Sự kiện hot
13 năm trước

Đòn tự vệ của 2 "ông lớn"

Ngay sau khi CTCP FPT có Nghị quyết HĐQT về việc mua lại không quá 1.000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kèm chứng quyền, thị trường nhận thêm thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank đăng ký mua vào 100 triệu CP quỹ.

Ngay sau khi CTCP FPT có Nghị quyết HĐQT về việc mua lại không quá 1.000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kèm chứng quyền, thị trường nhận thêm thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank đăng ký mua vào 100 triệu CP quỹ.

Dù lý do mà cả 2 "ông lớn" trên đưa ra là hướng đến lợi ích của cổ đông, nhưng trên thị trường có những nghi vấn cho rằng, đây là động thái nhằm chống lại nguy cơ "xâm lấn" từ một đối tác mới.

FPT: mua lại tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu

Thông tin FPT dự kiến mua lại tối đa 1.000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kèm chứng quyền phát hành năm 2009 đã nhận được khá nhiều thắc mắc từ dư luận. Hai câu hỏi lớn là FPT sẽ mua lại trái phiếu từ ai? Tại sao mua lại trong khi nếu giữ nguyên trái phiếu, Công ty sẽ hưởng chênh lệch lãi suất 7%/năm từ việc vay rẻ trái phiếu với lãi suất 7% và lãi gửi tiết kiệm 14%?

Trả lời những thắc mắc trên, FPT cho rằng, về phương diện pháp lý và nguồn lực tài chính, FPT đủ khả năng mua lại trái phiếu trên. Đối tượng mua lại sẽ căn cứ vào việc đăng ký của trái chủ, theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên đăng ký với Công ty, tức là mọi trái chủ đều có quyền bán trái phiếu cho FPT nếu có nhu cầu.

Câu hỏi đáng quan tâm hơn cả là tại sao FPT lại mua lại trái phiếu lúc này? Bài toán lợi ích cho DN có được tối đa hóa? Với giải thích của FPT thì việc thay đổi chiến lược kinh doanh, trong đó có việc không đầu tư vào các lĩnh vực không có nhiều thế mạnh, giúp Công ty hiện có khoản tiền nhàn rỗi khá lớn. Trong khi đó, nhu cầu vốn vay của Công ty chủ yếu là ngoại tệ. Vì thế, thay vì đi gửi tiền ở ngân hàng, FPT sẽ mua lại trái phiếu. Nhưng mấu chốt là FPT sẽ mua lại trái phiếu với mức lợi suất nào? Chỉ khi nào lợi suất trái phiếu không thấp hơn 14% và chứng quyền của FPT được định giá bằng 0, thì lợi ích cổ đông mới không bị ảnh hưởng. Dư luận vẫn đang chờ FPT công bố thông tin về giá mua lại trái phiếu để trả lời câu hỏi lợi ích trong thương vụ này thực sự là của cổ đông Công ty hay của một nhóm người có quyền ra quyết định về thương vụ này.

Một câu hỏi khác với FPT rằng, việc mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu của FPT có phải là sự phòng thủ trước một nhân tố mới mang tên Orchild Fund?

Chỉ trong thời gian ngắn, Orchild Fund của Singapore đã cấp tập mua vào hơn 4,3 triệu CP để trở thành cổ đông lớn sở hữu hơn 15 triệu CP (tương đương 6,95%) tại FPT. Ngay sau đó, Orchild Fund đăng ký mua thêm hơn 6,3 triệu CP FPT, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 9,9%. Nếu việc mua CP của Orchild Fund thành công, Orchild Fund sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của FPT, vượt cả ông Trương Gia Bình (hiện tại là cổ đông lớn nhất sở hữu 7,24% vốn). Thị trường đã xuất hiện những lời đồn đoán về nguy cơ "xâm nhập" FPT của Orchild Fund và có dư luận cho rằng, đà "xâm nhập" nhanh chóng này nếu thành công đồng thời với sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài khác, Orchild Fund chắc chắn có chân trong HĐQT FPT nhiệm kỳ tới, thậm chí vị trí này có thể sẽ cạnh tranh trực tiếp với vị trí Chủ tịch HĐQT FPT đương nhiệm. Việc FPT công bố mua lại trái phiếu kèm chứng quyền (cùng thời điểm Orchild Fund đăng ký mua CP FPT), được cho là một động thái nhằm loại bớt nguy cơ gia tăng sở hữu đột biến của Quỹ tại FPT. Việc hàng loạt cổ đông nội bộ, người có liên quan tại FPT bán CP thời gian vừa qua đang khiến dư luận đặt dấu hỏi về những diễn biến nội bộ của FPT.

