Sau một ngày hỏi cung, bị can Chuẩn thừa nhận ít nhiều có vi phạm và không chối tội như những lần hỏi cung trước đó.
Suýt vào tù vì tin nguồn vốn “ảo”
Trong cuộc đời làm kiểm sát viên, viện Kiểm sát quân sự quân khu Thủ đô, ông Nguyễn Văn Tiên ấn tượng về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị can là cụ ông 70 tuổi (ở Hà Nội).
Bước vào kinh doanh lĩnh vực nước giải khát với đồng vốn hạn hẹp, ông Nguyễn Chuẩn dốc cạn hầu bao gần chục tỷ đồng thuê 10.000m2 đất tại huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội làm xưởng.
Sở dĩ, ông Chuẩn có ý định làm ăn lớn vì tin vào lời mời chào của một ngân hàng Mỹ, hứa sẽ cho vay 19 triệu USD. Trong khi chờ nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng nước ngoài, ông Chuẩn vay mượn thêm của anh em, bạn bè người thân được khoảng 4 tỷ đồng.
Do thiếu vốn đầu tư, dự án của ông Chuẩn bị đình trệ. Người cho vay bắt đầu đến đòi nợ. Ông Chuẩn bán nhà trả nợ, nhưng vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Chủ nợ tố cáo ông lên cơ quan công an, doanh nhân già Nguyễn Chuẩn bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Cũng vì ông bán nhà để trả nợ, cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng ông bỏ trốn nên đã ra lệnh truy nã”, ông Tiên nhớ lại.
Trong số bị hại có một doanh nghiệp quân đội, đây là lý do kiểm sát viên Nguyễn Văn Tiên được giao trách nhiệm thụ lý vụ án.
Tâm sự với PV báo Người Đưa Tin, ông Tiên kể lại: “Lần đầu tiên tiếp xúc với bị can Chuẩn, tôi thấy ông ta mặc quần áo com-lê rất sang trọng, tuổi cao như bố tôi. Đi cùng có luật sư riêng. Ông chủ động giơ tay. Vì tôn trọng tuổi tác, tôi giơ tay ra bắt”.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Tiên nói dõng dạc: “Lần đầu tiên, tôi bắt tay vì tôn trọng bác tuổi cao. Lần sau không có chuyện đó, bởi vì bác là bị can trong vụ án”.
Ông Nguyễn Văn Tiên.
Qua một ngày hỏi cung, kiểm sát viên Tiên cảm nhận bị can Chuẩn là một cán bộ vừa bước ra khỏi cơ quan Nhà nước chưa lâu, vẫn còn ngô nghê về pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực vay tiền nước ngoài.
Về nguyên tắc, khi vay vốn nước ngoài, phải qua bảo lãnh của ngân hàng Nhà nước. Nhưng trong trường hợp này, vừa có thư chào mới của của ngân hàng, doanh nhân Chuẩn tin ngay sẽ vay được khoản vốn ưu đãi của ngân hàng nước ngoài.
“Tôi đánh giá, bản chất không có hành vi phạm tội. Tài sản của ông Chuẩn lúc đó trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Nếu bán đi vẫn có thể trả được khoản vay khoảng 4 tỷ đồng cho các chủ nợ. Do vậy, buộc tội ông lừa đảo là không đúng”, kiểm sát viên Tiên đánh giá chứng cứ.
Sau một tuần khắc phục hậu quả cho bị hại theo lời kiểm sát viên, cơ quan tiến hành tố tụng đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Doanh nhân Nguyễn Chuẩn không còn rơi vào vòng quay tố tụng.
Bức thư 15 năm về trước
Cảm kích trước ân nhân Nguyễn Văn Tiên, ông Nguyễn Chuẩn viết bức thư cảm tạ như sau: “Quá trình làm việc, tôi trình bày rõ nội dung và bản chất vụ việc và đồng chí Tiên cũng phân tích rõ những sai phạm của tôi về mặt luật pháp qua khoản tiền có liên quan với công ty N.Đ.. Những phân tích của đồng chí Tiên, tôi thấy trước đây tôi đã không nhận thức rõ về mặt luật pháp.
Tôi thành thật cảm ơn sự quan tâm thấu tình đạt lý của cán bộ kiểm sát viên. Đồng chí Tiên đã để lại dấu ấn tốt đẹp hơn về lương tâm, đạo đức, sự hiểu biết luật pháp của người cán bộ kiểm sát mà tôi đã được trực tiếp làm việc.
Xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo của Viện và đồng chí Tiên lời biết ơn chân thành. Qua sự phân tích một cách khách quan, vô tư, đúng pháp luật của cán bộ kiểm sát, tôi tự thấy rõ hơn những sai phạm của mình và chính đó là điều đã xác định trách nhiệm khắc phục hậu, sửa chữa của tôi để mọi công việc được tốt đẹp hơn".
Ông Nguyễn Văn Tiên cảm thấy lương tâm thanh thản vì cứu một con người. Qua vụ án này, ông rút ra bài học: "Làm kinh tế thời nay phải hiểu biết pháp luật".
(Tên nhân vật được thay đổi)
T.L
Theo Người đưa tin