Nhấn mạnh điều này, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode cho rằng, tiến độ bàn giao - tiếp nhận trụ sở các bộ, ngành sau khi di dời ì ạch, chậm chạp là một sự lãng phí nguồn lực và bỏ lỡ cơ hội phát triển của Hà Nội. Điều này xuất phát từ việc chưa có chế tài nào xử lý người đứng đầu của cơ quan bàn giao và tiếp nhận.
Thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi khu vực nội đô Hà Nội, 15 năm qua, Chính phủ đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng công trình mới. TP. Hà Nội dành khoảng 100ha đất trên địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm để sắp xếp.
Tuy nhiên, đến nay, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho rằng, chưa thu hồi được mét đất nào từ các cơ sở cũ gây lãng phí lớn đối với ngân sách Nhà nước, đồng thời, mục tiêu giảm tải cho khu vực nội đô cũng chưa biết khi nào thành hiện thực. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode.
Theo luật sư, sự chậm trễ bàn giao các trụ sở các bộ, ngành đã di dời ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội có phải là sự lãng phí tài sản quốc gia?
Thực tế thì một số bộ, ngành, cơ quan Nhà nước đã di dời tới trụ sở mới, như vậy công bằng mà nói thì mục tiêu giảm tải khu vực nội đô đã đạt được thành quả nhất định. Lộ trình di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi khu vực nội đô Hà Nội là chủ trương thực hiện kế hoạch dài hơi nên cũng cần phải chuẩn bị nhiều về thời gian và tài chính, cụ thể là từ năm 2012 đến 2020.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ quan, bộ, ngành đã chuyển về trụ sở mới xong việc bàn giao - tiếp nhận trụ sở cũ vẫn "dậm chân tại chỗ" cho thấy sự thiếu chủ động của các bên liên quan, thậm chí có dấu hiệu cố tình kéo dài thời gian bàn giao vì lợi ích cơ quan, lợi ích ngành thậm chí cả lợi ích nhóm.
Chủ trương của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, thuộc chiến lược quy hoạch quốc gia, phù hợp với Luật Thủ đô. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao - tiếp nhận ì ạch, chậm chạp là một sự lãng phí nguồn lực và bỏ lỡ cơ hội phát triển của Hà Nội, lãng phí tài sản Nhà nước. Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các chủ thể có liên quan.
Trong ảnh là 2 trụ sở mới của Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Nội Vụ được xây dựng sát nhau trên đường Tôn Thất Thuyết. Ảnh: Trần Kháng.
Dưới góc nhìn của một luật sư, ông có thể lý giải đâu là lý do dẫn đến tình trạng này? Phải chăng đang có một lỗ hổng pháp lý cần tháo gỡ kịp thời?
Chủ trương thì hoàn toàn đúng đắn, song việc thực hiện thì quá chậm thậm chí là phổ biến. Hiện tượng di dời nhưng không bàn giao, nguyên nhân do đâu?
Theo tôi, nguyên nhân có nhiều song không loại trừ khả năng tập trung ở các nhóm cơ bản sau:
Thứ nhất, hầu hết đất và nhà phải bàn giao về cho Thành phố Hà Nội đều là những khu đất siêu đắt đỏ, giữ được ngày nào thì còn lợi ích ngày đó.
Thứ hai, các cơ quan Nhà nước bằng cách này, cách kia xin được chấp thuận tạm thời làm cơ sở 2 để một là thực hiện nhiệm vụ cơ quan, ngành, tiện thể “giữ đất” chờ cơ chế, chẳng hạn như Tổng Cục Hải quan hay Bộ Tài nguyên Môi trường.
Thứ ba, một số bộ ngành, cơ quan không chủ động, mặn mà gì với việc chấm dứt, thanh lý Hợp đồng liên doanh, Hợp đồng cho thuê hay hợp tác kinh doanh…, cũng có cơ quan khó khăn trong việc thoát khỏi những hợp đồng thỏa thuận này, vì thực tế có thể họ phải đối mặt với kiện tụng hay trách nhiệm bồi thường khi chấm dứt trước thời hạn.
Thứ tư, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, bộ, ngành được tiếp nhận trụ sở mới với cơ quan quản lý nhà đất của Hà Nội về việc bàn giao - tiếp nhận.
Cuối cùng, tôi cho rằng, quy định là như vậy, song thực tế, nếu không thực hiện thì cũng không sao, chẳng có chế tài nào xử lý người đứng đầu của cơ quan hai bên: Bên bàn giao và bên tiếp nhận nên cuối cùng vẫn cứ ì ạch, chậm chạp, thiệt hai vẫn là Nhà nước, là nguồn lực dồi dào bị bỏ phí hoặc lợi ích rơi vào tay một nhóm thiểu số người.
Đề xuất giao các cơ sở nhà đất cũ sau khi được xây dựng trụ sở mới về cho Hà Nội để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch có phù hợp với quy định của pháp luật?
Điều 3 Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/01/2015 quy định về việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời:
- Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch;
- Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời;
- Đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng;
- Việc sử dụng và cải tạo xây dựng các cơ sở bệnh viện cũ cho khám chữa bệnh hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học phải đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện có.
Như vậy, có thể thấy, mục đích sử dụng nhà đất trụ sở cơ quan cũ cho đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật là phù hợp với quy định nêu trên của Thủ tướng. Tuy nhiên, vấn đề sau khi tiếp nhận có được đầu tư, khai thác sử dụng đúng hay không lại là câu chuyện của vài năm tới đây.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng trong buổi làm việc với Reatimes.