Nhìn ở góc độ tích cực, nếu giá mua lại trái phiếu kèm chứng quyền ở mức có lợi cho cổ đông thì việc phòng thủ trước áp lực xâm nhập sâu của tổ chức mới sẽ góp phần mang lại sự ổn định và lợi ích cho FPT. Trước hết, FPT sẽ có một cơ cấu nợ/vốn chủ đẹp hơn, có thể sẽ có lợi nhuận đột biến (vì mua trái phiếu, giảm nợ) và giảm được nguy cơ tăng vốn chủ trong tương lai. Nhưng như đã nói trên, góc nhìn này chỉ là giả thuyết, vì cái gốc của câu chuyện là ở chỗ FPT sẽ mua lại trái phiếu ở mức giá nào, hiện vẫn chưa được Công ty công bố.

Sacombank mua 100 triệu CP quỹ

Nếu bình chọn ngân hàng được quan tâm nhiều nhất năm nay, chắc chắn đó là Sacombank. Liên tiếp các thông tin của Sacombank được thị trường chú ý, từ cách trả cổ tức bằng tiền kết hợp phát hành CP tỷ lệ 15% vốn điều lệ, đến tin đồn bị thâu tóm, cổ đông lớn thoái vốn… và bây giờ là hiện tượng Sacombank công bố mua CP quỹ. Thông tin Sacombank mua CP quỹ gây ấn tượng bởi quy mô đợt mua lại quá lớn, tới 100 triệu CP với số tiền ước bỏ ra khoảng hơn 1.300 tỷ đồng. Đây là giá trị mua CP quỹ (đăng ký) kỷ lục của TTCK Việt Nam.

Với quy mô tài sản và nguồn lực hiện tại, Sacombank có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện ý định trên. Nhưng điều dư luận đặt dấu hỏi là tại sao Sacombank công bố mua gần 10% vốn điều lệ mới ngay sau khi tăng vốn, do Ngân hàng vừa mới thực hiện tăng vốn 17% so với vốn điều lệ cũ và CP mới phát hành còn chưa kịp đưa vào niêm yết?

Trong Bản cáo bạch chào bán CP tăng vốn điều lệ vừa qua (gồm tỷ lệ 15% chào bán cho cổ đông hiện hữu và tỷ lệ 2% cho cán bộ điều hành), Sacombank cho biết, mục đích của đợt phát hành là để đầu tư vào tài sản cố định (320 tỷ đồng), thành lập ngân hàng con Sacombank-Laos (800 tỷ đồng) và đầu tư trái phiếu, tài trợ xuất nhập khẩu và cho vay nông nghiệp, nông thôn (440 tỷ đồng).

Ngày 27/9 là ngày cuối cùng mua cổ đông nộp tiền mua CP STB. Tổng số tiền thu về từ chào bán cho cổ đông hiện hữu là gần 1.377 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với số tiền HĐQT Sacombank sẽ dùng để mua vào 100 triệu CP quỹ (trên 1.300 tỷ đồng). Trong một thời gian ngắn, vì sao Sacombank lại có 2 quyết sách ngược nhau và có thực sự đặt lợi ích của cổ đông lên trên hết hay không?

Một câu hỏi lớn khác là Sacombank sẽ mua CP quỹ từ ai? Với thanh khoản bình quân chưa đến 1 triệu CP/phiên, trong vòng 1 tháng (từ 15/11 đến 15/12/2011), tối đa Sacombank có thể mua trên sàn là 23 triệu CP. Số lượng còn lại (77 triệu CP), Sacombank chỉ có thể mua lại khi có đối tác muốn bán.

Liên hệ với mong muốn thoái vốn đầu tư tại Sacombank của ANZ (ANZ nắm 10% vốn tại Sacombank), phải chăng Sacombank sẽ bỏ tiền mua lại cổ phiếu từ chính cổ đông chiến lược này? Hiện Sacombank chưa có thông tin chính thức xác nhận đối tác sẽ cung ứng nguồn CP quỹ trên, nhưng nếu giả thiết trên là sự thật thì cú" ra đòn" mua cổ phiếu quỹ của HĐQT Sacombank cũng là cách giúp HĐQT ngăn ngừa nguy cơ CP Sacombank bị một đối tượng cổ đông khác mua thâu tóm kiểu "thù địch".

"Kinh nghiệm thế giới cho thấy, trong giai đoạn khủng hoảng, các ngân hàng thường tìm cách phát hành thêm cổ phiếu để gia tăng nguồn lực tài chính. Việc mua CP quỹ là đi ngược lại thông lệ chung. Mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm đi hệ số an toàn vốn CAR của ngân hàng. Nếu ngay trước đó là một đợt phát hành thì hành động này lại càng mâu thuẫn. Còn nếu mua cổ phiếu quỹ nhằm chống lại khả năng thâu tóm của nhóm cổ đông khác, thì phải xem xét việc này phục vụ lợi ích tài chính trực tiếp của ngân hàng hay lợi ích của nhóm các thành viên Ban lãnh đạo đương nhiệm". - Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Bùi Sưởng
Theo ĐTCK 

Từ khóa: