Cuối năm 2018, đầu 2019, nhiều nhà băng tiếp tục có động thái điều chỉnh lãi suất huy động theo xu hướng tăng. Chênh lệch về mức lãi suất giữa các ngân hàng đã có sự thay đổi đáng kể so với cách đây 1 tháng.
Mới đây, BIDV đã tăng lãi suất kỳ hạn 5 tháng thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức 5,5%/năm; đồng thời tăng lãi suất kỳ hạn 9 tháng từ 5,5% lên 5,6%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của ngân hàng này đã lên cùng mặt bằng với các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
VIB ngay ngày 1/1/2019 cũng áp dụng biểu lãi suất mới cho cả hình thức gửi tại quầy và trực tuyến. Ngân hàng đã tăng lãi suất kỳ hạn 15 tháng thêm 0,4 điểm phần trăm lên mức 7,8%/năm; áp dụng chung lãi suất kỳ hạn từ 18 tháng trở đi là 7,9%/năm thay vì từ 7,5-7,7%/năm như 1 tháng trước đó. Ngoài ra, VIB áp dụng thêm một số chính sách mới, chẳng hạn khách hàng gửi kỳ hạn 6 tháng và có tài khoản tiền gửi trực tuyến mở trên giao diện Internetbanking hoặc mở tài khoản trên MyVIB từ 24/9/2018 sẽ được hưởng lãi suất lên tới 7,6%/năm, cao hơn 1,2%/năm so với tiền gửi trực tuyến phiên bản cũ.
Từ giữa tháng 12/2018 đến nay, xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn ở hệ thống ngân hàng. Theo như diễn biến của các năm trước thì cuộc đua lãi suất của các nhà băng có thể sẽ còn kéo dài đến sau Tết Nguyên Đán. Bởi lẽ nhu cầu tiền mặt và vốn kinh doanh của người dân và doanh nghiệp từ nay đến Tết Âm lịch 2019 vẫn còn rất lớn, song sau kỳ nghỉ lễ, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư bắt đầu quay trở lại ngân hàng, các nhà băng lại đua nhau các chương trình khuyến mãi, cộng lãi suất để tranh thủ hút lượng tiền này.
Mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay trên thị trường, theo biểu lãi suất công bố của các ngân hàng, đã lên tới 8,65% (áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng trở đi) sau khi SCB điều chỉnh biểu lãi suất gửi tiết kiệm online vào cuối tháng 12/2018. Trước đó, lãi suất cao nhất là 8,6%/năm tại VPBank, VietCapitalBank,…
Cuộc cạnh tranh lãi suất thấy rõ khi phần lớn các nhà băng hiện nay đã áp lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần 5,5%/năm. Chỉ một vài ngân hàng lớn như Agribank, VietinBank, Vietcombank áp dụng lãi suất 5%/năm hay Techcombank là 4,9%/năm.
Việc phải tuân thủ quy định trần lãi suất đã kéo chênh lệch ngày càng lớn giữa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng và trên 6 tháng. Chẳng hạn, tại SCB, lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn 5 tháng chỉ ở mức 5,5%/năm, nhưng người gửi nếu thêm 1 tháng nữa tức kỳ hạn 6 tháng là đã được hưởng lãi suất lên tới trên 8,1%/năm, chênh nhau tới 2,6 điểm phần trăm. Tương tự tại VPBank, VIB hay NamABank, mức chênh lệch này đều trên 2%/năm.
Sự phân hóa về mức lãi suất giữa các ngân hàng cũng rất lớn. Trong khi lãi suất cao nhất ở Vietcombank và Agribank chỉ ở mức 6,8%/năm thì nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là trên 7,5%/năm, có nơi từ 8%-8,65%/năm. Tất nhiên, để được hưởng mức lãi suất cao nhất nói trên, một số ngân hàng có quy định điều kiện khá ngặt nghèo, chủ yếu yêu cầu về lượng tiền gửi và kỳ hạn dài.
Tại VIB, lãi suất khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng lên tới 8,4%/năm, bỏ xa các kỳ hạn khác (15 tháng là 7,8%/năm, từ 18 tháng là 7,9%/năm). Song để hưởng mức lãi suất 8,4%/năm, khách hàng của VIB phải gửi mới tới 500 tỷ đồng trở lên hoặc là khoản gia hạn tự động gửi trước ngày 11/10/2016.
Nhìn chung, nhóm các ngân hàng có vốn chi phối bởi Nhà nước tiếp tục nằm trong nhóm có lãi suất thấp nhất trên thị trường, mặc dù cũng đã liên tục điều chỉnh trong thời gian vừa qua. Sự chênh lệch ở trong nhóm này cũng không quá lớn (chỉ từ 0,1-0,5 điểm phần trăm) nên nếu chỉ nhìn vào lãi suất thì lựa chọn gửi ở đâu trong số Vietcombank, VietinBank, Agribank hay BIDV cũng không quá khác biệt.
Trong khi đó, ở các ngân hàng tư nhân, người gửi tiền có rất nhiều sự lựa chọn với các biểu lãi suất, chính sách đa dạng hơn hẳn. Nhìn chung, các ngân hàng như Techcombank, ACB, MB, Eximbank,...đang có lãi suất kém hấp dẫn hơn so với SCB, VIB, VietCapitalbank, BacABank, VPBank,...
Khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở các ngân hàng tư hiện nay khá giống nhau, phổ biến từ 4,8-5,5%/năm. Tuy nhiên đến kỳ hạn 6 tháng, lãi suất dao động khá mạnh: SHB, TPBank, Maritime Bank, Techcombank, ACB, MB ở dưới mức 7%/năm; BacABank, OCB có lãi suất từ 7-7,5%/năm; VIB, VPBank, SCB, Vietcapitalbank từ 7,5-8,1%/năm.
Kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng có lãi suất cao trên 8%/năm có thể kể đến SCB (8,55%/năm gửi tiết kiệm online), TPBank (8,1%/năm), VietCapitalbank và NamABank (8%/năm),...
Hải Vân
Theo Trí thức trẻ