Xung quanh dự luật Xử lý vi phạm hành chính, chiều qua, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) đề nghị tịch thu phương tiện đối với các hành vi vi phạm hành chính như khai thác khoáng sản trái phép, đua xe...
Xung quanh dự luật Xử lý vi phạm hành chính, chiều qua, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) đề nghị tịch thu phương tiện đối với các hành vi vi phạm hành chính như khai thác khoáng sản trái phép, đua xe...
Dự luật Xử lý vi phạm hành chính đã bỏ quy định hiện hành là bắt buộc đối tượng bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh, một số ĐBQH ủng hộ quan điểm mới này nhưng số đông phát biểu tại nghị trường chiều qua lại bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Ngô Văn Minh “thiết tha đề nghị QH nên cân nhắc quy định này” vì cho rằng nếu “bỏ ngỏ lĩnh vực này là chưa thỏa đáng”. Theo ông Minh, nếu không đưa đối tượng bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì cũng nên lập ra một trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp, tạo điều kiện cho họ vào đấy 6 tháng, 1 năm, đào tạo nghề bằng giải pháp khác để cho người ta có điều kiện hoàn lương, chứ không nên áp dụng theo cách phạt cho tồn tại.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của người nhiều năm công tác trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), cũng “rất băn khoăn việc không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh”. “Trong thực tiễn số người bán dâm cũng có một số bị các bệnh xã hội, bị lây nhiễm HIV cần phải được chữa trị một cách cẩn trọng để trước hết vì mục đích cho cộng đồng và mục đích cho chính những người bán dâm này. Cho nên chúng tôi rất băn khoăn về việc bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh”, ông Tuyến nói.
ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng nên đưa cả người mua dâm vào cơ sở khám chữa bệnh. Theo ĐB này, không có cơ sở nào để nói rằng người bán dâm bị bệnh và gây bệnh còn người mua dâm thì không bị. “Vì vậy, để đảm bảo tính công bằng và để ngăn ngừa bệnh thì cả người bán dâm và người mua dâm đều phải vào cơ sở khám chữa bệnh”, bà Chi đề nghị trong khi các ĐBQH cười nghiêng ngả vì sáng kiến này.
|
Xe đua trái phép cần bị tịch thu, bất kể chủ sở hữu là ai
|
Tang vật vi phạm phải bị tịch thu
Về xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trong dự luật theo quan điểm: việc trả lại tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp là cần thiết, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của công dân, tổ chức. Đồng thời, để xử lý nghiêm trường hợp người có hành vi chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tang vật, phương tiện của người khác để vi phạm hành chính, dự thảo luật bổ sung quy định trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.
“Về xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt sử dụng trái phép để vi phạm hành chính, tôi thấy không yên tâm như giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phản biện. Bà Chi phân tích: Về lý thì phải bảo vệ chủ sở hữu khi chủ sở hữu không có lỗi, nhưng trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật cho thấy, nếu không có chế tài nghiêm khắc thì không thể răn đe vi phạm. “Vì vậy, đề nghị nên quy định theo hướng tất cả mọi người khi đã vi phạm sử dụng phương tiện thì dù các phương tiện đó là của người đó hay là mượn, thuê thì cũng phải tịch thu để đảm bảo công bằng trong pháp luật”, ĐB này nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị QH quy định trong dự luật theo hướng tịch thu tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính, đặc biệt là đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, trật tự an toàn xã hội, ví dụ như vấn đề khai thác sa khoáng, đào đãi vàng, khai thác cát trên sông, đua xe trái phép để nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Theo ĐB này “nếu quy định theo hướng trả lại phương tiện vi phạm do đối tượng vi phạm mượn, thuê không thuộc sở hữu của đối tượng vi phạm sẽ dễ nảy sinh tình trạng lạm dụng, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm”.
“Việc tịch thu phương tiện không phân biệt chủ sở hữu vi phạm hay bị chiếm dụng trái phép để vi phạm cũng chính là điều kiện để đảm bảo công bằng trong trường hợp người vi phạm sử dụng phương tiện của mình thì bị tịch thu, trong khi đi mượn thì không xử lý tịch thu. Hơn nữa, tình hình trật tự tội phạm liên quan đến trật tự công cộng, nhất là trong vấn đề khai thác sa khoáng, khai thác cát trái phép trên các sông hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, kể cả tình trạng đua xe trái phép”, ông Vở nhấn mạnh.
Giảm mức phạt tối đa, tăng mức phạt tối thiểu
Ngoài các vấn đề nêu trên, việc áp dụng mức tiền phạt tối thiểu, tối đa đối với cá nhân và tổ chức cũng là nội dung được nhiều ĐBQH “mổ xẻ” tại phiên thảo luận. Đa số ý kiến đề nghị nên giảm mức phạt tối đa với cá nhân từ 1 tỉ đồng như dự thảo luật xuống còn 500 triệu đồng, đồng thời, tăng mức tiền phạt tối thiểu với tổ chức từ 100.000 đồng như hiện nay lên 500.000 đồng và mức tối đa từ 2 tỉ đồng lên 5 tỉ đồng để đủ sức răn đe vi phạm.
|
Theo Thanh Niên