Vốn không khó huy động, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đa dạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc đầu tư bệnh viện tư nhân là vấn đề quỹ đất và nguồn nhân lực. Cho đến nay, quỹ đất dành cho việc xây dựng bệnh viện luôn là bài toán khó.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế hiện nay cả nước có 28 tỉnh, thành phố có bệnh viện tư nhân với 93 bệnh viện (89 bệnh viện y học hiện đại, 2 bệnh viện y học cổ truyền, 2 bệnh viện bán công), trong đó có 88 bệnh viện tư nhân có vốn đầu tư trong nước, 5 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Các tỉnh, thành có bệnh viện tư nhân tập trung nhiều là Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Đà Nẵng, trung bình có 79 giường, 6 khoa/bệnh viện và 100% bệnh viện có các khoa cấp cứu, cận lâm sàng, dược... Dù chiếm tỷ lệ rất ít so với bệnh viện công (93/1.063, bằng 8,6%), nhưng các bệnh viện tư đã có những đóng góp nhất định trong việc giảm áp lực thiếu nơi chữa bệnh hiện nay.
Để đầu tư một bệnh viện tư, số vốn ban đầu bỏ ra không nhỏ, khoảng 20 - 25 triệu USD; trong đó trang thiết bị, máy móc phục vụ khám, chữa bệnh chiếm 50% tổng vốn đầu tư. Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ vừa bỏ ra 25 triệu USD đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế (không kể tiền đất) xây dựng cơ sở thứ 10 của mình tại đường Phan Xích Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM với quy mô 18.700m². Dự kiến bệnh viện mới 200 giường bệnh này sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2011. Thế nhưng số vốn đầu tư lớn không khiến các ông chủ bệnh viện tư nhân chùn bước. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Bệnh viện Tim Tâm Đức, cho biết ông đang dự kiến xây dựng thêm bệnh viện nhi Phúc Đức. Để xây dựng bệnh viện tư có 2 hình thức huy động vốn đang được áp dụng: Tìm kiếm từ cá nhân trong nước và từ các quỹ đầu tư.
Trước đó, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã ký kết hợp tác với VinaCapital và Deutsche Bank. Theo thỏa thuận, 2 đối tác nước ngoài này đã đầu tư 20 triệu USD (tương đương hơn 40% cổ phần) vào Hoàn Mỹ. Trung bình tỷ suất lợi nhuận đầu tư bệnh viện khoảng 20%/năm và tùy theo mức độ đầu tư, thời gian thu hồi vốn cũng khác nhau, trung bình 8 - 10 năm. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, chia sẻ: “Quy mô đầu tư bệnh viện tư tại Việt Nam hiện nay chưa lớn, lợi nhuận chưa cao nhưng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai”. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn xuất phát từ những ưu đãi của chính sách xã hội hóa y tế. Theo đó, những doanh nghiệp đầu tư bệnh viện được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động.
Doanh nghiệp mới thành lập còn được miễn thuế đất tối đa 4 năm (thay vì 2 năm hiện nay) và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai và đầu tư xây dựng bệnh viện cũng được Chính phủ quy định khá cụ thể, như ưu đãi về thuế đất, lệ phí trước bạ nhà, đất các bệnh viện tư nhân. Một số dự án đầu tư, mở rộng, xây mới bệnh viện cũng được ưu đãi về mức vốn vay, tối đa tới 70% tổng vốn của dự án.
Vốn không khó huy động, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đa dạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc đầu tư bệnh viện tư nhân là vấn đề quỹ đất và nguồn nhân lực. Cho đến nay, quỹ đất dành cho việc xây dựng bệnh viện luôn là bài toán khó. Thậm chí ngay cả những bệnh viện công, quỹ đất và việc giải phóng mặt bằng xây dựng cũng còn chật vật. Mặt khác hầu hết các bệnh viện tư thường đặt trong nội thành, ít có bệnh viện chịu ra ngoại thành dù chính sách của Nhà nước khuyến khích bệnh viện, trường học dời khỏi nội ô. Thực tế khi đầu tư bệnh viện tư rất kén chọn vị trí xây dựng. Bởi vị trí bệnh viện liên quan đến thị trường và thói quen của người khám chữa bệnh. Giám đốc một bệnh viện tư ở TP.HCM cho biết quỹ đất trong nội thành gần như không còn, trong khi các bệnh viện tự lo quỹ đất, nên ai cũng cố tìm một khoảng không chật hẹp còn lại trong nội thành.
Hiện nay tại TP.HCM có hơn 20 dự án bệnh viện, phòng khám đa khoa; chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ y tế cho bệnh nhân trong và ngoài nước như các dịch vụ răng - hàm - mặt, giải phẫu thẩm mỹ. Các dự án chủ yếu huy động nguốn vốn ngoài Nhà nước, nhưng đang gặp phải vấn đề lớn là không có đất để xây dựng. Tính đến nay, bệnh viện lớn nhất vẫn là Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An với quy mô 500 giường, còn trung bình các bệnh viện tư nhân chỉ 100 - 200 giường. Nhiều dự án bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện, UBND TP đã phê duyệt xây dựng 4 bệnh viện tại 4 cửa ngõ TP. Lãnh đạo TP cũng rất quan tâm vấn đề này và chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhưng việc triển khai vẫn rất chậm chạp.
Viễn Phong
theo Xây dựng