Hàng loạt các công trình lớn xây dựng không phép, sai phép nhưng thay vì trả lại hiện trạng ban đầu thì lại được điều chỉnh quy hoạch để hợp thức, đứng hiên ngang trước sự ngỡ ngàng của người dân…
Trước tình trạng điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện ở các đô thị hiện nay, tại phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội hồi tháng 6/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, điều chỉnh quy hoạch là một nội dung, một nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch và trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Trong đó, điều chỉnh quy hoạch là do những yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan đến hoạt động quy hoạch gồm: Điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước yêu cầu; Điều chỉnh quy hoạch do người dân yêu cầu; Điều chỉnh quy hoạch do Nhà đầu tư yêu cầu.
Nhưng dư luận xã hội, cử tri và đại biểu đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tuỳ tiện: nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, dư luận vô cùng bức xúc trước hiện trạng hàng loạt các dự án với nhiều công trình lớn được xây dựng không phép, sai phép, thế nhưng chỉ bị xử phạt hành chính, các biên bản vi phạm có chăng được lập cho “đủ bài”(?). Đáng nói, các hoạt động xây dựng sau đó vẫn “vô tư” diễn ra bởi dự án sẽ được điều chỉnh quy hoạch kịp thời và rất đúng quy trình?
Tại tỉnh Thái Bình, dư luận vô cùng bức xúc trước hiện trạng một dự án mặc dù tồn tại hàng loạt vi phạm, thế nhưng vẫn ngang nhiên tiến hành thì công rồi đi vào hoạt động, thách thức pháp luật?
Theo đó, Công ty Cổ Phần New Đồng Châu tổ chức thi công xây dựng Resort New Đồng Châu với hàng loạt công trình có quy mô lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp này tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép… nhưng đến nay vẫn vô tư đi vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch một cách rầm rộ.
Trao đổi thông tin với cơ quan báo chí, ông Vũ Trung Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Đông Minh cũng thừa nhận: Năm 2014, chủ doanh nghiệp này được UBND huyện Tiền Hải cho thuê 4.857,2m2 đất với mục đích kinh doanh.
Hiện nay, đơn vị này đã nhận chuyển nhượng thêm 27.298,8 m2 đất nuôi trồng thủy sản (làm muối) của các hộ dân. Cho đến thời điểm hiện tại Công ty Cổ Phần New Đồng Châu đã tự ý chuyển đổi mục đích, xây dựng khu nghỉ dưỡng trái phép trên diện tích khoảng 6.640 m2 trên đất nuôi trồng thủy sản.
Trước sự bức xúc của dư luận địa phương, cuối tháng 9/2019, ông Vũ Huy Hoàng – Phó chủ tịch UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình) đại diện chính quyền tổ chức họp báo. Tại buổi họp báo này, lãnh đạo huyện Tiền Hải thừa nhận chính quyền địa phương đã chậm phát hiện, xử lý không kiên quyết đối với những vi phạm về xây dựng, đất đai tại công trình Resort New Đồng Châu.
Thế nhưng, đáng nói, cũng tại buổi họp báo này, đại diện UBND huyện Tiền Hải lại tiếp tục khẳng định quan điểm của Huyện là: “Tiếp tục cho kinh doanh trên diện tích 6640m2 vi phạm” trong khi chờ quyết định của tỉnh Thái Bình.
Còn nhớ, liên quan đến một loạt sai phạm tại Resort New Đồng Châu, ngày 16/7/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối ông Tô Xuân Đam (SN 1964), Chủ tịch UBND xã Đông Minh và ông Ngô Văn Bừng (SN 1971) Phó chủ tịch xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, về tội danh "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" quy định tại khoản 1 Điều 229 Bộ luật hình sự".
Như vậy, sai phạm được cho là nghiêm trọng đến mức 2 lãnh đạo địa phương phải khởi tố, thế nhưng các công trình đã được hoàn thiện để ngang nhiên đi vào hoạt động. Có chăng, tỉnh Thái Bình đã tạo điều kiện để doanh nghiệp này hoàn thiện hồ sơ, điều chỉnh quy hoạch cho đúng quy trình?
Tại Hà Nội, cuối năm 2019, dư luận không khỏi bức xúc khi UBND quận Đống Đa lại ban hành thêm một Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Ngôi Nhà mới (gọi tắt Công ty Ngôi Nhà mới) – chủ đầu tư dự án xây dựng tòa nhà thương mại, dịch vụ và khách sạn (số 2 Ngõ Giếng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội).
Quyết định xử phạt thứ hai được ban hành ngày 3/9, buộc chủ đầu tư dự án nộp phạt hành chính với số tiền 50 triệu đồng do đã tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp.
Tại quyết định này, lãnh đạo UBND quận Đống Đa yêu cầu chủ đầu tư phải đình chỉ thi công, tuyệt đối không phát sinh thêm vi phạm trật tự xây dựng; liên hệ với các cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn cấp GPXD điều chỉnh theo quy định.
“Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, nếu chủ đầu tư chưa được cấp GPXD điều chỉnh thì phải tự khắc phục, phá dỡ bộ phận vi phạm”, quyết định nêu rõ.
Trước đó, ngày 21/6/2019, UBND quận Đống Đa cũng đã ban hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Ngôi Nhà mới với số tiền 40 triệu đồng. Những vấn đề mà quận Đống Đa yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cũng tương tự như Quyết định ngày 3/9, trong đó có yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ thi công tuyệt đối, không để phát sinh thêm sai phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn phớt lờ lệnh đình chỉ khi tiếp tục tổ chức thi công.
Việc UBND quận Đống Đa tiếp tục ra văn bản xử phạt hành chính trong khi đối chiếu với quyết định xử phạt trước đó, chủ đầu tư đã hết thời hạn để khắc phục, tháo dỡ sai phạm khiến dư luận đặt nghi vấn, liệu có phải chủ đầu tư đang được kéo dài thời gian để hợp thức sai phạm?
Trao đổi về các biện pháp để xử lý tận gốc vấn nạn này với cơ quan báo chí, Chuyên gia về quy hoạch đô thị, TP Hà Nội - Thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho rằng, chỉ đạo không giao dự án mới cho các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng là chế tài răn đe cần thiết. Nhưng đối với các công trình đã sai phạm, cần phải mạnh tay xử lý, không chỉ lập biên bản hành chính, phạt tiền rồi cho qua.
“Đối với các công trình sai phạm vượt tầng thì không chỉ phạt hành chính nữa, mà phải thực hiện chế tài tháo dỡ, có như vậy sẽ không tạo thành tiền lệ để các công trình sau này sai phạm” - ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Vinh Đức
Theo Enternews