Trong mấy ngày qua, liên tiếp có những hội thảo, tọa đàm xung quanh việc triển khai Luật DN, Luật Đầu tư, nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Cạnh tranh và bàn về trách nhiệm xã hội của DN. Những ý kiến của các chuyên gia, các doanh nhân đều khá xác đáng.
Số doanh nghiệp thành lập mới lớn nhất từ trước đến nay
Hội thảo phối hợp thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một số luật liên quan do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức nhằm rút kinh nghiệm, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc khi triển khai các luật mới đã thu hút nhiều ý kiến phát biểu rất thẳng thắn.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sau 5 tháng triển khai thực hiện, về cơ bản các quy định của Luật Doanh nghiệp được cộng đồng đón nhận tích cực, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng liên tục. Từ tháng 7 đến nay đã có khoảng 7000 doanh nghiệp thành lập, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, đã có khoảng hơn 40.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Riêng tháng 8/2015, có hơn 9.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng tới 84,1%. Tháng 11/2015 có hơn 8.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2014.
“Nếu không có gì thay đổi, riêng năm 2015 sẽ có 94.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là năm có số doanh nghiệp thành lập mới lớn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự ‘cởi trói’ trong tự do kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc thay đổi cách thức quản lý con dấu là một cải cách lớn tại Luật Doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp có quyền tự quyết về số lượng, hình thức, nội dung của con dấu, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không cần phải đóng dấu. Tuy nhiên, để những quy định như trên sớm đi vào cuộc sống, Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết, một số văn bản hướng dẫn liên quan đến con dấu chưa thực hiện đúng với tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014. Luật sư Quang cũng cho rằng cần hạn chế các thủ tục về đăng ký kinh doanh.
Chăm lo cho người lao động là một trong những trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Cũng liên quan đến việc triển khai Luật Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát quy định hướng dẫn Luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện một cách hiệu quả.
Để Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống
Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh: Góc nhìn từ phía doanh nghiệp” với mục đích tạo một diễn đàn mở để tiếp nhận các ý kiến đánh giá khách quan từ các doanh nghiệp, hiệp hội về hiệu quả của các hoạt động thực thi pháp luật trong thời gian qua, cũng như các vấn đề phát sinh trong quá trình vận dụng các quy định của luật tại doanh nghiệp.
Ông Phùng Văn Thành, Phó phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh của Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết cho đến nay chỉ có 300 đơn thư khiếu nại về những hành vi hạn chế cạnh tranh. Cơ quan chức năng đã ra quyết định điều tra hơn 132 trường hợp và xử lý 123 vụ việc. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý vụ việc liên quan đến cạnh tranh khá phức tạp, do hiện có đến hai cơ quan cùng có chức năng thực thi Luật Cạnh tranh. Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh có chức năng hoạt động điều tra và xử lý một phần vụ việc vi phạm luật cạnh tranh. Còn Hội đồng cạnh tranh có chức năng xử lý các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh sau khi bị cơ quan quản lý cạnh tranh điều tra.
Ông Trần Võ Quốc Sơn, Giám đốc Tư vấn luật và pháp lý Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, nhấn mạnh thêm rằng không chỉ có 2 cơ quan chức năng cùng thực thi Luật Cạnh tranh, mà còn có nhiều cơ quan chức năng khác can thiệp về quản lý cạnh tranh, như cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường, Sở hữu trí tuệ… Điều này dẫn đến sự đùn đẩy hoặc chồng chéo trong trách nhiệm. Do đó, để Luật Cạnh tranh có thể đi sâu vào cuộc sống và doanh nghiệp có thể vận dụng dễ dàng, cần thiết giao về một đơn vị nhất quán, độc lập, có uy tín.
Ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp lý và Chính sách - VPĐD công ty BowerGroupAsia tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có pháp luật cạnh tranh nhưng chưa có chính sách cạnh tranh. Theo ông Phước, để hoàn thiện pháp luật cạnh tranh có hiệu quả, cần 3 yếu tố là: chính sách cạnh tranh, quy định cạnh tranh, tổ chức thực thi cạnh tranh. Chính sách cạnh tranh phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp mới gia nhập ngành, giới hạn những trường hợp nào nhà nước được phép can thiệp vào thị trường.
Tại Hội thảo, ông Phúc Hoàng Duy đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; ông Lương Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) cũng than phiền về cạnh tranh hiện nay cũng vô cùng gay gắt và có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Ngày 23/11, tại buổi Tọa đàm “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, các diễn giả đã bàn về những quan điểm về trách nhiệm xã hội (TNXH), một khái niệm còn khá mơ hồ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bàn về vấn đề nâng cao TNXH với những cam kết của người đứng đầu doanh nghiệp, cũng như những kiến nghị với Chính phủ, các giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng, bà Vũ Thị Thuận (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco) rằng Nhà nước cần đưa TNXH của doanh nghiệp vào các tiêu chí trong thi đua khen thưởng, các ưu tiên sử dụng sản phẩm… Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền TNXH không chỉ ở doanh nghiệp mà còn của người dân. Dân trí phải được nâng cao trong việc sử dụng quyền của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm. Và chính người dân cũng phải nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ môi trường khi sử dụng sản phẩm. Ví dụ, vệ sinh trong quản lý rác thải sinh hoạt, người nông dân phải biết quản lý được các bao bì thuốc trừ sâu… Vai trò của Hiệp hội cũng cần được nâng cao trong phản biện xã hội xây dựng chính sách, và động viên các doanh nghiệp trong hiệp hội thực hiện trách nhiệm xã hội.
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON mong có sự ủng hộ của Chính phủ và truyền thông. Chính phủ cần đưa ra các cơ chế ghi nhận nỗ lực TNXH của doanh nghiệp, có cơ chế thưởng, phạt cho các doanh nghiệp khi thực hiện TNXH. Với các cơ quan truyền thông, mong cơ quan truyền thông vào cuộc mạnh mẽ, chủ động để đẩy nhận thức về TNXH đối với mọi đối tượng xã hội.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp chốt lại, việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp không chỉ làm cho doanh nghiệp phát triển bền vững, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững chung của xã hội. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững.
Đỗ Huyền
theo Công lý