong nguồn cung sữa toàn cầu, sẽ khó có chuyện các nhà sản xuất và người tiêu dùng nhanh chóng tìm được nguồn cung thay thế về lâu dài. Nếu các nhà cung cấp khác tăng giá thì người tiêu dùng cũng không thoải mái khi tìm một sự lựa chọn khác thay cho Fonterra.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Dau-dau-tim-nguon-sua-sach-sau-su-co-sua-Fonterra/20138/210331.vnplus
Lê Minh
theo TTXVN