Ngày 1/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Giới thiệu hệ thống Kiểm dịch động thực vật (SPS) tại các nước thành viên Khối Thương mại Tự do châu Âu (EFTA)".
Ngày 1/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Giới thiệu hệ thống Kiểm dịch động thực vật (SPS) tại các nước thành viên Khối Thương mại Tự do châu Âu (EFTA)".
Nhiều DN vẫn chưa cập nhật đầy đủ hệ thống SPS. Ảnh: QT
Hội thảo nhằm giúp doanh nghiệp (DN) hiểu rõ hơn về hệ thống SPS mà các nước thành viên EFTA đang áp dụng, nhận thức được sự thống nhất về SPS giữa khối EFTA và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời lấy ý kiến DN, hiệp hội và các tổ chức liên quan để xây dựng phương án đàm phán về hợp tác trong lĩnh vực SPS với khối EFTA.
Tại Hội thảo, các DN đã được nghe các chuyên gia về SPS của khối EFTA giới thiệu những quy định chung về hệ thống SPS của khối EFTA, phổ biến các quy trình cụ thể để DN Việt Nam có thể xuất khẩu vào EFTA theo các nhóm mặt hàng động vật (thịt và thủy hải sản), thực vật (ngũ cốc và rau quả), thực phẩm chế biến và dược phẩm.
Ông Trần Trung Thực - Vụ trưởng, Trưởng đoàn Đàm phán Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam và EFTA cho biết, hệ thống SPS của khối EFTA áp dụng gần như nhất thể với hệ thống SPS của các nước EU về tiêu chuẩn đối với nhóm hàng có nguồn gốc động vật, còn đối với nhóm hàng có nguồn gốc thực phẩm hoặc thực phẩm thì hơi khác.
Do vậy, để xuất khẩu hàng nông nghiệp, thủy sản sang EFTA các DN Việt Nam cũng phải đáp ứng yêu cầu SPS của EU. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu hàng hóa có nguồn gốc động, thực vật của Việt Nam xuất khẩu sang được EFTA là lưu thông được trong EU và ngược lại.
Bà Thonmas Tison, chuyên gia nghiên cứu về hệ thống SPS cho hay, nếu hàng hóa vào được EU rồi thì sẽ lưu thông tự do và sẽ chỉ kiểm tra 20% lô hàng nếu đó là hàng hóa đặc biệt. Nếu có 1 lô hàng bị chặn lại thì các lô hàng tiếp theo cũng bị chặn lại để kiểm tra kỹ lưỡng.
Tại Hội thảo, các DN đã trao đổi, đưa ra những thắc mắc với các cơ quan quản lý, chuyên gia về cách thức khai thác thị trường này.
Khối EFTA hiện tại có 4 hội viên chính thức là Thụy Sỹ, Na Uy, Ai-xơ-len và Lich-ten-xtanh. Từ ngày 22 - 25/5/2012, Việt Nam đã tiến hành đàm phán phiên đầu tiên Hiệp định FTA với Khối EFTA và tới nay 2 bên đã trải qua 5 phiên đàm phán FTA.
Song song với đàm phán FTA, ngày 3/7/2012, Khối EFTA đã cùng Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về việc các nước Khối EFTA công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Trần Quý
theo Thanh tra