Tình trạng giãn cách kéo dài khiến doanh nghiệp gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề, ngân hàng đứng trước nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam đã khiến các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP HCM và các tỉnh phía Nam phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề.
Quyết định giãn cách kéo dài nhiều tháng liên tiếp không chỉ gây ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế của các thành phố, mà còn tạo ra nhiều thách thức đến đà tăng trưởng, gây áp lực lớn lên dòng tiền chảy vào các doanh nghiệp.
Điều này được thể hiện rất rõ qua số liệu báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp của Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 7 tháng đầu năm.
Cụ thể, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do chịu tác động của dịch bệnh tiếp tục có sự gia tăng với 79.673 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chiếm đến 50,5%.
"Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ và là đối tượng liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua," Cục Đăng ký kinh doanh cho biết.
Tính riêng TP HCM, trong 7 tháng đầu năm, có đến 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu do số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng lên 12.071 doanh nghiệp, chiếm 30% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP HCM trong giai đoạn 2016-2021.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho biết thời gian qua, COVID-19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh.
Bên cạnh đó, do chưa thể đáp ứng thực hiện “3 tại chỗ” trong một thời gian quá ngắn (1 ngày) theo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của UBND TP HCM nên nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động.
Theo khảo sát từ 209 doanh nghiệp khu vực phía Nam của VTV, nhiều doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30% lao động duy trì sản xuất. Tình thế này đang đẩy doanh nghiệp vào thế khó đối với các kế hoạch sản xuất sắp tới.
Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, ông Nguyễn Chánh Phương, cho biết nếu việc gián đoạn chỉ diễn ra trong vòng 1-2 tháng thì không gây ra nhiều ảnh hưởng đến sự lựa chọn của các nhà mua hàng trên thế giới. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, chỉ từ 3 - 6 tháng, chắc chắn các bạn hàng thế giới sẽ đi tìm đối tác khác.
Cơ cấu nợ có là giải pháp cho bài toán nợ xấu?
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01 và Thông tư 03 nhằm tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác để hỗ trợ và giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Mới đây, NHNN tiếp tục ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, kéo dài thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ đến hết 30/6/2022 thay vì chỉ đến cuối năm nay.
Trả lời VTV, đại diện của CTCP Nhựa Đồng Nai cho biết doanh nghiệp hiện nay đang bị ảnh hưởng chủ yếu từ dòng tiền ngắn hạn, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Một đại diện doanh nghiệp khác lại cho hay trong gần 2 tháng qua dòng tiền về doanh nghiệp gần như bằng 0.
Không chỉ vậy, việc thực hiện “3 tại chỗ” khiến chi phí tại các doanh nghiệp nay lại càng tăng cao khi phải nuôi hàng trăm lao động. Cơ cấu gia hạn nợ sẽ giúp các doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, tiếp tục có dòng tiền để "gắng gượng" trong thời điểm khó khăn này.
Số liệu từ NHNN cho biết tính đến ngày 26/7, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đến ngày 26/7 đã thực hiện gia hạn nợ cho 191.235 khách hàng với dư nợ 4.723 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.192.080 khách hàng với số tiền 118.103 tỷ đồng.
Dù vậy, tổng số dư nợ xấu tại 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 vẫn tăng 4,5% so với cuối năm trước, trong đó quá nửa số ngân hàng trên có số dư nợ xấu tăng và hơn 1/3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu hai con số.
Nhiều ngân hàng lớn như Agribank có dư nợ xấu lên tới gần 24.429 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm trước (báo cáo tài chính riêng lẻ). Trong khi đó, BIDV cũng sở hữu mức nợ xấu cao không kém là 21.141 tỷ đồng dù mức này đã giảm 1,1% sau 6 tháng đầu năm.
Nhiều ý kiến cho rằng bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế khi NHNN cho phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19.
Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 mới đây của Chính phủ, dự báo đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ước đạt 1,54% - 1,91%.
Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn, các khoản được cơ cấu lại không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% - 4,98% cuối năm 2021 và có thể lên đến gần 5% nếu kinh tế chậm phục hồi.
Để ứng phó với điều này, hầu hết ngân hàng đã chủ động tăng khả năng phòng thủ bằng cách trích lập dự phòng.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý II của 28 ngân hàng, có tới 11 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, điều này có nghĩa là ngân hàng đã để ra quỹ dự phòng vượt mức nợ xấu đã phát sinh. Thậm chí, có ngân hàng sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 352%.
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng con số này chỉ ảnh hưởng đến giá trị sổ sách và lợi nhuận của ngân hàng.
Trong khi thực tế cho thấy với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm dừng hoạt động, do vậy không thể trả nợ cho ngân hàng đúng hạn. Từ đó dẫn đến tình trạng mất thanh khoản, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngân hàng.
Báo cáo mới đây của World Bank cũng chỉ ra rằng chất lượng cho vay đã bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng tại Việt Nam.
Theo đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đã tăng mạnh từ mức 136% vào năm 2019 lên 146% vào cuối năm 2020, làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng do quan hệ của họ với những ngành kinh tế bị ảnh hưởng như du lịch, hàng không và có thể cả bất động sản.
Do đó, đơn vị này khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần theo dõi cẩn thận sự gia tăng của nợ xấu để đảm bảo sức khỏe cho khu vực tài chính và thúc đẩy áp dụng quy định về an toàn vốn theo chuẩn Basel II đối với mọi ngân hàng đang hoạt động.
Phương Nga
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết