Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2018, trong đó đáng chú ý là việc Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường chưa nộp hơn 25,7 tỷ đồng nợ tiền thuê đất và không nộp báo cáo tài chính liên tục nhiều năm.
Cụ thê, Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2018, cho biết Kiểm toán Nhà nước khu vực XI đã phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường đã không nộp báo cáo tài chính liên tục nhiều năm. Cục Thuế chưa có biện pháp xử phạt ấn định thuế theo quy định Điều 25 Thông tư số 156/2013/TT-BTC và Điều 9 Thông tư sô 166/2013/TT-BTC.
Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường cũng chưa chấp hành kiểm tra đối chiếu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường được UBND tỉnh ký 4 hợp đồng cho thuê đất trả tiền hàng năm với tổng diện tích 2.912.354,6m2 để thực hiện Dự án xây dựng Khu du lịch Tràng An, thời gian cho thuê là 70 năm, đơn giá thuê theo các quyết định của Sở Tài chính.
Mặc dù Chi cục Thuế huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã nhiều lần làm việc, đôn đốc và yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước (NSNN) kịp thời theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, tuy nhiên, từ thời điểm UBND tỉnh cho thuê đất năm 2007 đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường chưa thực hiện nộp tiền thuê đất vào NSNN.
Tổng số tiền thuê đất phải nộp tính đến hết năm 2018 cơ quan Thuế xác định là 25,74 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất là 15,608 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp là 10,132 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết đã nhiều lần đưa Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường vào danh mục phải kiểm tra, đối chiếu thuế nhưng đơn vị bằng nhiều lý do đã không chấp hành.
Cụ thể, năm 2014 doanh nghiệp này viện lý do bận đang thi công nhiều công trình; năm 2015 vì lý do bận xây chùa ở một số nơi; năm 2018, 2019 vì các lý do đang xây dựng quần thể chùa Tam Chúc phục vụ Đại lễ Phật Đản.
“Kiểm toán Nhà nước đã nhiều lần kiến nghị tại các Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương các năm về việc tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường nhưng địa phương không tổ chức thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vi phạm kéo dài của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ trách nhiệm của Chi Cục Thuế huyện Hoa Lư là chưa thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợp thuế theo quy định. Cục Thuế không thực hiện điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất khi đến kỳ điều chỉnh vào năm 2017 theo quy đinh.
Trước những sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước năm 2018 và các năm trước, sau, có liên quan đến Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chú ý xử lý dứt điểm những vi phạm của Danh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường, yêu cầu nộp đủ tiền thuê đất, tiền phạt chậm nộp và báo cáo tài chính theo quy định.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Cục thuế tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Chi Cục thuế huyện Hoa Lư theo dõi và thu đủ khoản nợ đọng hơn 25,7 tỷ đồng tiền thuê đất của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường; đặc biệt, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định việc không áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định đối với việc doanh nghiệp chây ì không nộp tiền thuê đất này.
Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường được nhiều người biết đến với vai trò là chủ đầu tư của nhiều dự án tâm linh “khủng” với số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng như khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính, khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, khu du lịch Cái Tráp…
Được biết, chủ doanh nghiệp này là ông Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963 tại Hoa Lư, Ninh Bình.
Tại văn bản trả lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) về việc cấp hàng ngàn ha đất để doanh nghiệp xây chùa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chỉ rõ có nhiều bất cập, chưa rõ ràng trong quản lý, giao đất, cho thuê đất để làm chùa tại các tỉnh.
Khu núi chùa Bái Đính thuộc quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng phê duyệt năm 2003, có diện tích 1.005,3 ha.
Liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, từ năm 2006 đến 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi 518,3 ha đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt) bao gồm: Đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là 184,9 ha; đất do BQL rừng phòng hộ huyện Gia Viễn là 67,6 ha; đất do UBND xã quản lý là 178,9 ha; đất hoang, đất xâm canh 36,7 ha.
Cùng với đó, tỉnh giao đất cho 3 cơ quan gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 495,3 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn 4,3 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc giao đất cho 3 đơn vị trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất).
Đối với chùa Tam Chúc (quy mô 1.205 ha), từ năm 2006 đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để phát triển Khu du lịch Tam Chúc, với tổng diện tích là hơn 815 ha.
Từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1 hecta nói trên cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên - Môi trường: “Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung. Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại)”.
|
Hà Sơn
Theo Thời báo Ngân hàng