Cuộc khủng hoảng niềm tin khiến doanh thu ngành bảo hiểm trong quý III tiếp tục giảm gần 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022, mức giảm đầu tiên sau gần chục năm.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) quý III ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Quý trước đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm cũng đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ, đạt 61.300 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm gần 7% so cùng kỳ 2022. Đây là lần đầu sau gần chục năm, doanh thu bảo hiểm 9 tháng sụt giảm.
Trước đó, trong quý II, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2023 ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, đây đã là quý thứ hai liên tiếp doanh thu phí của ngành đi lùi khi so sánh với con số cùng kỳ. Đồng thời, doanh thu phí quý vừa qua cũng giảm mạnh tới 13,7% so với quý II liền trước. Kết quả trên khá “lạc lõng” khi đặt trong xu thế tăng trưởng hai con số đã kéo dài nhiều năm của ngành bảo hiểm, ngay cả trong đại dịch.
Mức giảm doanh số của thị trường chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ. Nửa đầu năm nay, mảng phi nhân thọ vẫn tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2022, còn tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm hơn 6.700 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu ngành ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm giảm từ 30% đến 40%.
Bên cạnh đó, các lùm xùm xung quanh việc khách hàng tố giác đại lý tư vấn sai, tranh chấp giữa người mua và người bán bảo hiểm gây ảnh hưởng xấu tới niềm tin thị trường. Thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong quý I/2023 và đặc biệt vào giữa tháng 4. Số liệu từ hãng phân tích dữ liệu mạng xã hội YouNet ngay giữa tháng 4 cho thấy, số lượng thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội, về livestream của một nữ diễn viên về hợp đồng bảo hiểm và các sự kiện liên quan lớn hơn gấp đôi thảo luận của 16 cuộc khủng hoảng trước đó của ngành bảo hiểm từ năm 2020 đến 2022 cộng lại.
Doanh thu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là yếu tố chính kéo lùi doanh thu phí bảo hiểm trong nửa đầu năm 2023.
Bộ Tài chính cho biết đã và đang thực hiện các cuộc thanh tra với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp với ngân hàng.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,2% giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7% giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,7% giảm 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 7,4%, giảm 44,9% so với cùng kỳ.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13.354.376 hợp đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm ước đạt là 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ từ khai thác mới t6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tromg nửa đầu năm vẫn tăng, dù chỉ nhích nhẹ 1,3%.
Từ đầu tháng 7 năm nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, đưa vào một số quy định đối với bộ phận chuyên trách bảo hiểm tại ngân hàng và yêu cầu có bàn giao dịch riêng để tư vấn bảo hiểm tách biệt với khu vực giao dịch... Thông tư hướng dẫn chi tiết về Nghị định này đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến, dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Tiến Hoàng/KTDU