Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Đẩy mạnh chuyển đổi số vào công tác quy hoạch và xây dựng đô thị

Nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, nhiều chuyên gia cùng đề xuất giải pháp chuyển đổi số. Việc áp dụng những công cụ quản lý kỹ thuật hiện đại, chính xác và có hiệu quả sẽ hỗ trợ chính quyền đưa ra các quyết định chính xác cho sự phát triển bền vững của đô thị.

4 đô thị được trao giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2021 - Nhịp  sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Trong thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp lãnh đạo của địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, từng bước bảo đảm việc quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng văn minh, hiện đại, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước.

Công tác quản lý đô thị được thực hiện bài bản hơn, quy hoạch đô thị từng bước bảo đảm sự thống nhất, liên thông với quy hoạch các ngành, giữa các cấp độ (từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đến quy hoạch chi tiết), trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý phát triển đô thị ngắn và dài hạn.

Tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức mới đây, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị, về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị. Về phương thức thực hiện, Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh các ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

ông nghệ GIS thời gian gần đây đã được áp dụng tại một số đơn vị trong ngành quy hoạch xây dựng và cơ quan quản lý địa phương. Tại Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã xây dựng dữ liệu quy hoạch dạng GIS để có thể cung cấp thông tin quy hoạch một cách đa dạng hơn, các dữ liệu có tính mở và kết nối cao, có thể đưa vào phần mềm để phân tích, đánh giá tổng hợp lên báo cáo…

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, đến nay, Viện đã thực hiện GIS hóa Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; quy hoạch phân khu; quy hoạch chuyên ngành: Giao thông, giáo dục, y tế, rác thải, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chợ, làng nghề, nghĩa trang, cây xanh mặt nước...; quy hoạch chung các huyện; quy hoạch đô thị vệ tinh; quy hoạch thị trấn sinh thái; dữ liệu chỉ giới đường đỏ và số liệu hạ tầng kỹ thuật.

Hà Nội đang thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô theo phương pháp tích hợp đa ngành, nhiều lĩnh vực như xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, công thương, môi trường… sẽ được tích hợp vào một bản quy hoạch. Do đó, việc xây dựng một kho dữ liệu tổng thể, dùng chung cho các ngành là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, hiện ngành xây dựng vẫn chưa có chuẩn GIS cho công tác quy hoạch, phát triển đô thị, do đó đây sẽ là việc trọng tâm cần phải làm trong thời gian tới. Cần nghiên cứu ứng dụng GIS trên diện rộng tại T.Ư và địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị đảm bảo kiểm soát năng động và hiệu quả các hoạt động xây dựng đô thị.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: