Sự kiện hot
13 năm trước

Đầu năm, lo chuyện ăn uống tăng giá

Nhiều hàng ăn vẫn còn nghỉ Tết dài, những nơi sớm “mở hàng” đón năm mới thì không ưng ý hoặc đắt đỏ… Việc ăn uống trong những ngày đầu năm chưa đi vào nề nếp cũng làm nhiều người “oải” kèm lo lắng giá tăng khó giảm.

Nhiều hàng ăn vẫn còn nghỉ Tết dài, những nơi sớm “mở hàng” đón năm mới thì không ưng ý hoặc đắt đỏ… Việc ăn uống trong những ngày đầu năm chưa đi vào nề nếp cũng làm nhiều người “oải” kèm lo lắng giá tăng khó giảm.

Hôm nay, hầu hết dân công sở đã đi làm trở lại sau Tết, học sinh sinh viên cũng đã quay lại trường học. Những tưởng được nghỉ dài, đi làm muộn sẽ không khó khăn trong việc ăn uống. Nhưng đến nay nhiều hàng ăn tại TPHCM vẫn im ỉm khóa cửa, có quán treo biển ngày 12 âm, thậm chí là qua Rằm mới khai trương năm mới nên để tìm được chỗ ăn ưng ý, hợp túi tiền không dễ.

Trưa 30/1, ngày đầu năm trở lại làm việc, chị Linh, nhân viên văn phòng một công ty phần mềm nằm ở đường Phan Xích Long (Q. Phú Nhuận, TPHCM) gọi điện sang quán ăn quen để gọi cơm như mọi ngày. Gặp khách quen, bà chủ quán lởi xởi chúc năm mới rồi thông báo: “Hàng chị chưa mở em ơi. Các em ăn tạm gì đó 12 âm gọi lại nhé”. Chị Linh báo lại cho đồng nghiệp, gần 20 người trong phòng nhốn nháo vì sẽ phải “tự thân vận động” lo bữa ăn trưa.

Khổ nỗi, nhiều quán cơm quanh khu vực này đều chưa mở cửa. Các món khác thì người ưa, kẻ không, nên có người phải phi xe máy tìm chỗ mua cơm. “Tôi cứ tưởng hôm này mùng 8 tất thảy đều mở hàng, hóa ra nhiều hàng quán vẫn còn ăn Tết dài. Đi vòng khắp nơi mà chẳng thấy quán cơm nào trông được một chút, toàn quán bán dạo vỉa hè”, chi Linh than thở.

Cuối cùng, chị với một người bạn đành ghé quán mỳ quảng với giá “chém đẹp” những ngày sau Tết là 45.000 đồng/tô mà ngày thường có giá chỉ 35.000 đồng.

Chuyện ăn uống đầu năm làm nhiều người "oải"

Cũng như chị Linh, anh Tân, trưởng phòng kinh doanh một công ty về thời trang ở P.5, Q. Gò Vấp cũng than thở: Mọi ngày anh và nhân viên trong phòng thường ăn trưa ở quán cơm tấm Cây Khế trên đường Nguyễn Oanh. Trưa nay, anh em rồng rắn kéo nhau ra quán thì ôi thôi, quán vẫn đóng cửa thin thít. Nhiều quán bên cạnh cũng đang nghỉ ngơi.

“Tiêu hóa của tôi không tốt nên ăn uống hơi kỹ, chỉ ăn quán quen chứ ăn linh tinh đau bụng ngay. Cuối cùng tôi đành mua mỳ tôm về pha ăn đỡ. Mấy cậu khác thì đành vào quán ăn vỉa hè, mấy cô gái kéo nhau đi ăn linh tinh… Người thì kêu dở, người thì than đổ ăn đắt, chết cả tiền”, anh Tân nói.

Nhiều hàng ăn “nhích” giá

Tại rất nhiều nhà hàng, quán cà phê ở TPHCM những ngày đầu năm, bảng giá niêm yết cũ đã được thay bằng những con số mới. Số sau luôn cao hơn hơn số trước… Lúc này, ngoài lý do giá có kèm dịch vụ hậu Tết thì người tiêu dùng đều hiểu năm mới luôn là cái cớ để các hàng quán thay “áo mới” cho giá. Từ quán ăn vỉa hè cho đến các quán ăn đắt tiền, giá cả đều “nhích” lên thấy rõ so với giá của năm cũ. Như một phần cơm bình dân từ 20.000 - 25.000 đồng đã sớm được đẩy lên 30.000 – 35.000 đồng. Hủ tiếu, phở, bún mắm… cũng tăng với mức tương ứng từ 20 – 30% so với trước.

Năm mới, nhiều dịch ăn uống lập thức thay giá niêm yết mới.

Chị Đào Thị Thủy (ngụ ở P.6. Q, Bình Thạnh) cho hay, gia đình chị đi ăn uống tại quán bún mắm 444 Lê Quang Định quen thuộc không khỏi thở dài khi mỗi tô bún mắm đã có giá 40.000 đồng thay cho 35.000 đồng trước đó. Gia đình chị 4 người, tính ra đã phải trả thêm 20.000 đồng so với trước. "Quán này nhà tôi biết khá lâu, năm 2010 chỉ 25.000 đồng, giờ lên 40.000 đồng, nghĩ sao tiền mất giá quá chừng". Không chỉ vậy, các loại nước uống như trà đá, chanh dây, sấu, me… bán ở quán có cũng đã được thay niêm yết giá tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/ly.

Chị Thủy cho rằng, mức giá này nếu tính trong dịp Tết thì chấp nhận được nhưng e rằng đây sẽ là giá được áp dụng lâu dài luôn. “Dường như ai cũng lấy cớ năm mới để tăng giá. Nhưng rồi cái gì đã tăng rồi thì khó mà có chuyện giảm xuống lắm. Dân tình cứ vậy mà dần dần làm quen và chấp nhận với giá mới”, chị nói.

Quản chi tiêu trong gia đình nên khi thấy ăn uống tăng giá, chị Thủy không khỏi lo lắng vì điều đó đồng nghĩa với việc, vợ chồng chị sẽ phải tăng thêm tiền dành cho ăn uống, cắt giảm các nhu cầu khác.

Năm mới luôn là cái cớ để nhiều dịch vụ tăng giá, nhất là mặt hàng ăn uống.

Khẳng định giá thực phẩm đã “nguội” trở lại, thậm chí nhiều mặt hàng đã thấp hơn dịp Tết nhưng chủ quán một hàng cơm B.T trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh) cho hay giá mỗi phần cơm vẫn tăng hơn trước 2.000 đồng. Không giải thích lý do, khách thắc mắc thì bà cười trả lời “Năm mới mà”.

Người này cho rằng, thời gian đầu khi giá tăng lượng khách sẽ giảm đi nhưng sau đó, khi giá được “bão hòa” vì nơi nào cũng tăng thì khách dần chấp nhận và sẽ đông lại như thường.

Năm mới lại điệp khúc giá mới nên không ít người tiêu dùng lo lắng, rồi đây chi phí tiêu dùng ngày sẽ tăng lên đáng kể khi mỗi thứ một ít, trong khi thu nhập thì vẫn đang “dậm chân một chỗ”.
 


Hoài Nam
       Theo Dan tri


Từ khóa: