Sự kiện hot
13 năm trước

Dấu hiệu khủng hoảng trong lòng chứng khoán

Đã mấy tuần nay, tuần mới luôn được mở màn bằng sắc đỏ khiến không khí trên các diễn đàn chứng khoán như chết lặng. Khác hẳn với tư thế hùng dũng vào đầu tháng 9/2011, các nhà đầu tư đang ủ rũ và chẳng buồn ngó đến sàn.

 Đã mấy tuần nay, tuần mới luôn được mở màn bằng sắc đỏ khiến không khí trên các diễn đàn chứng khoán như chết lặng. Khác hẳn với tư thế hùng dũng vào đầu tháng 9/2011, các nhà đầu tư đang ủ rũ và chẳng buồn ngó đến sàn.

Lại trở về với chu kỳ uể oải như những tháng 4-5 và 7-8/2011. Lại trở về với những sáng thứ Hai đầu tuần đầy căng thẳng trong tâm trạng nhà đầu tư chứng khoán. Thực ra tâm lý căng thẳng đó bị tích tụ và đè nén từ cuối tuần trước, nhưng dù sao vẫn còn mang hơi hướng hy vọng một đầu tuần mới sẽ có khí sắc mới.

Song, đã mấy tuần nay, tuần mới luôn được mở màn bằng sắc đỏ khiến không khí trên các diễn đàn chứng khoán như chết lặng. Tại các sàn giao dịch, khác hẳn với tư thế hùng dũng vào đầu tháng 9/2011, giờ đây nhà đầu tư ủ rũ và chẳng buồn ngó ngàng đến.

Chứng khoán đang chứng kiến sự bĩ cực của mọi bĩ cực. Vào đầu năm, người ta đã nhìn thấy nỗi bĩ cực là kinh khủng lắm, quá lắm rồi, không thể chịu đựng thêm được nữa. Vào gần giữa năm - khi cổ phiếu lao dốc sau chuỗi ngày lê thê kéo ngang thách thức và tra tấn, nhà đầu tư kêu trời và cả nguyền rủa thị trường. Nhưng không biết ai vẫn sáng tác ra những hy vọng cho những người đã gần mất hết niềm tin vào cái thị trường ấy. Kết quả là đâu vẫn vào đấy, cứ có sóng là nhiều nhà đầu tư lại ham hố nhảy vào như chưa từng biết đến bài học cay đắng của cuộc đời.

Từ lâu lắm rồi, nhà đầu tư nhỏ lẻ bị đặt vào tình thế hoàn toàn bị động. Thị trường chẳng hề làm từ thiện cho ai, ai cũng hiểu triết lý đó. Thế nên sóng của thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào các thế lực làm giá và thao túng. Không có lực đẩy từ các thế lực ấy, cầm chắc là đường biểu diễn của chỉ số chỉ có kéo ngang và đi xuống chứ không thể ngóc đầu lên được. Còn với sự giúp đỡ tận tình của nhà tạo lập thị trường, chỉ số sẽ có được những phiên lao dốc, nhưng bù lại nhà đầu tư lướt sóng cũng có được cảm xúc chiến thắng dù chỉ một lần, dù chỉ là chiến thắng thị trường trong khoảnh khắc.

Thời gian trong năm đã gần hết. Những hy vọng từ đầu năm tích lũy và kéo đến giữa năm, rồi vụt chớm vào quý III vừa qua, nay lại lặng lẽ chìm vào tĩnh lặng. Tĩnh lặng một cách câm lặng và chịu đựng. Vẫn không có gì mới cả, vẫn là cái trò làm giá những cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn và tha hồ đánh lên đánh xuống. Có khác chăng chỉ là dòng tiền đầu cơ đã đủ sốt ruột để bắt đầu tham gia thị trường, tạo cho nhà đầu tư có cảm giác như thị trường đang tạo đáy dài hạn.

Chứng khoán cũng là một lãnh địa ghê gớm như thế nào, không khác gì vụ vỡ nợ đang được đồn đại lên đến hàng ngàn tỷ đồng ở Hà Nội (ảnh minh họa).

