Trong đợt rét kỷ lục xảy ra vào cuối tháng 1/2016, trên địa bàn xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) băng tuyết bao phủ hàng trăm ha diện tích rừng và thảm thực vật.
Việc người dân tự ý đốt thảm thực vật khô, lá khô ngay trong khu vực rừng khiến lửa lây lan nhanh rất khó kiểm soát. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Sau băng tuyết, những diện tích rừng này đã bị cháy lá, gãy cành, ngọn, nhiều diện tích rừng cây đã chết khô hoàn toàn.
Thời điểm này, tại xã Tỏa Tình, trời nắng nóng khiến nhiều diện tích rừng ở đây đứng trước nguy cơ xảy ra cháy.
Trở lại Tỏa Tình sau hơn một tháng kể từ đợt rét kỷ lục xảy ra vào cuối tháng 1/2016, khắp những cánh rừng trên các sườn đồi đã nhuốm một màu vàng úa, khô khốc.
Đặc biệt, từ trung tâm xã lên đến đỉnh đèo Pha Đin theo Quốc lộ 6 cũ, chỉ còn lác đác số ít cây còn màu xanh, thay vào đó, hầu hết cây đều cháy lá, gãy cành, chết khô. Thời tiết hanh khô, diện tích thảm thực vật, rừng cây bị chết khô do băng tuyết đã làm tăng nguồn vật liệu gây nguy cơ cháy rừng trên diện rộng.
Theo ông Mùa A Dề, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình, những cánh rừng khô giống như những quả bom có thể kích nổ bất cứ lúc nào, chỉ cần một mồi lửa là có thể cháy cả khu vực rừng nơi đây.
Ông Mùa A Dề cho biết thêm toàn xã hiện có hơn 260ha rừng bị thiệt hại, nhiều diện tích rừng cây đã khô trên 80%. Chính quyền xã cũng ý thức được về nguy cơ cháy rừng cao từ những diện tích rừng này nên đã chỉ đạo người dân trên địa bàn tiến hành phát dọn, quét dọn những thảm thực vật, cành và lá khô dễ gây cháy để xử lý.
Bên cạnh đó, xã huy động lực lượng làm đường băng cản lửa tránh nguy cơ lây lan cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, bảo vệ và sẵn sàng dập lửa khi xảy ra cháy.
Ông Vũ Văn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo, cho biết huyện Tuần Giáo có khoảng 2.000ha rừng bị hư hại sau đợt rét xảy ra vào cuối tháng 1/2016. Huyện đã làm việc với các xã, đặc biệt là xã Tỏa Tình và Tênh Phông là hai địa phương bị thiệt hại nhiều nhất để có biện pháp khắc phục.
Trước mắt, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động học sinh, các hộ gia đình không sử dụng lửa ở trong rừng. Các hộ gia đình khi dọn, phát nương phải đảm bảo đúng quy trình.
Theo ông Đức, quy trình đảm bảo an toàn đó là khi dọn, phát nương người dân cần vun các cành cây, thảm thực vật khô ra đường để đốt tránh nguy cơ lửa lan lên rừng.
Đồng thời, nguyên tắc khi đốt là phải thực hiện trước 10 giờ hàng ngày bởi khi đó những vật liệu cháy chưa bị khô hẳn, vẫn còn ẩm nên nguy cơ lửa lây lan là thấp, việc đốt thảm thực vật khô cũng phải được kiểm soát.
Tuy nhiên, khi có mặt tại Tỏa Tình vào thời điểm giữa trưa, trời nắng gắt, gió khá mạnh, chúng tôi đã chứng kiến người dân nơi đây ngang nhiên đang đốt lá, thảm thực vật và cành khô ngay trong rừng.
Việc người dân đốt ngay trong rừng khiến lửa lây lan hàng chục mét. Đáng lo ngại hơn là việc đốt rừng như thế này lại được thực hiện khi chỉ có vẻn vẹn vài người. Khi phát hiện lửa lan nhanh, người dân mới dập lửa bằng một cái bình để phun thuốc sâu đựng được vài chục lít nước.
Nói về việc đốt thảm thực vật, cành khô ngay trong rừng và khi chỉ có vài ng ười, lại tiến hành vào lúc 12 giờ trưa theo ông Vũ Văn Đức là không đúng quy định.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo cũng khẳng định sẽ kiểm tra lại thông tin có hay không việc người dân việc đốt thảm thực vật vào thời điểm giữa trưa và có ý kiến chỉ đạo kịp thời để ngăn chặn tình trạng này.
Mục tiêu của huyện là từ nay đến đầu mùa khô không để xảy ra cháy rừng ở những khu vực bị thiệt hại do giá rét vừa qua. Có thể khẳng định nếu chính quyền địa phương không siết chặt công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân thì nguy cơ cháy rừng xảy ra tại đây là rất cao.
Trịnh Xuân Tư
theo Vietnam+