Sự kiện hot
2 năm trước

Đầu tư chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?

Tin tưởng vào lời chào mời về mức lãi suất hấp dẫn từ chứng chỉ quỹ Techcom, người đàn ông đã chuyển từ gửi tiết kiệm sang mua chứng chỉ quỹ và rồi “nếm trái đắng khi tài khoản bốc hơi”, đó chỉ là một trong nhiều trường hợp khách hàng đầu tư chứng chỉ quỹ gặp phải trong thời gian gần đây. Vậy đầu tư vào chứng chỉ quỹ là gì? Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì để tránh rủi ro?

Đầu tư vào chứng chỉ quỹ là gì?

Theo Luật chứng khoán 2019, chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán. Mệnh giá chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10.000 đồng.

Về bản chất, chứng chỉ quỹ gần giống với cổ phiếu khi đều là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu, quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư với phần góp vốn của mình. Tuy nhiên, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu cũng có những điểm khác biệt cơ bản như sau.

Chứng chỉ quỹ Techcom (TCBF) của Techcombank Securities (TCBS), công ty chứng khoán của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB).

Về mục đích đầu tư, cổ phiếu là phương tiện huy động vốn của một công ty kinh doanh trong những ngành nghề cụ thể, còn chứng chỉ quỹ là phương tiện để thành lập quỹ của quỹ đầu tư chứng khoán.

Về quyền quyết định, trong khi người sở hữu cổ phiếu có thể tự do biểu quyết và quản lý số cổ phần của bản thân thì nhà đầu tư chứng chỉ quỹ lại không có những quyền tương tự. Mọi quyết định đầu tư đều do công ty quản lý quỹ đưa ra.

Về trách nhiệm, khi đầu tư cổ phiếu theo cá nhân, nhà đầu tư chủ yếu phải dựa vào sự đánh giá của mình để ra quyết định và theo dõi khoản khoản đầu tư. Trong khi đó, nếu mua chứng chỉ quỹ, những điều này sẽ do công ty quản lý quỹ thay mặt nhà đầu tư thực hiện.

Cũng chính vì những đặc điểm này, nhà đầu tư chứng chỉ quỹ không nhất thiết phải là chuyên gia tài chính để có thể tham gia thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tiết kiệm được thời gian trong khi vẫn tận dụng được cơ hội sinh lợi từ số tiền nhàn rỗi.

Mặt khác, do không được tham gia vào quyết định đầu tư của quỹ, bạn phải chấp nhận rủi ro khi giá chứng chỉ quỹ sẽ biến động theo tài sản cơ sở đầu tư.

Bản chất đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho các chuyên gia của công ty quản lý quỹ. Do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu và lựa chọn một công ty tốt, dựa trên một số tiêu chí chính như độ uy tín, lịch sử hoạt động, đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo, trách nhiệm công bố thông tin, ....

Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ về các loại chứng khoán mà quỹ rót tiền để đánh giá xem có phù hợp với mục tiêu lợi nhuận và khẩu vị rủi ro của bản thân hay không.

Lãi suất cao – “chiếc bánh ngọt khó nuốt”?

Bản chất, đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ. Kênh này có những ưu điểm như không cần kiến thức và thời gian mà vẫn có khả năng đạt được lợi nhuận tốt, rủi ro thấp vì danh mục đầu tư của quỹ được phân bố cho nhiều ngành và công ty. Quỹ cũng thường được quản lý bởi đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm. Bên cạnh đó, chứng chỉ có tính thanh khoản cao tương đương với cổ phiếu, trái phiếu...

Tuy nhiên, nhà đầu tư không tham gia vào việc lựa chọn đầu tư mà giao hoàn toàn cho đội ngũ chuyên gia của công ty quản lý quỹ. Đặc biệt, không có chuyện đầu tư chỉ có lãi mà nhà đầu tư vẫn phải chấp nhận rủi ro đầu tư theo thị trường.

Chi nhánh Ngân hàng Techcombank Phòng giao dịch CT1-Vimeco, đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, nơi ông Vũ Duy Tùng được nhân viên TCB giới thiệu, tư vấn đầu tư vào Chứng chỉ quỹ của TCBF.

Vừa “nếm trái đắng” khi trở thành nhà đầu tư chứng chỉ quỹ Techcom, ông Vũ Duy Tùng (ngụ đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khi đến gửi tiết kiệm đã được nhân viên Ngân hàng Techcombank tư vấn, giới thiệu đầu tư vào Chứng chỉ quỹ Techcom (TCBF) của Techcombank Securities (TCBS), công ty chứng khoán của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB).

