Xem xét mức giá cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thước đo để nhiều nhà đầu tư ngắm vào chính là 2 “đại gia” ngân hàng khác đang niêm yết: VietinBank và Vietcombank.
Xem xét mức giá cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thước đo để nhiều nhà đầu tư ngắm vào chính là 2 “đại gia” ngân hàng khác đang niêm yết: VietinBank và Vietcombank.
Kết thúc phiên giao dịch 19/12, giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đóng cửa ở mức 22.000 đồng/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu CTG của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đóng cửa ở mức 17.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá khởi điểm của cổ phiếu BIDV (18.500 đồng/cổ phiếu) đang ở giữa.
Câu hỏi được hầu hết các nhà đầu tư quan tâm là, họ nên tham gia đấu giá BIDV với mức giá khởi điểm 18.500 đồng/cổ phần, hay mua cổ phiếu CTG, VCB với mức giá hiện tại.
Một trong những tiêu chí được đưa ra để so sánh 3 đại gia này là quy mô của các ngân hàng. Hiện nay, nếu tính về tổng tài sản, theo số liệu đến hết quý III/2011, với tổng tài sản khoảng 380.000 tỷ đồng, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản trung bình trong 3 ngân hàng, thấp hơn VietinBank và cao hơn Vietcombank.
Ông Phạm Đức Ấn, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, khi định giá tài sản của BIDV, phần đất đai đã được tính hết bao gồm cả đất giao và đất thuê. Hiện tại, tổng diện tích đất BIDV đang quản lý và sử dụng là 420.833 m2 trên cả nước.
Trong khi đó, về yếu tố quan trọng khác là lợi nhuận, trong 9 tháng đầu năm 2011, tổng lợi nhuận của BIDV đạt thấp nhất trong số 3 ngân hàng. Cụ thể, tổng lợi nhuận 9 tháng của BIDV chỉ hơn 2.500 tỷ đồng, trong khi Vietcombank đạt lợi nhuận ròng 9 tháng gần 3.500 tỷ đồng, còn VietinBank đạt gần 4.500 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, tỷ lệ thu nhập trên tổng tài sản (ROA) 9 tháng đầu 2011 của BIDV thấp nhất trong 3 ngân hàng, đạt 0,64%, trong khi Vietcombank là 1,04%, VietinBank là 1,08%.
Theo bà Phan Thị Chinh, Phó tổng giám đốc BIDV, đến hết năm 2011, dự kiến lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng là gần 9.000 tỷ đồng, bằng 150% năm 2010 và 110% kế hoạch. Để tăng năng lực tài chính cho BIDV sau cổ phần hóa, Ngân hàng đã tăng dự phòng rủi ro từ 2.000 lên 4.800 tỷ đồng. Theo đó, mức lợi nhuận trước thuế còn 4.200 tỷ đồng. “Mức lợi nhuận này tuy thấp hơn so với một số ngân hàng cùng quy mô, nhưng năng lực tài chính của BIDV sau cổ phần hóa sẽ được nâng lên rất nhiều”, bà Chinh giải thích.
Tuy nhiên, BIDV lại là ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao nhất trong số 3 ngân hàng, với mức 10,28% so với 10% của Vietcombank và 9,86% của VietinBank. Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn của BIDV sẽ tiếp tục tăng cao hơn sau đợt IPO, do ngân hàng này phát hành cổ phiếu theo hình thức giữ nguyên vốn nhà nước và bán thêm cổ phần để tăng vốn chủ sở hữu.
Hiện nay, các ngân hàng đều có chủ trương phát triển kinh doanh theo hướng bán lẻ và cả BIDV, Vietcombank và VietinBank đều tỏ ra có lợi thế về hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Tính về độ “phủ sóng”, trong số 3 ngân hàng này, nếu Vietcombank mạnh nhất về số lượng máy ATM, thì VietinBank có mật độ phòng giao dịch nhiều nhất. Trong khi đó, BIDV phát triển cân bằng hơn cả, nếu tính về số chi nhánh, phòng giao dịch và số điểm ATM.
Ông Trần Phương, Giám đốc Dự án Cổ phần hoá BIDV cho biết, chiến lược 2011-2015 đã xác định rõ và nhấn mạnh định hướng chú trọng phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ. Theo đó, BIDV đặt mục tiêu nâng tỷ trọng huy động vốn dân cư lên mức trên 51% vào năm 2015 và tín dụng bán lẻ tăng lên mức trên 18% đến năm 2015 (thuộc top 3 ngân hàng bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam về tín dụng bán lẻ).
Chí Tín
Theo Dau tu