Thưa ông, bằng cách nào, Hà Nội có thể yêu cầu các bộ, ngành bàn giao lại các khu đất cũ sau khi di dời trụ sở?
Chủ trương di dời tới trụ sở mới có từ năm 1997, nhưng đến nay gần 20 năm, mới chỉ có 7 bộ, ngành chuyển ra trụ sở mới, trong khi đó, 16 đơn vị còn lại chưa có kế hoạch di dời. Giải pháp phải được thực hiện từ nhiều phía, cụ thể:
Đối với cơ quan chủ quản: Tích cực, chủ động tham gia, yêu cầu tham gia vào việc bàn giao - tiếp nhận; Tiếp tục huy động nguồn vốn thông qua các hình thức PPP, hợp đồng BT;
Thay đổi ngay chính ý thức của chính các cơ quan bộ, ngành, các đơn vị có trụ sở mới hoặc các cơ quan có tên trong danh sách phải di dời hầu hết đều chưa muốn bàn giao lại cơ sở cũ, hoặc cải tạo lại cơ sở cũ để tiếp tục duy trì một phần hoạt động của cơ quan; Xem xét, xử lý công khai trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm trễ bàn giao trụ sở cũ.
Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Vì vậy, nhà, đất là những tài sản có giá trị lớn, đặc biệt tại khu nội đô Hà Nội nên cần được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và đúng luật.
Theo ông, Nhà nước có nên tính đến một giải pháp khác mang tính kinh tế, hiệu quả hơn. Đó là một khi đã tính di dời các bộ ngành ra khỏi thành phố thì phải khẩn trương bàn giao lại cho Chính phủ. Lúc này, Bộ Tài chính sẽ là đầu mối thay mặt Chính phủ nắm giữ rồi tiến hành đấu giá công khai một số trụ sở có giá trị đất cao. Những khu vực giá trị thấp hơn thì hãy tính chuyện làm vườn hoa hoặc bãi đỗ xe...?
Quan điểm của tôi là nên thực hiện các dự án hạ tầng xã hội vì so với các nước phát triển, diện tích quảng trường, công viên và các công trình công ích khác của Hà Nội còn đang thiếu nhiều.
Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án thương mại thông qua đấu giá các khu đất vàng tại Hà Nội cũng cần được tính đến. Vấn đề làm sao kiểm soát được tính minh bạch, hiệu quả và đúng luật của hoạt động đấu giá này mà thôi.
Nằm trong Khu đô thị mới Cầu Giấy, tại Lô đất D25 ngõ 7 Tôn Thất Thuyết, 2 trụ sở mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Ảnh: Trần Kháng.
Trụ sở các Bộ phải chuyển đi đều nằm ở vị trí đẹp của khu vực trung tâm. Đó là những tài sản có giá trị rất lớn của Nhà nước. Một số ý kiến cho rằng, có thể đổi đất đó lấy cơ sở hạ tầng. Theo ông, nếu thực hiện phương án này thì bằng cách nào để việc chuyển đổi không gây thất thoát tài sản công?
Như tôi đã nói ở trên, chỉ có kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá các khu đất theo đúng Luật Quản lý Sử dụng tài sản Nhà nước 2008, Luật Đấu giá 2015 và các văn bản dưới Luật thì mới mong tránh được tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, người trúng đấu giá không nhận tài sản…
Muốn như vậy, phải minh bạch, khoa học trong tổ chức các hoạt động đấu giá từ khâu: Niêm yết việc đấu giá tài sản, thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản; Hủy kết quả đấu giá tài sản…
Theo luật sư, trước khi cho phép thực hiện các vụ trao đổi, chuyển nhượng như vậy, công việc thẩm định lại giá trị các khu đất này cần được thực hiện ra sao?
Để tránh lặp lại một làn sóng trục lợi tài sản Nhà nước như việc cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian vừa qua, thì việc định giá tài sản, đất đai, trụ sở làm việc, cần thực hiện chuẩn theo các quy định pháp luật về thẩm định giá đất, quy định tại Luật Đất đai 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, cần tuân thủ nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 112 Luật Đất đai, Điều 4, Điều 5 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT.
Hơn lúc nào hết, các chủ thể tham gia hoạt động đấu giá, đổi đất lấy hạ tầng hay bán trực tiếp trụ sở cơ quan Nhà nước... phải là những người vừa có tâm vừa có tầm.
Theo bảng giá đất của TP. Hà Nội công bố thì giá đất ở các khu có trụ sở các Bộ đã hoặc sắp chuyển đi hiện nay còn kém khá xa so với giá thị trường. Điều đó có thể làm cho khâu định giá thiếu chính xác?
Việc xác định giá đất cụ thể dựa trên căn cứ là nguyên tắc định giá đất, phương pháp định giá đất; kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường, kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về thửa đất, giá đất thị trường.
Theo quy định tại Điều 112 Luật Đất đai 2013: Nguyên tắc, phương pháp định giá đất như sau:
Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá;
b) Theo thời hạn sử dụng đất;
c) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất;
d) Cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.
Bảng giá đất không ảnh hưởng đến khâu định giá đất, vấn đề là đội ngũ thẩm định viên đủ năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt thì hạn chế được rất nhiều nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước khi chuyển giao.
Trân trọng cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!
Thành Công (thực hiện)
Theo Reatimes