“Khi đến ngân hàng gửi tiền tôi được nhân viên ngân hàng tư vấn gửi vào Chứng chỉ quỹ lãi suất sẽ cao hơn tiền gửi tiết kiệm và cao hơn các ngân hàng khác. Tôi đầu tư 100 triệu vào Chứng chỉ quỹ Techcom, sau gần 2 tháng lỗ gần 20%, số tiền cầm về đc hơn 80 triệu đồng”, ông Vũ Duy Tùng cho biết.

Cụ thể, ngày 15/11/2022, ông Tùng cần tiền để sử dụng, nên đã xuống Phòng giao dịch CT1-Vimeco, đường Nguyễn Chánh trao đổi với nhân viên nhờ đặt lệnh bán, rút tiền về (khi ấy hệ thống báo lỗ 2,3% = 97,7 triệu đồng).

Giao dịch viên trao đổi với ông Vũ Duy Tùng và giải thích nếu rút thời điểm này là không có lãi mà còn lỗ 2,3 triệu đồng. Ông Tùng đồng ý rút và nhờ nhân viên đặt lệnh rút tiền và ngày 17/11 tiền sẽ về tài khoản của ông Vũ Duy Tùng.

“Đến 18h ngày 16/11, tôi kiểm tra trên app tiền vẫn chưa về tài khoản, vẫn ghi nhận là 97,7 triệu đồng (lỗ 2,3%). Đến 21h30p ngày 16/11, tôi hoảng hốt khi thấy tài khoản báo lỗ 10,1% (90 triệu đồng).

Sáng ngày 17/11, quá sốt ruột, lo lắng về khoản đầu tư của mình liên tục lỗ, tôi đã tới Chi nhánh Techcombank tại tòa CT1-Vimeco đường Nguyễn Chánh yêu cầu giải thích và lập Biên bản.

Biên bản làm việc ghi nhận sự việc giữa ông Vũ Duy Tùng và Ngân hàng Techcombank chi nhánh Trần Duy Hưng.

Chiều ngày 17/11 tiền về tài khoản có thể rút được ghi nhận 82,7 triệu. Tại sao kê tài khoản ngân hàng, thực rút chỉ còn 81,87 triệu đồng.

Tại sao lúc đặt lệnh (15/11) trích tài sản chỉ báo lỗ 2,3% đến sáng 17/11 lại báo lỗ 10,1% và tại sao mức độ giảm lỗ nhanh và nhiều như vậy. Trong tuần từ 21-25/11, tôi đã 3 lần xuống làm việc với ngân hàng, có cả cán bộ Hội sở cùng dự. Xong vẫn chưa có kết quả cuối cùng về sự mất tiền của khách hàng một cách vô lý, nhanh và nhiều như thế. Phía ngân hàng chỉ có những giải thích động viên khách hàng và đưa ra tình huống có thể đặt lệnh xong 2 ngày sau mới khớp lệnh và xin thời gian để kiến nghị ngân hàng đối tác của Techcombank kiểm tra lại dữ liệu”, ông Vũ Duy Tùng cho biết.

TCBF đầu tư vào đâu?

Theo tìm hiểu, quỹ trái phiếu TCBF đầu tư chủ yếu vào trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, tiết kiệm. Ngoài ra, TCBF có thu phí bán lại từ 0.l,5%-1% nếu đầu tư dưới 1 năm nên sẽ phù hợp và tối ưu nhất cho những khoản đầu tư dài hạn từ 1 năm trở lên. Nhà đầu tư có thể mua hoặc bán lại hàng ngày nên có tính thanh khoản và linh hoạt cao. Mức vốn đầu tư tối thiểu là 10.000 đồng.

Cụ thể, tại thời điểm ngày 18/11, chỉ số giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của TCBF chỉ còn gần 12.864 đồng/CCQ, giảm hơn 22% trong vòng 1 tháng gần nhất (16.498 đồng/CCQ).

Tại cuối ngày 18/11, quỹ trái phiếu TCBF đang đầu tư tới 97% tài sản tại các trái phiếu doanh nghiệp (khoảng 9.400 tỷ đồng), còn lại khoảng 3% tổng tài sản được dự trữ dưới dạng tiền mặt. Top các khoản đầu tư có tỷ trọng lớn của quỹ gồm gần 1.432 tỷ đồng trái phiếu Vinhomes (VHM121024), hơn 1.331 tỷ đồng trái phiếu Vincom Retails (VRE12007), hơn 822 tỷ đồng trái phiếu Novaland (NVL122011)...

Danh mục đầu tư quỹ trái phiếu TCBF (Ảnh: TCBS).

Theo một con số thống kê được thực hiện bởi Techcom Capital cho thấy, từ tháng 9/2022 đến thời điểm ngày 14/11/2022, các quỹ trái phiếu Việt Nam bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng tương ứng giảm từ 28.623 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.717 tỷ đồng. Tỷ lệ rút ròng lên tới 34,6%.

Trong đó, quỹ trái phiếu SSIAM bị rút ròng nhiều nhất 67,7% từ 1.457 tỷ đồng xuống chỉ còn 471 tỷ đồng. Đứng thứ hai là quỹ MB Capital bị rút ròng 60,8% tương ứng giảm từ 2.491 tỷ đồng xuống còn 977 tỷ đồng. Đứng thứ ba là quỹ DCIP của Dragon Capital bị rút ròng 46,6% từ 1.022 tỷ đồng xuống còn 546 tỷ đồng.

Đứng thứ tư là TCBF của Techcom Capital bị rút 31,8% từ 19.983 tỷ đồng xuống còn 13.623 tỷ đồng. Đứng thứ năm là DCBF của Dragon Capital bị rút 23,8% tương ứng giảm từ 817 tỷ đồng xuống còn 623 tỷ đồng.

Một số quỹ khác cũng bị rút ròng mạnh trong vòng 2 tháng qua gồm quỹ ABBF của An Bình Capital bị rút 23,1%; VFF của VinaCapital bị rút 8,5% từ 1.192 tỷ đồng còn 1.090 tỷ đồng...

Các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ bị tác động tâm lý và gây ra làn sóng bán lại chứng chỉ quỹ ồ ạt trong thời gian qua. Hiện tượng này xuất phát từ tâm lý hoang mang, lo lắng của các nhà đầu tư sau khi các vụ án liên quan đến trái phiếu liên tục diễn ra.

Ngoài ra, bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh cũng khiến dòng vốn chuyển hướng sang các kênh an toàn hơn thay vì lựa chọn các quỹ mở trái phiếu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay. Do đó, khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ, khách hàng – nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ, lường trước những rủi ro để tránh gặp phải những “trái đắng lãi suất cao”.

THÔNG TƯ SỐ 98/2020/TT-BTC HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Điều 22. Thông tin, quảng cáo, giới thiệu về quỹ

3. Nội dung thông tin, quảng cáo, giới thiệu quỹ phải trung thực, khách quan, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu nhầm chứng chỉ quỹ với các công cụ đầu tư tài chính khác. Các thông tin phải được cập nhật tới thời điểm gần nhất. Công ty quản lý quỹ và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính pháp lý những thông tin đã cung cấp trong các hoạt động thông tin, quảng cáo, giới thiệu chứng chỉ quỹ của mình.

4. Tài liệu quảng cáo, giới thiệu quỹ không được bao hàm các nhận định khiến nhà đầu tư hiểu nhầm là giá trị khoản đầu tư luôn luôn gia tăng, cam kết hoặc dự báo về kết quả đầu tư trong tương lai của quỹ. Quy định tại khoản này không áp dụng trong trường hợp quỹ mở đầu tư hoàn toàn vào trái phiếu, các chứng khoán có thu nhập cố định, quỹ bảo toàn vốn.

Điều 23. Khuyến cáo

1. Tài liệu thông tin, quảng cáo, giới thiệu quỹ phải có các khuyến cáo như sau:

a) Nhà đầu tư cần đọc kỹ Bản cáo bạch trước khi mua chứng chỉ quỹ và nên chú ý tới các khoản giá dịch vụ khi giao dịch chứng chỉ quỹ;

b) Giá giao dịch chứng chỉ quỹ có thể thay đổi phụ thuộc vào tình hình thị trường và nhà đầu tư có thể chịu thiệt hại về số vốn đầu tư vào quỹ;

c) Các thông tin về kết quả hoạt động của quỹ trước đây chỉ mang tính tham khảo và không có nghĩa là việc đầu tư sẽ sinh lời cho nhà đầu tư.

2. Tài liệu thông tin, quảng cáo, giới thiệu quỹ phải khuyến cáo nhà đầu tư về các loại hình rủi ro khi đầu tư vào quỹ.

PV/KTDU

Từ khóa: