Tháng 12, các dịch vụ liên quan đến du lịch đồng loạt thông báo tăng giá. Điều này gây không ít khó khăn cho các công ty lữ hành trong đợt cao điểm du lịch.
Tháng 12, các dịch vụ liên quan đến du lịch đồng loạt thông báo tăng giá. Điều này gây không ít khó khăn cho các công ty lữ hành trong đợt cao điểm du lịch.
Việc tăng giá đúng vào mùa du lịch, khiến không ít doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khó khăn.
Từ ngày 1/12/2011, phí tham quan vịnh Hạ Long được áp dụng mức giá mới theo Quyết định số 3620/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh, nhằm đảm bảo nguồn chi phí đáp ứng cho việc quản lý, bảo tồn và tiếp tục đầu tư phát huy giá trị di sản. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng quyết định tăng giá vé từ ngày 15/12 theo khung giá trần mới, với mức tăng cao nhất lên tới 20%... Việc tăng giá đúng vào mùa du lịch, khiến không ít doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khó khăn. Anh Lê Quang Đạo - Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt - cho rằng, tăng giá vé thắng cảnh của một số điểm du lịch và vé máy bay là điều tệ hại cho các doanh nghiệp làm lữ hành inbound, vì đa số tour đã bán cho mùa cao điểm này cách đây khoảng 6 tháng đến 1 năm. Việc thương thuyết lại giá là điều quá khó với doanh nghiệp, khách hàng không chấp nhận giá mới sau khi đã mua một giá thống nhất.
Trước việc tăng phí tham quan vịnh Hạ Long, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) - cho rằng, việc tăng giá sau 5 năm áp dụng mức giá cũ là việc phải làm, nhưng chọn thời điểm hiện nay (khi vịnh Hạ Long vừa được bầu đứng trong top 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới) là không nên. Theo ông Phương, sau sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và bạn bè khắp nơi trên thế giới, lẽ ra Quảng Ninh phải đưa ra mức ưu đãi, khuyến mãi để tri ân và thu hút thêm khách đến với kỳ quan Hạ Long. Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh cũng kiến nghị về mức phí này của vịnh Hạ Long. Vì khách đi tour vào cuối năm đã mua tour từ đầu năm với giá dịch vụ ở mức cũ, trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nhiều dịch vụ tự đua nhau tăng giá vô tội vạ, đẩy giá tour của Việt Nam cao hơn các nước lân cận, làm giảm sức hấp dẫn và cạnh tranh của du lịch trong nước.
Bà Kim Dung - Phó giám đốc Công ty Kênh du lịch Việt Nam - chia sẻ, việc tăng giá từ đầu năm đến nay đã làm cho doanh nghiệp lữ hành mất khá nhiều khách, nhất là trong mùa thấp điểm. Nhiều đoàn khách quốc tế đăng ký tour lần 2 đều nhận thấy giá dịch vụ tại Việt Nam tăng so với năm ngoái, khiến họ không thoải mái. Còn khách trong nước hủy khá nhiều tour đã đăng ký hoặc chuyển đổi tour có giá hợp lý hơn. Nhiều doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì dịch vụ tăng giá không có kế hoạch. Công ty Kênh du lịch Việt Nam đăng ký tour chơi golf cho khách Hàn Quốc, vừa xin hợp đồng đầu tháng để báo giá cho khách, đến lúc khách đồng ý, khoảng 10 ngày sau, đối tác cung cấp dịch vụ thông báo tăng giá gần gấp đôi khiến công ty không kịp trở tay và chịu thiệt rất nặng để giữ uy tín với khách hàng.
Trước đợt tăng giá mới của các dịch vụ, để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã hướng tới khai thác tour đường bộ, thay cho đường hàng không, hay hướng tới điểm tham quan mới chưa bị du lịch hóa. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Đạo, không phải khách hàng nào cũng làm được và không phải thời điểm nào cũng thực hiện, bởi giống như chuyện đi nhà hàng mà lại ăn cơm bình dân, rất khó chấp nhận. Để có sự phát triển bền vững, ổn định cho du lịch, các cơ quan quản lý cần có lộ trình rõ ràng trước ít nhất 6 tháng và có văn bản về việc tăng giá, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách, cũng như hoạt động của doanh nghiệp lữ hành.
Hoa Quỳnh
Theo Cong thuong