Hàng loạt, và ngày càng nhiều hơn công ty chứng khoán phải đóng cửa văn phòng giao dịch và cho nghỉ việc nhân viên đã phản ánh bóng tối lỗ lã và tình thế khó bề cầm cự. Vào giữa năm, việc một công ty chứng khoán giảm đến phân nửa số nhân viên đã được coi là sự kiện ấn tượng. Còn giờ đây, chuyện nghỉ việc 2/3 nhân viên là bình thường. Và đến khi ngay cả công ty chứng khoán ACB và Sacombank cũng phải đóng cửa một số văn phòng giao dịch của họ thì có thể hiểu là tình hình đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của các công ty chứng khoán đầu đàn nữa.Nhưng bối cảnh hiện nay lại có cái gì đó còn trầm trọng hơn toàn bộ thời gian trước đó của năm 2011. Kết thúc quý II trong năm, khoảng một nửa số công ty chứng khoán báo lỗ. Còn đến quý III, tỷ lệ lỗ đã lên đến khoảng 80%. Có thể tin rằng đó là sự lỗ thực chứ chẳng phải là chuyển giá hay lời thật lỗ giá như một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Một khi ngay cả những công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường như SSI, ACB, Sacombank... không còn coi thị trường là có triển vọng, thì một sự kiện như bà Huyền Như với số nợ liên quan lên đến hàng ngàn tỷ đồng cũng không phải là chuyện lạ. Chỉ lạ là quy mô vỡ nợ đang gấp đến hàng chục lần hậu quả của vụ chứng khoán Hà Thành. Cũng lạ là đã không có bất kỳ cơ quan nào, từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và ngay cả các công ty chứng khoán có liên quan đến đương sự cũng chẳng hề biết, hoặc cố tình không biết một manh mối gì, mà chỉ nhờ vào sự đầu thú bất đắc dĩ của người đàn bà lừng lẫy kia. Từ đó, người ta mới biết chứng khoán là một lãnh địa ghê gớm như thế nào, không khác gì vụ vỡ nợ đang được đồn đại lên đến hàng ngàn tỷ đồng của một cặp vợ chồng đại gia bất động sản ở Hà Nội.

Cũng như bất động sản, thị trường chứng khoán đang chứng kiến đợt lao dốc ngày càng mạnh và càng tàn khốc không phải riêng chỉ số mà của cả nền tảng văn hóa của nó. Có thể nói, những dấu hiệu hiện nay đang manh nha cho một cuộc khủng hoảng xã hội trong lòng thị trường chứng khoán, tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính trước đó của nó.

Biến đổi về tính cách xã hội là hệ quả đương nhiên của những điểu chỉnh mạnh về kinh tế. Từ cuối năm trước, trên một diễn đàn chứng khoán đã xuất hiện một nhân vật với cái nickname là lạ: "Biểu tình chứng khoán". Nghe qua cứ tưởng chuyện đùa giỡn, nhưng nhân vật đại diện cho một luồng dư luận ấy lại hiện hình cùng với vụ việc hàng trăm nhà đầu tư kéo đến biểu tình tại trụ sở chứng khoán quốc gia ở Bangladesh khi chỉ số của đất nước này lao dốc đến 30% chỉ trong một tháng.

Khủng hoảng xã hội cũng là hậu quả đương nhiên của tình cảnh biến thái tư cách đạo đức trong giới đầu tư chứng khoán - một loại đạo đức đã được nhân danh tất cả những gì cao quý cùng tiền bạc của thị trường nhằm kích thích lòng tham và máu liều lĩnh cờ bạc của nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng là một loại tâm lý học đạo đức mà chính nhà tạo lập thị trường đã trở thành những chuyên gia tâm lý học thượng thặng trong quá trình khai thác nó.

Với những gì đã diễn ra trong tâm lý nhà đầu tư, người ta thường gọi nôm na là hình ảnh bầy đàn. Nhưng với những hậu quả đã xảy ra và sẽ còn xảy ra, có lẽ đó là một thứ hội chứng về tâm thần mà những nhà đầu tư bỏ ngoài tai lời khuyên tỉnh táo phải nhận lãnh. Hội chứng như thế đã được thấy, ít ra trong những hình ảnh về Phong trào "Chiếm Phố Wall" mà đang khiến cho "tầng lớp tinh hoa Mỹ" bắt buộc phải lo ngại.

Thị trường chưa lập đáy, chưa có đáy, hoặc sẽ không thể có đáy cho đến khi các thế lực lũng đoạn thị trường thỏa mãn những yêu cầu hết sức riêng tư của họ. Nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang hẫng hụt trong cái khoảng trống vô cùng tận. Để góp sức cho sự tồn tại đầy lý trí của thế lực lũng đoạn, chẳng lẽ họ cam tâm chấp nhận đánh mất lý trí của mình trong cái tâm thế mà người đời vẫn thường coi là "lòng tham dẫn đến ngu dốt" sao?

Phạm  Tiệp
Theo VEF.VN

Từ khóa: