Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, nhiều nội dung liên quan tới nhiệm vụ, giải pháp giao cho các bộ, ban, ngành đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn khách quan và xu thế chung trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách một cách hiệu quả hơn, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, VCCI đề nghị bổ sung thêm “đối thoại với các bộ, ngành Trung ương” vào nội dung dự thảo. Hay như nhiệm vụ và giải pháp về xử lý đối với các cá nhân, tổ chức, cán bộ công chức gây nhũng nhiễu khi thực thi công vụ và để đảm bảo sự đồng bộ, cần bổ sung thêm việc cần có cơ chế giám sát thực thi và tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở để phát hiện và xử lý các cán bộ công chức không thực hiện đúng chức trách của mình.
Cùng với đó, VCCI cũng đề xuất bổ sung thêm vào dự thảo, nội dung: “Tham mưu và chủ động đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 và Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 cần phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề để kịp thời đánh giá, đề xuất hình thành các thể chế hoặc tổ chức chuyên biệt thực hiện chức năng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, tìm kiếm và thúc đẩy cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, dự thảo cũng cần bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của các bộ, ngành về chia sẻ thông tin về các chính sách, quy định liên quan đến doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để VCCI và các hiệp hội ngành hàng phổ biến cho doanh nghiệp.
Với nội dung “ Kích cầu nội địa, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế”, theo VCCI, cần bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Công Thương “hỗ trợ thiết lập các kênh phân phối ổn định, thông suốt, tin cậy đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản” để tăng cường hoạt động kích cầu, mở rộng thị trường nội địa.
Đồng thời, tổ chức các chiến dịch xúc tiến thương hiệu quốc gia chung, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo từng nhóm sản phẩm nổi bật hay thông qua các thương vụ, các trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, thiết lập các kênh thông tin, kết nối và hỗ trợ cho doanh nghiệp khi kinh doanh với thị trường nước ngoài, tận dụng các cơ hội từ các FTA để xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy mở rộng thị trường quốc tế.
Bộ Công Thương cũng nhận thêm nhiệm vụ rà soát khung khổ pháp lý cho việc phát triển thương mại nội địa trên trên môi trường điện tử, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, xây dựng các chế tài nhằm thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và thương mại điện tử; đồng thời, hỗ trợ xây dựng các sàn giao dịch điện tử hoạt động dưới hình thức phi thương mại nhằm tăng cường, tiêu thụ các sản phẩm trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
VCCI đề xuất bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể như: phối hợp với Bộ Công Thương để thúc đẩy, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế đối với nông sản Việt Nam; tăng cường các hoạt động đàm phán, thỏa thuận với các đối tác thị trường tiềm năng để các nước này mở cửa thêm cho các loại nông sản Việt Nam; thiết lập thêm các cơ sở, trung tâm kiểm nghiệm, xử lý các tiêu chuẩn kỹ thuật (SPS, TBT) đối với các loại nông thủy sản xuất khẩu, giảm các chi phí liên quan tới việc kiểm nghiệm, xử lý này.
Khác với các nhiệm vụ có tính chính sách khác, trong các nhiệm vụ liên quan tới kích cầu, mở rộng thị trường trong nước, quốc tế, việc triển khai cần có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI và các hiệp hội. Đồng thời, trong một số trường hợp nhất định, khi sự tham gia của Nhà nước là không thích hợp với thông lệ và quy tắc quốc tế, hành động chủ động của doanh nghiệp là cần thiết. VCCI, đề nghị bổ sung thêm nhóm nhiệm vụ như: VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương chủ động triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu dùng nội địa ở tầm quốc gia, khu vực, ngành hàng; tổ chức, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia vào chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình bình ổn giá, giảm giá, kích cầu tiêu dùng theo từng ngành hàng, từng thời điểm…
Cùng đó, tích cực tham gia vào các cơ chế song phương và đa phương quan trọng trong khu vực và trên thế giới; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư thiết thực, đoàn khảo sát thị trường, các dự án, chương trình xúc tiến hiệu quả giúp chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và cơ hội hợp tác góp phần nâng cao năng lực hội nhập của Việt Nam với thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, phân tích, đánh giá nhu cầu, xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ thông tin, đào tạo năng lực, tư vấn… cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do.
Ngoài ra, thông tin, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đối phó hiệu quả với các rào cản thương mại quốc tế phát sinh, đặc biệt là các vụ kiện phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại trá hình ở các thị trường xuất khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, các thị trường tiềm năng mới, đang khai phá, có xu hướng bảo hộ cao; nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị liên quan đến các đàm phán hiệp định thương mại tự do với các bộ, ngành liên quan và các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp...
Trong nhóm giải pháp hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa chủ yếu của Việt Nam, VCCI cũng đề nghị bổ sung nhiệm vụ cụ thể như: nghiên cứu ban hành chính sách về hình thành cho vay theo chuỗi giá trị nông sản chủ yếu của Việt Nam, bao gồm: lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả, tôm, cá tra nhằm hạn chế tình trạng “được mùa mất giá; được giá mất mùa”. Bên cạnh đó, hình thành sàn giao dịch hàng hóa lớn theo hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng thương lai, giúp nông dân và nhà sản xuất giảm thiểu rủi ro giá cả thị trường.
Ngọc Quỳnh
Theo Báo Tin tức - TTXVN